Bay thẳng đi Mỹ, tại sao không?
Mới đây, tại buổi Tọa đàm 'Bay thẳng Việt - Mỹ: Sẵn sàng cho ngày cất cánh', Hãng hàng không Bamboo Airways tuyên bố sẽ bay thẳng đi Mỹ trong năm sau, đường bay Việt - Mỹ không chỉ đủ điều kiện kỹ thuật mà còn có lãi.
Tuyên bố nói trên thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhiều ý kiến tỏ ra lạc quan về năng lực DN Việt Nam, một bước tiến nữa của môi trường cạnh tranh trong ngành hàng không, nhưng đồng thời cũng có ý kiến tỏ ra hoài nghi về khả năng hiện thực hóa cam kết của Bamboo Airways.
Điểm tựa cho niềm tin
Còn nhớ chỉ vài tháng trước, đại diện Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) từng chia sẻ với báo giới là cần khoảng 5 - 10 năm mới khai thác hòa vốn đường bay Việt - Mỹ và ước tính mức lỗ hơn 30 triệu USD trong những năm đầu khai thác.
Vậy lý do nào mà Bamboo Airways có tuyên bố trên?
Cơ sở đầu tiên là năng lực ngành hàng không được cải thiện. Trong nhiều năm qua, nhà nước ta đã có sự đầu tư lớn cho ngành hàng không Việt Nam như mạng cảng hàng không, sân bay được tu sửa, nâng cấp, xây dựng mới với 10 cảng hàng không quốc tế và 12 cảng hàng không quốc nội. Mới đây, Quốc hội đã thông qua Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành với tổng số vốn đầu tư lên tới 16,3 tỷ USD.
Bên cạnh đó, hệ thống quản lý điều hành bay cũng đã được hiện đại hóa ngang tầm khu vực và thế giới. Đội tàu bay được tăng cường đầu tư, với các hãng vận tải hàng không mới ra đời liên tục mua sắm hàng chục, hàng trăm máy bay mới, trong đó có nhiều máy bay thân rộng, bay đường dài hiện đại…
Nhờ năng lực cải thiện, ngành hàng không Việt Nam phát triển nhanh chóng. TS. Trần Quang Châu - Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam cho biết, thị trường vận tải hàng không Việt Nam những năm gần đây đã có những bước phát triển vượt bậc, với tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức hai con số, hoạt động bay bảo đảm an toàn.
Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam được ghi nhận là một trong những thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng hàng năm nhanh nhất thế giới, đạt trung bình trên 17%/năm, cao hơn tốc độ trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cùng với năng lực cải thiện, các hãng hàng không cũng đang từng bước vươn mạnh ra thế giới, khai thác nhiều thị trường tiềm năng khác. Trong xu hướng đó, Mỹ thậm chí còn là một trong những thị trường trọng điểm hàng đầu, được xác định trong Đề án: “Định hướng phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam với các quốc gia, địa bàn trọng điểm nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2119/QĐ-TTg ngày 28/12/2017.
Đồng thời, Mỹ cũng được xác định là thị trường du lịch trọng điểm trong Đề án “Tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch” được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký phê duyệt tại Quyết định số 105/QĐ-TTg ngày 22/1/2019.
Một điểm nhấn quan trọng để các đề án nói trên được thực hiện là vào tháng 2/2019, Việt Nam đã được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) trao chứng chỉ công nhận năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1). Việc phê chuẩn CAT1 đã mở đường cho các hãng hàng không của Việt Nam bay thẳng đến Mỹ và tạo thuận lợi cho việc hợp tác liên danh giữa các hãng hàng không và nhân dân hai nước.
Đã đến thời điểm
Theo TS. Trần Quang Châu, đường bay Việt - Mỹ đã được tính đến từ lâu, nhưng giờ đây mới là thời điểm, cơ hội để thực hiện, bởi sau khi Việt Nam được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) chứng nhận đảm bảo năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1). Có thể nói Chính phủ đã đi trước một bước tạo hành lang pháp lý đầy đủ, có bay được hay không là do các hãng.
Việt Nam có vị trí địa chính trị tốt, ở khu vực Đông Nam Á, chỉ có Việt Nam và Singapore có CAT1. Các nước muốn bay thẳng sang Mỹ thì phải qua Việt Nam, như vậy chúng ta có điều kiện tập trung thu gom khách tại khu vực, có cơ hội để dần trở thành nơi trung chuyển khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Bay thẳng đi Mỹ phải giải quyết 2 bài toán là kỹ thuật và kinh tế. Bài toán kỹ thuật đã được giải quyết cơ bản, như trên đề cập. Bây giờ chỉ còn phải giải quyết bài toán kinh tế.
Tại buổi Tọa đàm “Bay thẳng Việt - Mỹ: Sẵn sàng cho ngày cất cánh”, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways phân tích, dân số Việt Nam là gần 100 triệu dân, trong khi đó Singapore chỉ có 5,8 triệu dân (quốc gia châu Á có đường bay thẳng tới Mỹ. Với dân số trên, Singapore Airlines phải đi kiếm khách trên cả thế giới, trong khi đó, số lượng người Việt Nam ở 1 bang của Mỹ là California có dân số khoảng hơn 2 triệu dân. “Không có lý do gì nói bay thẳng Việt - Mỹ không tiềm năng, không có khách hàng”, ông Trịnh Văn Quyết cho hay.
Chủ tịch Bamboo Airways tính toán, trong trường hợp không có tàu bay, Bamboo Airways phải thuê một tàu bay Boeing Dreamliner 787-9, tổng cộng chi khoảng 113 tỷ đồng/tháng. Nếu Bamboo Airways bán vé với giá 1.100 USD/chỗ cho khoảng 240 ghế thì Bamboo Airways sẽ thu về số tiền ước tính khoảng 116 tỷ 300 triệu đồng, lỗ khoảng 14 tỷ đồng. Còn nếu Bamboo Airways bán vé với mức giá 1.300 USD/chỗ thì số lãi ước tính đạt khoảng 8,4 tỷ đồng. Mức giá này vẫn thấp hơn mặt bằng chung mà các hãng hàng không trong khu vực đang triển khai đường bay thẳng tới Mỹ. “Nếu chúng tôi thuê Airbus 350 với số ghế nhiều hơn thì có thể có lãi đến hơn 28 tỷ đồng”, ông Trịnh Văn Quyết chia sẻ.
Trên thị trường Việt Nam, giá vé máy bay đi Mỹ loại 3-4 sao hiện nay khoảng 1200-1300 USD/chỗ. Như vậy, mức giá mà Bamboo Airways đưa ra 1.100 USD/chỗ là khá cạnh tranh. Theo đại diện một công ty du lịch Việt Nam, mức giá 1.100 USD/chỗ bay thẳng đi Mỹ là mức giá rất cạnh tranh cho khách du lịch đến bờ Tây nước Mỹ.
Ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Thể hiện năng lực hàng không Việt Nam Việc thiết lập đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và Mỹ không chỉ mang tính thương mại thuần túy còn thể hiện năng lực của hãng hàng không cũng như toàn ngành hàng không và đặc biệt là thể hiện mối quan hệ toàn diện giữa hai đất nước. Để có thể khai thác đường bay trực tiếp đến Mỹ, ngành hàng không Việt Nam mà cụ thể là Cục Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không Việt Nam từ nhiều năm qua đã và đang triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, từ công tác nghiên cứu thị trường, xác định sản phẩm bay hiệu quả tới việc đáp ứng mức 1 (CAT1) Năng lực giám sát an toàn hàng không theo quy định của Cục Hàng không Mỹ (FAA). Ngày 15/2/2019 vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đã được FAA phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1) đồng nghĩa với việc các hãng hàng không của Việt Nam được quyền mở đường bay đến Mỹ, đồng thời, tạo điều kiện cho hoạt động hợp tác liên danh với hãng hàng không của Mỹ trên các chuyến bay của hãng hàng không Việt Nam. Vì vậy, có thể khẳng định, việc đạt CAT1 đã đảm bảo điều kiện cần, tiên quyết để các hãng hàng không của Việt Nam mở đường bay đến Mỹ. Khai thác trực tiếp đến Mỹ sẽ tạo cho hãng hàng không một vị thế cạnh tranh trên thị trường, là sự khẳng định thương hiệu quốc tế của hãng và đặc biệt là nhiệm vụ chính trị nhằm tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế của Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị trong ngành đều xác định sự cần thiết phải sớm đưa vào khai thác đường bay trực tiếp đến Mỹ dù điều kiện về thị trường thời gian đầu chưa thực sự thuận lợi. Ông Trương Thành Phương - Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways Đường bay có nhiều ý nghĩa và giá trị quan trọng Đối với Bamboo Airways, ngay từ những ngày đầu thành lập, Hãng đã rất quan tâm đến việc mở đường bay thẳng Việt - Mỹ. Theo chúng tôi, đây là một đường bay có nhiều ý nghĩa và giá trị quan trọng. Không chỉ là đường bay kết nối hai đất nước nằm ở hai châu lục, mà còn là đường bay kết nối hai nền kinh tế đang có rất nhiều tiềm năng hợp tác, khẳng định một bước tiến tốt đẹp trong quan hệ giữa chính trị, ngoại giao giữa hai nước, thúc đẩy tăng trưởng các lĩnh vực thương mại, đầu tư và du lịch. Chúng tôi không giấu kỳ vọng, Bamboo Airways sẽ là hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam có đường bay thẳng tới Mỹ. Là một hãng hàng không tư nhân trẻ và năng động, được hậu thuẫn bởi một thị trường hàng không năng động bậc nhất thế giới, một Chính phủ đang khích lệ mạnh mẽ mở cửa bầu trời cho hàng không phát triển, chúng tôi tự tin rằng Bamboo Airways hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu này. Ngay sau khi chuyến bay đầu tiên của Bamboo Airways cất cánh tháng 1/2019, chúng tôi đã bắt tay chuẩn bị cho đường bay nhiều thách thức này, như tiến hành ký thỏa thuận đặt mua máy bay thân rộng từ Boeing, xây dựng bộ máy nhân sự, huấn luyện phi công, tìm hiểu kỹ càng các yêu cầu về an toàn, an ninh, những điều kiện pháp lý, luật liên bang, tiểu bang của Mỹ… TS. Nguyễn Quốc Trường - Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Tạo cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn Hiện có 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký hơn 349 tỷ USD, trong đó Mỹ có hơn 900 dự án còn hiệu lực với tổng giá trị hơn 9 tỷ USD. Nhiều năm qua, Mỹ liên tục là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn 130 lần kể từ năm 1994 đến nay (450 triệu USD năm 1994, lên đến hơn 60 tỷ USD trong năm 2018). Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2018, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 60,3 tỷ USD chiếm 12,6% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Quan hệ kinh tế Việt - Mỹ nói riêng và quan hệ song phương nói chung đang có triển vọng phát triển mạnh mẽ thời gian tới trong bối cảnh tình hình mỗi nước cũng như khu vực và thế giới về cơ bản thuận lợi. Mỹ đang chuyển trọng tâm chiến lược mạnh mẽ sang châu Á, trong khi Việt Nam với tiến trình hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, đang trở thành một thành viên chủ chốt, có tiếng nói quan trọng trong khu vực và Việt Nam còn giữ vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dù tạo ra không ít thách thức kinh tế, song cũng góp phần tạo nên động lực mới cho quan hệ kinh tế Việt - Mỹ. Theo đó, 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ đã tăng tới 28%, đạt 22,6 tỷ USD. Từ tình hình và bối cảnh hợp tác kinh tế Việt - Mỹ nêu trên có thể thấy, việc mở đường bay thẳng nối hai quốc gia có triển vọng phát triển mạnh mẽ. Hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch, kết nối con người trên đà phát triển mạnh sẽ làm gia tăng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trực tiếp giữa hai nước. Trên thực tế, lượng khách du lịch Việt Nam đến Mỹ đã tăng mạnh từ mức vài chục nghìn người/năm lên hơn 100 nghìn người vào năm 2018. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, tiềm năng gia tăng lượng du khách Mỹ vào Việt Nam còn rất lớn. Hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước gia tăng không chỉ làm tăng lượng khách đi máy bay hai chiều, mà còn làm xuất hiện thêm các loại hình tour du lịch mới. Các công ty du lịch, lữ hành đánh giá thời gian tới, tour du lịch Mỹ sẽ còn phát triển nhanh do hiện nay Chính phủ Mỹ đang triển khai rất nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ du khách Việt trong thủ tục visa cũng như cơ hội làm ăn với nước này. Mới đây, Thương vụ Mỹ tại TP. Hồ Chí Minh đã giới thiệu chương trình du lịch kết hợp tìm kiếm cơ hội hợp tác thương mại, xúc tiến kinh doanh, xuất nhập khẩu đến các công ty lữ hành Việt Nam. Theo đó, du khách Việt đi du lịch Mỹ có thể kết hợp tìm kiếm đối tác hoặc tham gia các hội chợ thương mại.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/bay-thang-di-my-tai-sao-khong-90766.html