Bảy tòa nhà kiến trúc biểu tượng thời kỳ Xô Viết

Bảy tòa nhà cao tầng uy nghi với đỉnh nhọn có thể nhìn thấy rõ từ nhiều vị trí trong thủ đô Moskva. Đây là những tòa nhà chọc trời xây dựng theo chỉ đạo của Stalin - biểu tượng của thời kỳ Liên Xô trước đây, và là một trong những điểm thu hút chính của Moskva.

Khách sạn Ukraine nay là khách sạn Radisson chuyên đón tiếp các đoàn khách quốc tế cao cấp nhìn từ sông Moskva. (Ảnh: THÙY VÂN)

Khách sạn Ukraine nay là khách sạn Radisson chuyên đón tiếp các đoàn khách quốc tế cao cấp nhìn từ sông Moskva. (Ảnh: THÙY VÂN)

Những tòa nhà này được xây dựng từ những năm 1947 đến năm 1957. Nhiều thập kỷ sau, chúng vẫn được coi là một trong những tòa nhà cao nhất châu Âu, thu hút sự chú ý với kiến trúc và nhiều câu chuyện bí ẩn.

Tòa nhà trên bờ kè Kotelnicheskaya (Ảnh: THÙY VÂN)

Tòa nhà trên bờ kè Kotelnicheskaya (Ảnh: THÙY VÂN)

Siêu dự án xây dựng mang tính biểu tượng

Năm 1947 là một năm khó khăn đối với Moskva và toàn bộ Liên Xô. Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại vừa kết thúc, nhiều thành phố và làng mạc nằm trong đống đổ nát, người dân còn đang lo sinh tồn và dường như không thể nói đến bất kỳ dự án xây dựng lớn nào.

Tuy nhiên, vào đầu năm 1947, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô trước đây đã ban hành sắc lệnh “Về việc xây dựng các tòa nhà cao tầng tại Moskva” và khởi công xây dựng đồng thời 8 tòa nhà cao tầng ngay cuối năm đó, tạo thành một quần thể kiến trúc mới với Cung Xô Viết đứng đầu.

Theo tư liệu cơ quan lưu trữ nhà nước Liên bang Nga, Cung Xô Viết với thiết kế cao 410m, có tượng Lenin trên đỉnh tháp được tuyển chọn sau rất nhiều cuộc thi sáng tác kiến trúc với ý tưởng cạnh tranh với tháp Empire của Mỹ đã không thành hiện thực. Công trình này bị ngừng xây dựng sau khi Stalin mất. Còn lại di sản của dự án là 7 tòa nhà lớn với kiến trúc gần giống nhau và giống mô típ Cung Xô Viết được người Moskva gọi là 7 tòa nhà “chị em”.

Dự án những tòa nhà cao tầng này được Stalin trực tiếp chỉ đạo với ý chí của nhà lãnh đạo khi đó rằng, những tòa nhà này phải mang tính biểu tượng của đất nước đã chiến thắng chủ nghĩa phát xít và không được giống bất cứ mô hình nào khác trên thế giới.

Moskva vào thời điểm đó trở thành một công trường lớn. Mặc dù siêu dự án này được coi là mang tính biểu tượng nhưng bên cạnh đó, chúng còn trở thành động lực to lớn trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Dự án này đã thiết lập chuẩn mực mới về sự thoải mái trong môi trường sống, tác động đến sự phát triển của ngành xây dựng và phát triển nhiều vùng còn hoang sơ ở Moskva khi đó.

Các tòa nhà đều mang hình bóng của thiết kế Cung Xô Viết. (Ảnh: THÙY VÂN)

Các tòa nhà đều mang hình bóng của thiết kế Cung Xô Viết. (Ảnh: THÙY VÂN)

Những tác động đến ngành xây dựng

Tòa nhà cao tầng trên Krasnye Vorota (xây dựng năm 1947-1953, cao 138m) ngay lập tức trở thành một trong những công trình khó xây dựng nhất vì có tuyến tàu điện ngầm đang thi công và nền đất yếu. Nhưng vì Stalin đã ký quyết định này nên các chuyên gia không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm cách xây dựng tòa nhà tại vị trí hiện tại trên phố Kalanchevskaya.

Các kiến trúc sư và chuyên gia xây dựng đã phải vật lộn để tìm ra giải pháp “đóng băng” cho nền móng giúp kiểm soát được tòa nhà cao tầng và trở thành phương pháp xây dựng sáng tạo vào thời điểm đó, nhưng chưa bao giờ được sử dụng lại ở bất kỳ nơi nào khác do sự tính toán quá phức tạp. Bộ Xây dựng giao thông Liên Xô sau đó đã được tiếp nhận không gian đáng mơ ước này.

Tòa nhà Bộ Ngoại giao là tòa duy nhất không có ngôi sao gắn trên đỉnh tháp. (Ảnh: THÙY VÂN)

Tòa nhà Bộ Ngoại giao là tòa duy nhất không có ngôi sao gắn trên đỉnh tháp. (Ảnh: THÙY VÂN)

Điều đáng chú ý là điểm giống nhau của các tòa nhà trong dự án đều có đỉnh nhọn có hình ngôi sao trên chóp. Riêng tòa nhà Bộ Ngoại giao (xây dựng vào năm 1948-1953, cao 172m) là tòa nhà duy nhất không có ngôi sao đặc trưng này. Thay vào đó, mặt tiền tòa nhà này được trang trí quốc huy Liên Xô, chiếm không gian ba tầng với diện tích 144m2.

Tại công trình này, lần đầu tiên ở Liên Xô, công nghệ khung thép hàn toàn bộ được sử dụng để xây dựng tòa nhà cao tầng, thay vì kết nối các bộ phận bằng đinh tán lắp ráp. Nhờ phương pháp này, trọng lượng của tòa nhà đã giảm đi một phần ba so với dự kiến, quy trình xây dựng được đơn giản hóa đáng kể và lượng vật liệu sử dụng cũng giảm đi.

Tòa nhà trên bờ kè Kotelnicheskaya là nơi nhiều danh nhân văn hóa thời kỳ Liên Xô sinh sống và khi họ mất nhiều bức phù điêu tưởng niệm được gắn lên tường của tòa nhà. (Ảnh: THÙY VÂN)

Tòa nhà trên bờ kè Kotelnicheskaya là nơi nhiều danh nhân văn hóa thời kỳ Liên Xô sinh sống và khi họ mất nhiều bức phù điêu tưởng niệm được gắn lên tường của tòa nhà. (Ảnh: THÙY VÂN)

Việc xây dựng 7 tòa nhà “chị em” này không phải tất cả đều suôn sẻ. Tòa nhà Khách sạn "Leningradskaya" (xây dựng năm 1949-1954, cao 136m) phải đối mặt với nhiệm vụ không làm lấn át ba nhà ga và quần thể kiến trúc hiện có nên nó được xây dựng với chiều cao khá khiêm tốn so các tòa nhà khác trong dự án.

Nhưng vì sự khiêm tốn bên ngoài, nên các kiến trúc sư đã gia tăng giá trị các thiết kế bên trong. Nhưng chính vì điều này, tòa nhà bị chỉ trích việc sử dụng không gian không hợp lý, như trong tổng số gần 26 nghìn m2, chỉ có 5,8 nghìn m2 được phân bổ cho các phòng, gần 50% diện tích bị chiếm dụng bởi hành lang, phòng khách, lối đi, tầng tiện ích.

Các kiến trúc sư Alexander Boretsky và Leonid Polyakov đã bị tước Giải thưởng Stalin vì đã có những sai sót lớn trong các giải pháp quy hoạch và trang trí kiến trúc của tòa nhà.

Sảnh chính Khách sạn Ukraine có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật điêu khắc và tác phẩm nghệ thuật của các danh họa thời Liên Xô. (Ảnh: THÙY VÂN)

Sảnh chính Khách sạn Ukraine có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật điêu khắc và tác phẩm nghệ thuật của các danh họa thời Liên Xô. (Ảnh: THÙY VÂN)

Không giống số phận Khách sạn "Leningradskaya", Khách sạn "Ukraine” (xây dựng từ năm 1953-1957, cao 206m) lại được xem không chỉ là hình ảnh của một khách sạn, mà còn là “tượng đài” cho sự hùng vĩ của thời đại Stalin.

Chiều cao của tòa nhà tính cả đỉnh tháp là 206 m. Tòa nhà trung tâm cao 34 tầng là nơi đặt một khách sạn có 1.000 phòng, các tòa nhà bên cạnh là chung cư. Hệ thống kỹ thuật của tòa nhà này thuộc loại tốt nhất cả nước. Cư dân sống ở đây được sử dụng hệ thống thông gió, điều hòa không khí tập trung và hệ thống hút bụi, cũng như có tổng đài điện thoại riêng với hàng ngàn số điện thoại vào thời điểm đó.

Để xây dựng một tòa nhà tiêu biểu như vậy, 33 quỹ tín dụng và nhà máy từ 10 bộ và sở của Liên Xô đã tham gia xây dựng. Khách sạn được khai trương vào tháng 5/1957. Vào thời điểm đó, "Ukraine" được công nhận là khách sạn lớn nhất không chỉ ở Liên Xô mà còn ở châu Âu. Ngày nay nó được đổi tên thành khách sạn Radisson, chuyên đón tiếp các đoàn khách quốc tế cao cấp.

Thay đổi chuẩn mực về không gian sống và mở rộng khu vực

Ngoài các tòa nhà được xây dựng làm công sở và khách sạn, dự án 7 “chị em” có hai tòa nhà chung cư cũng được xây dựng theo tiêu chuẩn cao cấp đã làm thay đổi chuẩn mực về không gian sống vào thời điểm đó.

Đó là Tòa nhà trên bờ kè Kotelnicheskaya (xây dựng vào năm 1948-1952, cao 176m). Tòa nhà chung cư này có các căn hộ 2,3,4 phòng ngủ, bếp với diện tích tối thiểu 12m2, khu vệ sinh được trang bị tủ quần áo âm tường. Trang trí nội thất của căn hộ sử dụng gạch Mettlach, gỗ sồi và sàn gỗ ghép. Các sảnh đợi được trang bị phòng cho nhân viên trực và không gian để xe đẩy trẻ em, xe đạp… Mỗi khu vực của tòa nhà có hai thang máy tốc độ cao. Đây là những điều kiện căn bản của các căn hộ ngày nay, nhưng ở thời điểm những năm 50 của thế kỷ trước, tòa nhà trên bờ kè Kotelnicheskaya đã trở thành biểu tượng của sự sang trọng và địa vị đặc biệt đối với cư dân nơi đây.

Những bức phù điêu khổ lớn trang trí cho các tòa nhà (Ảnh: THÙY VÂN)

Những bức phù điêu khổ lớn trang trí cho các tòa nhà (Ảnh: THÙY VÂN)

Hay Tòa nhà trên Quảng trường Kudrinskaya (xây dựng vào năm 1948-1954, cao 156m) với khối trung tâm cao 22 tầng và 17 tầng cho các khối bên cạnh. Người dân được cung cấp mức độ tiện nghi “khác thường” vào thời điểm đó như bếp gas, bồn rửa có máy nghiền rác, tủ lạnh, máng xả rác và tủ âm tường. Đối với cư dân có ô tô, có một gara ngầm với 134 chỗ đậu xe.

Niềm tự hào đặc biệt của tòa nhà, ngoài bưu điện riêng, tiệm làm tóc và xưởng may, là Cửa hàng bách hóa số 15. Nó đã trở thành cửa hàng bách hóa lớn nhất ở Moskva, vượt qua cả trung tâm Bách hóa GUM nổi tiếng ở Quảng trường đỏ.

Đại học Tổng hợp Moskva trên đồi Vorobyovy Gory làm thay đổi diện mạo khu vực tây nam Moskva. (Ảnh: THÙY VÂN)

Đại học Tổng hợp Moskva trên đồi Vorobyovy Gory làm thay đổi diện mạo khu vực tây nam Moskva. (Ảnh: THÙY VÂN)

Tòa nhà chính của Đại học Tổng hợp Moskva - MGU ( xây dựng từ năm 1949-1953, cao 240m) ban đầu cũng dự kiến là một tòa nhà khách sạn và nhà ở, sau đã được Stalin quyết định dành tòa nhà nhiều tầng ở vị trí có tầm nhìn toàn cảnh này trao cho trường đại học lớn nhất châu Âu, thay đổi diện mạo phía tây nam Moskva. Đó chính là một khu vực tương đối mới của Moskva vào thời điểm đó - Vorobyovy Gory, một địa điểm truyền thống có những ngôi nhà gỗ và nhà nghỉ nông thôn từ thế kỷ 16. Điều đáng nói MGU có không gian rộng lớn xung quanh nên càng tăng thêm vẻ uy nghi vĩ đại của Trường đại học danh tiếng nhất nước.

Khu chung cư trong quần thể khách sạn Radisson (Ảnh: THÙY VÂN)

Khu chung cư trong quần thể khách sạn Radisson (Ảnh: THÙY VÂN)

Ngày nay, phần lớn các tòa này vẫn giữ được chức năng như ban đầu đã hoạch định và xây dựng, và vẫn là những “di sản” đồ sộ thời kỳ Stalin, thu hút sự chú ý của du khách khi đến Thủ đô Moskva của nước Nga ngày nay.

THÙY VÂN Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Nga

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bay-toa-nha-kien-truc-bieu-tuong-thoi-ky-xo-viet-post870357.html