Bẫy lừa xuất khẩu lao động: Bài 1 - Nhiều nạn nhân có nguy cơ mất hàng tỷ đồng

Tin tưởng vào quảng cáo giới thiệu của Công ty TNHH thương mại Tâm Sáng Việt, hàng chục nạn nhân ở nhiều địa phương đã nộp số tiền lớn vào để đi xuất khẩu lao động. Nhưng sau đó họ không được đáp ứng nguyện vọng, và cả nguy cơ mất trắng số tiền đã nộp từ trước.

 Người lao động cần cảnh giác tìm hiểu kỹ trước khi nộp hồ sơ đi xuất khẩu lao động

Người lao động cần cảnh giác tìm hiểu kỹ trước khi nộp hồ sơ đi xuất khẩu lao động

Video: Nguy cơ mất hàng tỷ đồng vì “sập bẫy” xuất khẩu lao động

Nộp tiền xuất khẩu lao động vì tin vào quảng cáo sai sự thật

Theo phản ánh của hàng chục nạn nhân tới Báo Phụ nữ Việt Nam, năm 2023, do tin tưởng vào những thông tin quảng cáo của Công ty TNHH thương mại Tâm Sáng Việt (Công ty Tâm Sáng Việt), có địa chỉ đăng ký tại Số 8, đường Thạch Bàn, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội, người đại diện pháp luật là ông Phạm Trần Hơn, họ đã nộp hồ sơ và tiền để làm thủ tục đi xuất khẩu lao động, thông qua đơn vị này. Người ít thì vài chục triệu, người nhiều thì gần 200 triệu đồng.

Sau khi đăng ký và nộp tiền vào tài khoản cá nhân của thủ quỹ Công ty Tâm Sáng Việt là bà Phạm Thanh Bình, họ được đưa đến quận Long Biên, Hà Nội để đào tạo chuẩn bị cho việc đi lao động xuất khẩu, với những lời hứa đầy chắc chắn của lãnh đạo công ty này.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, ở Hải Dương, cho biết: “Đến trung tâm, họ yêu cầu tôi đóng 10 triệu tiền cọc, sau đó chúng tôi thi đơn hàng. 14 giờ thi, thì đến 16 giờ hôm đó ông Hơn thông báo cho tôi bằng miệng rằng đã đỗ đơn hàng, kèm yêu cầu tôi đóng thêm 100 triệu đồng nữa. Họ đưa chúng tôi đi giới thiệu trung tâm 1 vòng và cho chúng tôi điểm chỉ vào giấy tờ, điều lạ là họ không đưa lại cho chúng tôi một bản sao nào về giấy tờ liên quan đến hợp đồng, hồ sơ xuất khẩu lao động, mà họ thu giữ hết lại”.

Chị Lê Hồng Dạ Thương, ở Quảng Trị, cho hay: “Khi ra đến trung tâm ở Long Biên, họ cũng yêu tôi đóng 10 triệu tiền cọc trước khi thi đơn hàng. Thi đỗ đơn hàng thực phẩm xong thì ông Hơn yêu cầu tôi đóng thêm 105 triệu đồng, trong vòng 7 ngày cho cô Phạm Thị Bình, kế toán công ty. Nếu không đóng thì đơn hàng sẽ bị hủy”.

Anh Trinh Đức Thế, ở Quảng Trị, cho biết thêm: “Ngày 10/4/2023, tôi được ông Hơn thông báo trúng tuyển, và cho về nhà chuẩn bị 100 triệu đồng để đóng cho thủ tục đi xuất khẩu lao động. Sau khi về nhà tôi chuẩn bị tiền và chuyển khoản cho bà Phạm Thị Bình, kế toán 100 triệu đồng vào ngày 14/4/2023”.

Các nạn nhân của Công ty Tâm Sáng Việt

Các nạn nhân của Công ty Tâm Sáng Việt

Đến nay, đã một năm trôi qua, các nạn nhân của Công ty Tâm Sáng Việt vẫn chưa được đi xuất khẩu lao động, dù tiền đã đóng theo yêu cầu của công ty.

Chị Lê Hồng Dạ Thương cho biết: “Mình đã đóng đủ số tiền theo ông Hơn yêu cầu rồi tham gia học đến ngày 30/7/2023, thì ông Hơn thông báo là sẽ đóng cửa trung tâm đào tạo và chuyển qua chỉ nhận hồ sơ, còn đơn hàng của chúng tôi sẽ cho về nhà để đợi lịch bay. Đợi mãi không thấy lịch bay hay thông báo gì từ Tâm Sáng Việt, nên tôi cùng các bạn học viên khác gọi hỏi thầy Trịnh Minh Tú là Phó giám đốc Công ty Tâm Sáng Việt, thì được thầy tú thông báo đơn hàng của chúng tôi đã bị hủy”.

Anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm: “Hủy đơn ông Hơn cũng không thông báo cho chúng tôi biết, nếu chúng tôi không hỏi thì ông cũng không báo. Rồi ông ấy xin lỗi này kia và bảo chúng tôi có 2 phương án, một là ông ấy sẽ trả lại tiền, hai là cho chúng tôi ghép vào 1 đơn khác ở chỗ nào đó. Chúng tôi chọn rút tiền lại, thì ông Hơn bảo cho ông đầu tháng 4 sẽ trả 1 nửa, nửa còn lại đầu tháng 5 ông trả nốt. Nhưng đến nay ông chưa trả đồng nào”.

Tôi có gọi điện ông Hơn nhưng ông không nghe máy, nhắn tin cũng không thấy trả lời, đến đây tôi mới biết có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”, anh Trịnh Đức Thế nói.

Học viên được hướng dẫn đóng tiền thông qua tài khoản ngân hàng của bà Bình - kế toán công ty

Học viên được hướng dẫn đóng tiền thông qua tài khoản ngân hàng của bà Bình - kế toán công ty

Để thu hút những người đăng ký đi xuất khẩu lao động qua công ty mình, ông Phạm Trần Hơn đã đưa ra nhiều thông tin hoành tráng, như đã đăng ký là chắc chắn được đi; công việc ổn định, thu nhập khá, được tăng ca tăng giờ làm; thời. Thậm chí là miễn phí tiền ăn, miễn phí tiền học, miễn phí ký túc xá, hỗ trợ vay vốn... Chính những viễn cảnh hào nhoáng mà vị giám đốc Công ty Tâm Sáng Việt đã vẽ ra, khiến hàng chục con người tin tưởng và nộp tiền cho công ty.

Theo tìm hiểu của phóng viên, thì ngoài trụ sở chính ở Q.Long Biên, Hà Nội, ông Phạm Trần Hơn còn mở các chi nhánh ở các tỉnh như Quảng Trị, Phú Thọ, để thu hút được nhiều người đăng ký đi xuất khẩu lao động, điều này đã khiến nạn nhân của Công ty Tâm Sáng Việt trải khắp nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Mặc dù quảng cáo tuyển dụng người đi xuất khẩu lao động hoành tráng là vậy, nhưng chúng tôi truy cập vào trang website của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thì không thấy có tên Công ty Tâm Sáng Việt trong danh sách được cấp phép xuất khẩu lao động.

Do tin vào những quảng cáo hào nhoáng của Công ty Tâm Sáng Việt mà hàng chục nạn nhân đang đứng trước nguy cơ mất hàng tỷ dồng

Do tin vào những quảng cáo hào nhoáng của Công ty Tâm Sáng Việt mà hàng chục nạn nhân đang đứng trước nguy cơ mất hàng tỷ dồng

Nhọc nhằn khi dính “bẫy” của Tâm Sáng Việt

Mang hy vọng đi xuất khẩu lao động để có cơ hội thay đổi cuộc sống, đó là những ước mơ chính đáng đối với những người phụ nữ còn sức lao động nhưng tiếc rằng những ước mơ của họ đã đặt nhầm chỗ, để rồi cơ hội đổi đời chẳng thấy, lại rơi vào cảnh nợ nần bị đát.

Đầu năm 2023, do gia đình tôi hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ lớn tuổi không có khả năng lao động, nên đã quyết định cầm sổ đỏ vay mượn tiền cho tôi đi xuất lao động để xóa đói giảm nghèo. Sau khi được sự tư vấn của bà Nguyễn Thị Hải Yến là Phó giám đốc Công ty Tâm Sáng Việt, bà Yến đã làm thủ tục cho tôi thi đơn hàng thực phẩm. Ngày 4/2/2023, tôi đã được bà Yến đưa ra Hà Nội nhập học, đến nay không đi xuất khẩu lao động được, trung tâm cũng đóng cửa. Thực sự gia đình tôi hoàn cảnh rất khó khăn, tôi mong rằng cơ quan công an giải quyết cho chúng tôi thật sớm vụ việc này”, chị Lê Hồng Dạ Thương, ở tỉnh Quảng Trị, chia sẻ.

Ông Phạm Văn Trường, quê ở huyện Nam Trực, Nam Định, sau khi vay mượn số tiền hơn một trăm triệu đồng nộp vào công ty Tâm Sáng Việt để cho con trai là Phạm Minh Phúc đi xuất khẩu lao động. Giờ không đi được, tiền cũng không lấy lại được, ông đành ở lại Hà Nội đi làm thợ xây dựng để gửi tiền về quê trả nợ. Mỗi ngày công ông được 400 nghìn đồng, trừ chi phí ăn ở, đi lại thì cũng chẳng còn dư bao nhiêu so với khoản nợ hơn trăm triệu đồng.

Vay mượn khác nơi để có một số tiền lớn cho con trai tôi nộp vào ông Hơn để đi xuất khẩu lao động, vậy mà giờ mất trắng, đã khó khăn nay lại càng khó khăn”, ông Trường chia sẻ.

Ông Trường vất vả làm việc ở Hà Nội để có tiền trả nợ

Ông Trường vất vả làm việc ở Hà Nội để có tiền trả nợ

Hàng chục người cùng chung cảnh ngộ với chị Thương và ông Trường, nghĩa là tiền thì đã nộp cho công ty từ cả năm nay, nhưng không thể đi xuất khẩu lao động như phía lãnh đạo công ty cam kết trước đó. Do quá khó khăn, bởi tiền đi vay mượn, nay không đi lao động được, họ lại phải gánh thêm món nợ hàng trăm triệu đồng, khiến nhiều người rơi vào cảnh cùng quẫn.

(Còn nữa)

Hoàng Sa

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/bay-lua-xuat-khau-lao-dong-bai-1-nhieu-nan-nhan-co-nguy-co-mat-hang-ty-dong-20240708010941521.htm