Bẫy Thucydides là gì và những câu hỏi về quan hệ Mỹ - Trung

Câu hỏi đặt ra xuyên suốt 'Định mệnh chiến tranh' là: Sự trỗi dậy của Trung Quốc có gây ra nỗi sợ hãi cho cường quốc đang thống trị là Mỹ và khiến chiến tranh thành điều tất yếu?

 Tượng Thucydides. Ảnh: ancient-origins.

Tượng Thucydides. Ảnh: ancient-origins.

Gần một thập kỷ sau khi Trung Quốc chính thức vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (xếp sau Mỹ), chúng ta đã chứng kiến một cuộc chiến không tiếng súng nhưng tổn thất thì nặng nề: chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai cường quốc trên bình diện kinh tế khiến nhiều người quan sát lo ngại liệu có khả năng xảy ra một cuộc xung đột vũ trang, một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba. Bẫy Thucydides có phải là điều tất yếu? Liệu Mỹ và Trung Quốc có thoát khỏi chiếc bẫy này?

Tác giả sách Định mệnh chiến tranh, Graham Allison là một nhà khoa học chính trị người Mỹ và là giáo sư có thâm niên công tác hơn 5 thập kỷ tại trường Chính sách công Kennedy thuộc Đại học Harvard.

Ông là nhà phân tích về an ninh quốc gia với mối quan tâm đặc biệt đến vũ khí hạt nhân; Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng thời tổng thống Bill Clinton.

Bẫy Thucydides là gì?

Thucydides (460 TCN - 395 TCN) là một sử gia người Hy Lạp. Trong tác phẩm Chiến tranh Peloponnese, ông đã có những quan sát và suy ngẫm sâu sắc về trận chiến giữa Sparta và Athens. Khi ấy, Sparta đang là một thế lực thống trị và sự trỗi dậy của Athens như một mối đe dọa buộc Sparta phải lên tiếng để khẳng định vị thế và sức mạnh của mình.

Trong cuộc chiến này, cả hai bên đều phải trả một cái giá rất đắt và chính cuộc chiến này cũng là một trong những nguyên nhân khiến nền văn minh Hy Lạp cổ đại sụp đổ. Sử gia Thucydides đã nói: “Chính sự trỗi dậy của Athens và nỗi sợ hãi mà nó gây ra ở Sparta đã khiến chiến tranh trở thành điều tất yếu”. Các sử gia gọi cuộc chiến này với tên gọi “Chiến tranh Peloponnese” và khái niệm “bẫy Thucydides” bắt nguồn từ đây.

Câu hỏi đặt ra xuyên suốt Định mệnh chiến tranh của Graham Allison chính là: Liệu sự trỗi dậy của Trung Quốc có gây ra nỗi sợ hãi cho cường quốc đang thống trị là Mỹ và khiến chiến tranh thành điều tất yếu? Liệu hai cường quốc này có thoát khỏi bẫy Thucydides?

Trong hơn 40 năm cải cách mở cửa trên tất cả lĩnh vực, Trung Quốc đã vươn lên với tốc độ tăng trưởng chóng mặt, đạt được những thành tựu đáng kể về kinh tế, quân sự, công nghệ; không hề che giấu tham vọng khôi phục đất nước Trung Hoa vĩ đại.

Graham Allison đã phân tích 16 tình huống xảy ra trong vòng 500 năm lịch sử thế giới, những tình huống mà ở đó, một cường quốc đang trỗi dậy gây ra mối đe dọa cho một cường quốc đang thống trị. Có 12 tình huống dẫn đến chiến tranh (xác suất 75%) và 4 tình huống không dẫn đến chiến tranh (xác suất 25%). Từ những phân tích đó, ông rút ra 12 bài học để các quốc gia tránh rơi vào bẫy Thucydides và cuối cùng đưa ra những khuyến nghị về chính sách cho nước Mỹ.

 Sách Định mệnh chiến tranh của Graham Allison. Ảnh: O.P.

Sách Định mệnh chiến tranh của Graham Allison. Ảnh: O.P.

Những chi tiết thú vị tôi thấy trong tác phẩm

Chi tiết mình cảm thấy thú vị nhất trong tác phẩm này chính là đoạn tác giả so sánh sự khác biệt về văn hóa giữa Mỹ và Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, quốc gia nổi tiếng với văn hóa Khổng giáo, họ đề cao các giá trị tôn ti trật tự, coi nhẹ lợi ích cá nhân, coi trọng lợi ích của tập thể, khẳng định sự vượt trội của nhà nước đối với xã hội và xã hội đối với cá nhân.

Ngoài ra, sự khác biệt giữa Trung Quốc và Mỹ còn ở chỗ, người Trung Quốc thích hoài niệm về quá khứ huy hoàng xa xưa, trong khi đó, người Mỹ có xu hướng lãng quên quá khứ, mặc kệ tương lai, tập trung vào việc tối đa hóa các lợi ích trước mắt. Chính những khác biệt về hệ giá trị này sẽ là thứ khiến cho xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ khó có thể điều hòa được trong tương lai.

Chiến lược quân sự của hai cường quốc cũng khác nhau và sự khác biệt này được so sánh với hai bộ môn: cờ vua và cờ vây. Trong cờ vua, người chơi tìm cách thống trị và chinh phục đối thủ. Trong cờ vây, người chơi tìm cách bao vây đối thủ. Nếu một cao thủ cờ vua có thể đoán trước được 5 hay 6 bước đi kế tiếp thì một cao thủ cờ vây có khả năng tiên đoán được từ 20 đến 30 bước.

Những câu hỏi còn đọng lại

Thứ nhất, liệu sẽ có một ngày Trung Quốc thực sự vượt qua Mỹ? Ở thời điểm mình đọc quyển sách này (tháng 4 năm 2023), Trung Quốc là nền kinh tế lớn trên thế giới nhưng với tổng dân số đến hơn 1,4 tỷ người, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc vẫn nằm ở mức trung bình, chưa thể gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập cao. Nghèo đói, bất bình đẳng xã hội, ăn cắp chất xám... là những yếu tố kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc.

Thời điểm cuối năm 2021, một thống kê của hãng McKinsey & Co cho thấy Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành quốc gia có tổng tài sản ròng lớn nhất thế giới. Thế nhưng, việc gia tăng tổng tài sản ròng của Trung Quốc chủ yếu đến từ việc tăng giá bất động sản nhà ở, loại tài sản không được đưa vào sản xuất để tạo ra giá trị gia tăng, trong khi đó, giá trị các tài sản vô hình như sở hữu trí tuệ, bằng sáng chế lại chiếm tỷ trọng nhỏ hơn rất nhiều. Sự kiện trên cũng không phải là một tín hiệu đáng mừng đối với Trung Quốc vì nó cho thấy bong bóng bất động sản ở nước này đang căng cứng, mà nếu nó vỡ, một cuộc khủng hoảng như năm 2008 hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Từ những dữ kiện trên, người ta có thể đặt ra câu hỏi, liệu Trung Quốc chỉ có tăng trưởng (về lượng) hay đã thực sự phát triển (về chất)?

Theo lý thuyết của Daron Acemoglu và James A. Robinson, trong quyển Tại sao các quốc gia thất bại?, tăng trưởng kinh tế trong các thể chế như ở Trung Quốc không phải là sự tăng trường bền vững mà nhiều khả năng sẽ trở nên kiệt sức trong tương lai. Dẫu vậy, đây chỉ là một lý thuyết trong hàng trăm hàng nghìn lý thuyết về tăng trưởng. Những gì đã và đang diễn ra cho thấy Trung Quốc ĐANG trên con đường đến vị thế hàng đầu, nhưng khi nào quốc gia này đạt được vị thế đó thì vẫn là một con đường dài phía trước.

Thứ hai, liệu các sự kiện xảy ra sau khi tác phẩm này được viết ra có ảnh hưởng như thế nào? Cuốn sách của Graham Allison được viết vào tháng 5 năm 2017, tức cách đây hơn 5 năm. Khoảng thời gian 5 năm này đã chứng kiến những sự kiện chính trị-kinh tế-xã hội có tác động lớn đến Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới: cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Covid-19, cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine và những động thái của hai siêu cường liên quan đến cuộc xung đột này...

Những sự kiện trên có làm thay đổi cục diện chính trị và tương quan vị thế giữa hai quốc gia không? Những bài học về bẫy Thucydides trong quyển sách của Graham Allison sẽ cần cập nhật gì hay thay đổi gì hay không? Đó là những câu hỏi cần có thời gian suy ngẫm và quan sát các sự kiện để trả lời.

---

Định mệnh chiến tranh của Graham Allison có cấu trúc khá chặt chẽ qua việc mô tả thế đối đầu hiện tại của Mỹ và Trung Quốc, phân tích lần lượt 12 tình huống dẫn đến chiến tranh và 4 tình huống không dẫn đến chiến tranh và đưa ra các bài học hòa bình.

Tác phẩm cũng là một nguồn tài liệu hữu ích giúp mình có cái nhìn toàn diện hơn về cuộc đối đầu giữa hai cường quốc này để có thể quan sát và đánh giá những sự kiện đang diễn ra xung quanh mình, và dĩ nhiên, có tác động đến mình mặc dù những quyết định dẫn đến sự kiện đó diễn ra cách mình hàng nghìn dặm.

Thanh Trúc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bay-thucydides-la-gi-va-nhung-cau-hoi-ve-quan-he-my-trung-post1428386.html