'Bẫy mạng' móc túi chị em - Bài 2: Chưa hết buồn, đã hết tiền
Những cuộc tâm sự cùng người lạ, những phi vụ đầu tư trên trời rơi xuống ngỡ như chỉ có trong mơ, nhưng hoàn toàn có thật trên mạng xã hội. Người ta chọn cách nhẫn nại tâm sự hàng giờ để lấy lòng tin, vậy thôi mà tiền vẫn… cập bến.
1. “Tui nói rồi mà bả đâu có nghe, cũng may là có hơn chục triệu, chưa tới mức bán nhà bán cửa đó”, ông Nguyễn Văn Tú (50 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) thở dài, khi kể về câu chuyện của hàng xóm. Khu trọ công nhân, ra vô riết thành người thân, người quen, mỗi lần nhắc chuyện cô Lài, cả xóm vừa thương vừa giận.
Lên mạng rồi cũng lần mò vào hội nhóm này kia để giải khuây sau giờ làm, có ai dè tài khoản “nhà quê” của cô Lê Thị Lài (48 tuổi, quê Sóc Trăng, ngụ huyện Bình Chánh) trở thành “miếng mồi” cho những phi vụ lừa tiền qua mạng. Cô Lài kể: “Thấy mấy đứa trong xưởng mua sắm cái gì cũng đặt qua mạng, tiện quá nên tôi cũng thử rồi thành ghiền. Tôi tham gia một nhóm chuyên săn sale, thì có tài khoản T.K. nhắn tin làm quen, cô đó giới thiệu đang ở Nghệ An, chuyên săn hàng nước ngoài giá rẻ. Rồi chị em kết bạn, gọi điện thoại video, cổ mua giúp tui mấy lần, quần áo đẹp mà giá rẻ lắm, còn miễn phí giao hàng nữa”.
Những cuộc gọi video đầy tin tưởng, cùng đôi lần mượn tiền rồi nhanh chóng trả một cách đầy uy tín từ T.K. khiến cô Lài tin tưởng như chị em thân thiết. “Ngày nào, chị em cũng gọi video nói chuyện như người quen trong nhà, biết tui sống một mình, mấy ngày lễ cổ cũng gửi quà tặng cho vui, nên tui coi như người thân. Lần đó, cổ nói phải lấy hàng gấp mà kẹt không xoay vốn kịp, trễ đợt này thì mất lượt săn sale, cổ nói đồ hiệu ở nước ngoài chỉ giảm giá một lần vào dịp cuối năm. Mình nghĩ chỗ thân quen, tình cảm cả năm nay, hông lẽ cổ lừa mình. Gom hết tiền lương, tui đưa cổ mượn 9 triệu, cổ hẹn 2 tuần trả. Tới 2 tuần, tui hỏi thì cổ hẹn trả trước tết, tới 28 tết thì tui gọi điện thoại không được, trang Facebook cũng khóa luôn… Tết rồi tui không dám về quê luôn”, cô Lài chia sẻ.
2. Rồi cái chuyện ông nào đó trên mạng, có cái hình ảo diệu, cà vạt áo vest vô Facebook canh mấy bà “sồn sồn” để lừa gạt, nghe chừng không mới, mà vẫn có mấy bà mấy cô “dính”.
Chị Lý Thị Nh. (quê Trà Vinh) sau khi chồng mất, vì buồn nên được con tạo tài khoản Facebook để lên mạng cho khuây khỏa. Vì là người quanh năm buôn bán ở chợ nên chị không biết gì về thế giới ảo. Chị bắt đầu thấy thích thú khi “lên đó thấy vui, mọi người đăng hình, nói đủ thứ chuyện, chia sẻ với nhau nhiều điều, nhiều bạn không thân nhưng khi thấy mình có tâm trạng cũng để lại lời chúc, hỏi han. Lên đây còn gặp được bạn học cũ nhiều năm không gặp…”. Cho đến những ngày trước Tết Nguyên đán, gia đình mới té ngửa khi biết chị vay 70 triệu đồng, chủ nợ đến tận nhà đòi. Ban đầu chị giấu và đóng tiền góp hàng ngày, nhưng đến tết thì chủ nợ yêu cầu phải trả hết!
Người nhà không hiểu lý do vì sao chị Nh. mượn nợ, bởi bình thường chị không se sua, ăn uống mua đồ đều tiết kiệm. Truy hỏi mãi, chị mới kể, lên mạng quen một người tên L.M.T., xưng là Việt kiều sống ở Mỹ 23 năm. Sau thời gian trò chuyện, T. chia sẻ thấy hoàn cảnh 3 mẹ con tội nghiệp nên hứa sẽ bảo lãnh qua đó để con cái có tương lai hơn. Tất nhiên, chị Nh. phải chuyển cho T. 10.000 USD (tương đương 230 triệu đồng) để làm giấy tờ thủ tục. Nghe lời “bạn tốt” phương xa, chị gom góp tiền gửi dần cho T., mới chuyển được hơn 70 triệu đồng thì tới tết.
Và dĩ nhiên, người “bạn tốt” đã cao chạy xa bay khi người nhà chị Nh. vào nói chuyện phải quấy. Đến lúc này, chị Nh. mới hay mình bị gạt. Tiền mất và chị còn bị khủng hoảng kép vì mất niềm tin vào những người xung quanh, lại còn gánh thêm món nợ không hề nhỏ.
3. Cũng với chiêu rỉ rả, chị Phạm Ngọc Phương (34 tuổi, công nhân, ngụ quận 8, TPHCM) đã bị lừa mất hơn 2 triệu đồng vì đam mê đồng hồ. “Tôi ở trọ một mình, chưa lập gia đình, cũng ít bạn bè, nên cứ rảnh rỗi là vô mạng xã hội tham gia nhóm này nhóm kia, cũng chia sẻ bài viết để nhận quà, hay mua hàng giá 1.000 đồng. Chơi cho vui vậy thôi chứ có bao giờ thấy mình trúng cái gì đâu, rồi tự nhiên có tài khoản H.N.N. nhắn tin làm quen. Bạn đó giới thiệu bằng tuổi tôi, đang sống và làm việc ở Bình Dương, chuyên gia giao dịch thương mại quốc tế”, chị Phương chia sẻ.
Qua nhiều lần trò chuyện nhắn tin, kèm những hình ảnh check-in nơi sang trọng và biết chị Phương thích đồng hồ, H.N.N. liên tục chia sẻ kiến thức về đồng hồ từ cổ tới kim. Chị Phương kể: “Đọc qua mấy bài viết, hình ảnh, đúng thiệt là bạn này có kiến thức về sưu tập đồng hồ, nhiều ảnh bạn đó đưa lên quả là hàng hiếm. Tôi cứ tin thiệt, nên chuyển khoản tạm 2,5 triệu đồng để đặt cọc cái đồng hồ quả quýt kiểu xưa. Tiền đi rồi mà hơn 1 tháng chưa thấy gì, gọi điện thoại thì bạn này nói chờ và gửi kèm hình hóa đơn ở bưu cục…”. Nhưng đồng hồ đặt từ tháng 6 nhưng đến gần hết năm 2022 vẫn không thấy về, mọi liên lạc qua điện thoại, tin nhắn qua mạng xã hội đều không thể. Vào lại nhóm sưu tầm đồng hồ, chị Phương ngỡ ngàng vì admin đã giải tán nhóm lâu rồi, chẳng còn gì… “Mất 2,5 triệu coi như lấy tiền đi mua bài học cho tỉnh ra. Mà sao bọn lừa đảo nó kiên nhẫn dụ mình ngọt ngào đến vậy nhỉ”, chị Phương thổ lộ.
4. Câu chuyện mà chúng tôi kể sau đây lại là của chính mình. Một ngày nọ, chúng tôi dùng lại một trang Facebook cũ mà mấy tháng nay không sử dụng, với bài viết mới: “Có nỗi buồn không thể chia sẻ với ai”, cùng hình ảnh một bông hoa héo rũ. Địa chỉ này, thường thì chúng tôi dùng để tham gia một số nhóm mạng xã hội mua bán đồ, chia sẻ chuyện tình cảm, gia đình và thậm chí là tham gia các nhóm anti (nhóm lập nên để phản bác, miệt thị ai hay vấn đề gì đó - PV) mọc như nấm sau mưa trên mạng xã hội, để kiếm thêm thông tin cho nghề nghiệp của mình. Sau vài giờ chỉ có vài lượt thích thì… một tài khoản có tên Chaidea thả tim, hiện ra trên cửa sổ chat với hình ảnh mặc chiếc áo phi công, cùng lời đề tựa làm ở Travel Pilots, từng học ở Đức, sống ở Berlin, đến từ TPHCM, đã ly hôn. Lý lịch hoàn hảo nhưng lướt tới lướt lui cũng chỉ thấy có 5 tấm hình check-in mặc áo phi công trong suốt 7 tháng, mỗi tấm tầm 2-3 lượt thích.
4 ngày trời, Chaidea liên tục chat hỏi chúng tôi: “Vì sao em buồn? Lâu lắm mới thấy em lên bài? Sao giờ không thấy em tương tác trên nhóm “Chuyện nhà chưa kể” vậy? Em có chuyện gì không? Em muốn giải khuây không, anh sắp về Việt Nam? Em thích gì anh mua cho, nước hoa hay quần áo? Trước mùng 10 anh có mặt, mình gặp nhé?”. Chúng tôi bịa chuyện bán buôn ế ẩm, bồ bịch thờ ơ, đến ngày thứ năm, anh vu vơ kể chuyện mùng 10 tết về, “đánh” theo ít nước hoa, đồ trang điểm mà hụt tiền chút chút. “Em hùn với anh đi?”. “Nhiều không anh?”. “Ít thôi, tầm 2.000-3.000 USD. Đợt này hàng ngon, đầu ra nhỏ em gái lo rồi, anh em mình kiếm tiền cho đỡ buồn”. Thêm 2-3 ngày chat qua chat lại, Chaidea vẽ ra viễn cảnh đánh vài chuyến hàng, kiếm cả đống tiền dễ ợt. Nhưng nhận thấy không moi được tiền từ phía chúng tôi, Chaidea lặn mất tăm!
Theo chia sẻ của chị Khánh Vy (chuyên gia truyền thông, Công ty Truyền thông K.M.): “Mấy trò lừa đảo theo kiểu trò chuyện tâm tình, lằng nhằng mưa dầm thì chưa cần phải tính đến công nghệ cao siêu đâu. Họ có thời gian mà, cứ nhắn tin, gọi điện thăm hỏi liên tục, dần dần tạo thiện cảm, tin tưởng, rồi người dùng cứ chuyển khoản thôi. Nhất là những hội nhóm tư vấn chuyện tình cảm này kia, đánh vào tâm lý chị em đang buồn, họ rất biết cách chia sẻ và lắng nghe, từ lạ thành quen, có lòng tin rồi thì cứ mượn từ vài triệu đến vài chục triệu đồng cũng không mới, nói chi đến mua món đồ vài triệu đồng…”.