Bay thẳng đến Mỹ: Ít nhất cần 18 tháng chuẩn bị
Thông tin trên được Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng khẳng định tại Tọa đàm 'Hàng không VN: Cơ hội và thách thức' do Bộ GTVT tổ chức.
Không phải có tàu bay là có thể bay thẳng đến Mỹ
Đề cập đến một trong những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là bay thẳng đến Mỹ, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho hay, Mỹ là thị trường hàng không lớn nhất thế giới. Bản thân Mỹ cũng là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới, do đó chúng ta muốn phát triển, đương nhiên phải kết nối với thị trường Mỹ.
Theo Cục trưởng Đinh Việt Thắng, Chính phủ rất quan tâm vấn đề mở đường bay đến Mỹ. Việt Nam đã đàm phán ký kết hiệp định hàng không với Mỹ từ năm 2003. Theo hiệp định, Mỹ và Việt Nam có quyền mở đường bay đến Mỹ và từ Mỹ đến Việt Nam với tần suất 7 chuyến/tuần.
“Chúng ta có thể sử dụng thương quyền 5 để bay giữa Việt Nam và Mỹ đến tất cả các điểm, trừ Nhật Bản. Chúng ta cũng đã tiến hành đàm phán hàng không với các quốc gia đối tác để chuẩn bị hỗ trợ các hãng để mở đường bay đến Mỹ. Hiện đã thống nhất được với Đài Loan, Hàn Quốc cho việc sử dụng thương quyền 5. Như vậy cơ sở pháp lý để chúng ta mở đường bay thẳng hoặc bay có 1 điểm dừng tới Mỹ hiện nay là đã có”, ông Thắng thông tin.
Vấn đề thứ hai, theo ông Thắng là năng lực quản lý hàng không. Cụ thể, muốn bay đến Mỹ, các quốc gia đều phải được Cục Hàng không liên bang Mỹ đánh giá. Sau một thời gian rất dài, hơn chục năm, chúng ta đã cố gắng hoàn thiện toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy trình, nhân lực, công cụ quản lý để năm ngoái, được Mỹ công nhận là đạt tiêu chuẩn CAT 1 (năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1) - điều kiện tiên quyết để bay đến Mỹ.
An ninh hàng không là vấn đề thứ ba được Cục trưởng Cục Hàng không VN đề cập. Cụ thể, theo ông Thắng, các hãng hàng không muốn bay đến Mỹ phải được cơ quan quản lý an ninh hàng không Mỹ (TSA) phê chuẩn. Tương tự, các sân bay xuất phát từ Việt Nam đến Mỹ cũng vậy. Hiện hàng năm, cơ quan quản lý an ninh hàng không Mỹ thường cử các đoàn chuyên gia sang đánh giá. Thực tế, dù chúng ta chưa có đường bay thẳng đến Mỹ, nhưng đã có đường bay nối đến Mỹ.
Vấn đề nữa rất quan trọng theo Cục trưởng Đinh Việt Thắng là năng lực khai thác của hãng hàng không, mà trước hết là phải có tàu bay để đăng ký bay đường dài và bay qua đại dương đến Mỹ.
“Theo đánh giá của chúng tôi, nếu bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ phải đạt tiêu chuẩn bay 2 động cơ vượt đại dương, tối thiểu ETOPS 180 phút. ETOPS là điều luật của ICAO cho phép máy bay thương mại 2 động cơ được bay kéo dài thêm một khoảng thời gian bay nữa trong trường hợp một động cơ bị hỏng, khoảng thời gian này không cần phải đủ để bay qua biển hay xuyên đại dương mà là thời gian bay với một động cơ giữa các sân bay trung chuyển”, ông Thắng nói.
Theo người đứng đầu Cục Hàng không, hiện tại, trong 5 hãng hàng không, mới có Vietnam Airlines đạt tiêu chuẩn này. Những hãng khác muốn được phê chuẩn ETOPS 180 phút thì điều kiện đầu tiên phải tích lũy kinh nghiệm, nhanh nhất cũng mất 18 tháng kể từ khi khai thác loại tàu bay đó.
Vấn đề khác là thị trường và hãng hàng không sẽ phải tự cân nhắc, đánh giá. Thực tế, thị trường hàng không Mỹ cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Ngay ở Việt Nam cũng đang có rất nhiều đường bay nối chuyến tới Mỹ. Điều này có nghĩa là muốn bay tới Mỹ, phải cạnh tranh được với các hãng hàng không này. Cùng đó, theo ông Thắng, các hãng hàng không muốn bay đến Mỹ phải thực hiện một loạt thủ tục liên quan, phải có chương trình kế hoạch, lên chương trình hết sức khốc liệt.
Bay tới Mỹ cách nào và khi nào là tùy thuộc quyết định của các hãng
Nhấn mạnh chúng ta đủ điều kiện cần để bay Mỹ, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện QLKT Trung ương cho rằng, Nhà nước đã chuẩn bị các điều kiện cần, việc còn lại là của các hãng.
“Thị trường hàng không Mỹ đang cạnh tranh khốc liệt. Mình lại là người đi sau, phải khác biệt mới cạnh tranh được. Ngoài ra, phải tính toán kỹ khi nào, lúc nào mở đường bay thẳng tới Mỹ, sao cho tiện cho người tiêu dùng nhưng cũng phải lợi cho doanh nghiệp.
GS Nawal Taneja, cố vấn cấp cao trường kinh doanh Fisher thuộc Đại học Ohio (Hoa Kỳ) mang tới một góc nhìn khác khi đặt câu hỏi: "Chắc chắn một chuyến bay thẳng tới Mỹ là cần thiết. Vấn đề là thực hiện khi nào và bằng cách nào?"
“Có thể bay thẳng tới Mỹ nếu có lợi nhuận. Tuy nhiên, cần nhìn lại việc 2 hãng hàng không Mỹ từng bay thẳng đến Việt Nam, vì sao họ lại dừng? Hơn ai hết, hãng hàng không cần tự đánh giá nguồn lực của mình. Nếu chỉ phục vụ khách thăm thân hay du lịch thì không hiệu quả. Đường bay Mỹ muốn hiệu quả phải hướng tới những người không muốn tốn thời gian quá cảnh, là những doanh nhân sẵn sàng chấp nhận trả giá cao, song đi kèm với đó là dịch vụ thuận tiện với tần suất ít nhất 3 chuyến/tuần. Đừng nghĩ tới chuyện bay 1 điểm dừng vì luôn có những cạnh tranh rất lớn”, GS Taneja khẳng định.
Với Vietnam Airlines, GS Taneja khuyến cáo hãng hàng không này chưa được biết đến nhiều ở Mỹ do đó phải xây dựng mạng lưới để kết nối với đối tác ở Mỹ. Vấn đề của Vietnam Airlines hiện nay là kết nối với ai, đối tác nào ở Mỹ, chặng nào nối Việt Nam - Mỹ. Bên cạnh đó, cần phát triển hình ảnh, marketing nhận diện thương hiệu cho hãng qua mạng xã hội.
Hãng hàng không nói gì?
Phía Vietnam Airlines, Tổng giám đốc Dương Trí Thành cho hay, việc bay thẳng đến Mỹ đã được nêu lên nhiều năm gần đây, đặc biệt từ khi FAA trao chứng chỉ giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1) cho Cục Hàng không VN.
“Nhưng hỏi Vietnam Airlines bao giờ bay Mỹ cũng cần hỏi tại sao các hãng hàng không Mỹ bao giờ mới bay lại đến Việt Nam. Thực tế, sau khi Hiệp định hàng không giữa 2 nước được ký kết, United Airlines và American Airlines cũng đã mở đường bay thẳng đến Tân Sơn Nhất. United Airlines bay từ 2007 đến 2012 thì dừng. American bay 2009, sau 6 tháng dừng khai thác và chọn phương án hợp tác với Vietnam Airlines”, ông Thành thông tin.
Một phép toán đơn giản được ông Thành đưa ra để lý giải bài toán kinh tế mà hãng này đang phải đau đầu cân nhắc khi bay thẳng đến Mỹ.
“Nghe nghìn tỷ đồng có vẻ lớn, nhưng thực tế thì được mất cũng rất nhanh. Ví dụ Vietnam Airlines 1 năm chuyên chở hơn 30 triệu khách, mỗi khách lãi 3 USD thì có ngay 100 triệu USD, tương đương hơn 2.000 tỷ đồng. Nhưng ngược lại, nếu cũng chỉ lỗ mỗi khách 3 USD, cũng lỗ luôn 100 triệu USD”, ông Thành phân tích.
“Trong khu vực Đông Nam Á, các nước như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore, Indonesia đều đã bay thẳng tới Mỹ, nhưng hiện chỉ còn Singapore Airlines và Philippines duy trì được, các hãng còn lại đề đã dừng và chọn hướng bay nối chuyến qua các điểm trung chuyển. Một trong những lý do quan trọng là chưa có máy bay đáp ứng về kỹ thuật có thể bay không dừng mà vẫn hiệu quả, tức là không bị hạn chế về số ghế và tải hàng hóa”, ông Thành nói và cho biết: Dự kiến phải đến năm 2022, 2 loại tàu bay giúp bay thẳng đến Mỹ hiệu quả là Boeing 777X và Airbus A350-1000 mới ra đời.
“Nhiều người cứ nói như kiểu bay thẳng đến Mỹ rất dễ. Nay anh Đinh Việt Thắng đã nói rõ. Tôi chỉ bổ sung thêm mấy ý này. Vietnam Airlines mở văn phòng ở San Francisco từ năm 2001. Đến năm 2010 chúng ta bắt đầu làm các thủ tục để được phê chuẩn CAT1 nhưng rồi đến năm 2019 mới xong. Như vậy, cũng không thể biết bao giờ TSA mới phê chuẩn cho Vietnam Airlines. Còn hàng loạt những vấn đề khác, vấn đề nào cũng rất phức tạp. Chỉ đơn cử Website của Vietnam Airlines muốn được bán vé bay đến Mỹ, phải đảm bảo người mù cũng phải đọc được. Nên đừng nói bay Mỹ là bay được ngay”, ông Thành thông tin.