Bảy lần quân đội Mỹ mất vũ khí hạt nhân và bốn lần không bao giờ tìm thấy
Mặc dù chương trình hạt nhân được thiết kế để 'không có khiếm khuyết', nhưng dưới đây là bảy ví dụ về các vũ khí hạt nhân trong quân đội Mỹ thất lạc, bốn trong số đó không bao giờ được tìm thấy.
1. Năm 1956: Máy bay B-47 biến mất với hai “viên nhộng” hạt nhân
Câu chuyện đầu tiên trong danh sách cũng là một trong những câu chuyện bí ẩn nhất vì người ta không tìm thấy bất cứ cái gì như xác máy bay, vũ khí hay phi hành đoàn.
Một chiếc oanh tạc cơ B-47 Stratojet với hai vũ khí hạt nhân cất cánh từ Căn cứ Không quân MacDill, Florida vào ngày 10/3/1956 hướng đến Maroc. Nó đã được lên lịch cho hai lần tiếp nhiên liệu trên không nhưng không xuất hiện tại điểm tiếp liệu lần thứ hai. Một nhóm tìm kiếm quốc tế được cử đi tìm nhưng không tìm thấy gì. Quân đội Mỹ cuối cùng đã phải ngừng tìm kiếm.
2. Năm 1958: Máy bay ném bom mang hạt nhân bị hư hại gần đảo Tybee, bang Georgia
Vào ngày 5/2/1958, máy bay ném bom B-47 rời Florida với vũ khí hạt nhân trong một nhiệm vụ huấn luyện mô phỏng vụ ném bom vào một thành phố của Nga và lẩn tránh các tên lửa đánh chặn sau đó. Trên bờ biển Georgia, máy bay ném bom và máy bay đánh chặn (quân đỏ) đã va chạm.
Phi công tiêm kích đánh chặn nhảy dù, phi hành đoàn máy bay ném bom cố gắng hạ cùng quả bom nhưng không thành công. Họ ném bom xuống biển trước khi hạ cánh an toàn.
Vì các lỗ chứa plutonium đã được thay đổi thành lỗ chì trong quá trình huấn luyện, quả bom mất tích chỉ có khối lượng uranium-235 dưới ngưỡng và không thể gây ra một vụ nổ hạt nhân.
3. Năm 1961: Hai quả bom hạt nhân suýt biến Bắc Carolina thành một vịnh
Vào ngày 24/1/1961, một chiếc B-52 mang theo hai quả bom Mark 39, mỗi quả mạnh gấp 253 lần quả bom Little Boy ném xuống Hiroshima, vỡ tan trong một cơn bão và giải phóng hai quả bom.
Một phi công sống sót sau vụ tai nạn đã cảnh báo cho Lực lượng Không quân Mỹ về sự cố. Quả bom đầu tiên được tìm thấy treo trên cây bằng một cái dù, dựng đứng, mũi cắm xuống sát đất. Nó đã trải qua sáu trong bảy bước cần thiết để phát nổ. May mắn thay, công tắc an toàn, do hỏng hóc, đã ở đúng vị trí và quả bom đã “hạ cánh an toàn”.
Jack Revelle, người chịu trách nhiệm xác định vị trí và loại bỏ hai quả bom cho biết: “Bây giờ bạn có thể có một Vịnh Bắc Carolina rất lớn nếu thứ đó biến mất. Công tắc của quả bom kia đã chuyển sang chế độ 'vũ khí' nhưng vì lý do gì mà không ai biết, nó vẫn không thể phát nổ, cứu sống hàng chục nghìn người”.
4. 1965: Mất máy bay hải quân, phi công và bom hạt nhân B43
Một chiếc A-4 Skyhawk của hải quân Mỹ đang được di chuyển trên tàu USS Ticonderoga trong một cuộc tập trận ngày 5/12/1965 khi nó trượt khỏi sàn thang máy trong khi trên máy bay có một phi công và một bom hạt nhân B43. Máy bay nhanh chóng chìm xuống vùng nước sâu 5.300m.
Hiện vẫn chưa rõ tình trạng của quả bom này. Áp suất ở độ sâu đó có thể đủ để kích nổ vũ khí và vùng nước sâu đến mức khó có thể phát hiện ra. Nếu vũ khí vẫn còn nguyên vẹn, sẽ gần như không thể tìm thấy vì rất ít tàu lặn có thể xuống được độ sâu đó.
5. 1966: Máy bay -52 đâm vào máy bay KC-135, 4 quả bom nhiệt hạch được thả xuống Tây Ban Nha
Vào ngày 17/1/1966, một chiếc B-52 đang tiến đến gần một chiếc KC-135 để tiếp nhiên liệu thì xảy ra va chạm, phát hỏa khiến phi hành đoàn KC-135 và 3 người trên chiếc B-52 thiệt mạng.
Máy bay B-52 và 4 quả bom nhiệt hạch B28 rơi xuống gần một làng chài nhỏ ở Palomares, Tây Ban Nha. Ba quả bom đã được tìm thấy trong 24 giờ đầu tiên sau vụ tai nạn. Một quả tiếp đất an toàn trong khi hai quả khác phát nổ nhưng với chất nổ thông thường. Các vụ nổ đã đốt cháy và phân tán plutonium trong quả bom, làm ô nhiễm diện tích hai km2.
Quả bom thứ tư rơi xuống biển. Hải quân Mỹ đã mất gần 100 ngày để xác định vị trí và thu hồi nó.
6. Năm 1968: B-52 bị rơi và một vũ khí hạt nhân thất lạc dưới lớp băng ở Bắc Cực
Giống như vụ tai nạn ở Palomares, vụ rơi máy bay B-52 ngày 21/1 dẫn đến 4 quả bom B28 được giải phóng. Lần này chúng rơi ở trên lãnh thổ Greenland và ít nhất ba trong số các quả bom đã vỡ tan.
Các nhà điều tra đã thu hồi hầu hết các thành phần này trước khi nhận ra rằng họ không tìm thấy thứ gì của quả bom thứ tư.
Đội phục hồi suy đoán rằng quả bom bắt đầu bốc cháy sau vụ va chạm và làm tan băng. Phần còn lại của quả bom sau đó rơi xuống đáy biển Bắc Cực. Vũ khí mất tích, được cho là không thể thu hồi.
7. Năm 1968: Vụ chìm tàu USS Scorpion
USS Scorpion, một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, được tuyên bố là mất tích vào ngày 5/6/1968. Tổn thất này đặc biệt gây khó khăn cho Hải quân Mỹ vì con tàu này đã theo chân một nhóm nghiên cứu của Nga ngay trước khi mất tích.
Vào thời điểm bị mất tích, tàu Scorpion đang mang theo hai ngư lôi chống tàu ngầm Mark 45 (ASTOR). Cho đến tháng 10/1968, các mảnh vỡ mới được tìm thấy. Tàu USS Scorpion nằm dưới đáy Đại Tây Dương dưới độ sâu 3.000 mét và nguyên nhân của vụ chìm vẫn chưa được biết. Khoang chứa ngư lôi dường như vẫn còn nguyên vẹn với hai quả ngư lôi hạt nhân, nhưng Hải quân Mỹ không thể nói điều gì chắc chắn.
Việc thu hồi ngư lôi sẽ vô cùng khó khăn, vì vậy Hải quân Mỹ sẽ giám sát mức độ bức xạ trong khu vực. Cho đến nay, chưa có dấu hiệu rò rỉ từ ngư lôi hay lò phản ứng, theo tuyên bố của Hải quân Mỹ.