BĐBP chung tay lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật
Hơn 1 năm qua, thực hiện Đề án 'Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027' (gọi tắt là Đề án 1371), Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chủ động, tích cực xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, từng bước hiện thực hóa các mục tiêu của Đề án và tích cực triển khai công tác PBGDPL ở khu vực biên giới.
Nhằm nhìn lại một quá trình để đúc rút và phát huy những kinh nghiệm quý, cách làm hay, ngày 23/12/2022, tại Bộ Chỉ huy BĐBP Tây Ninh, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tổ chức chương trình tọa đàm với chủ đề “Chung tay lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật”. Chương trình có sự hiện diện của Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy BĐBP; Đại tá Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP; Đại tá Vũ Văn Hưng, Phó Tham mưu trưởng BĐBP; Đại tá Thái Thành Đức, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7; đồng chí Phạm Văn Đặng, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh, cùng các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Tây Ninh và chỉ huy cơ quan chính trị, cán bộ pháp chế, tuyên huấn của 10 tỉnh biên giới Tây Nam.
“Chung tay lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật” hàm chứa những câu chuyện về vai trò của BĐBP trong thực hiện Đề án 1371, là sự chung tay, đồng lòng ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân khu vực biên giới và những bài ca dành tặng những người lính mang quân hàm xanh đang ngày đêm dốc sức vì sự bình yên nơi phên dậu. Trong hơn 2 giờ tọa đàm, sự tươi mới và tràn đầy sức sống của những cán bộ, chiến sĩ Đội Tuyên truyền văn hóa BĐBP Tây Ninh qua những ca khúc ca ngợi Đảng, ca ngợi quân đội, BĐBP và quê hương Tây Ninh tươi đẹp đã tạo cảm xúc hứng khởi cho các vị đại biểu và khán giả tham dự tọa đàm. Đặc biệt là phần tiểu phẩm tình huống được các diễn viên không chuyên biểu diễn trên sân khấu và clip minh họa đã mang lại cảm xúc cho người xem khi các điều luật gần gũi với nhân dân biên giới được tuyên truyền qua từng việc cụ thể, cách truyền tải thông điệp cũng nhẹ nhàng, dễ tiếp cận.
Tại tọa đàm, thông qua các phóng sự linh kiện, các đại biểu đã cùng nhìn lại những kết quả hoạt động PBGDPL của BĐBP qua hai giai đoạn của Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021” và hơn 1 năm triển khai Đề án 1371, hiểu thêm những mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả và tôn vinh những tập thể, cá nhân đã có thành tích, cống hiến trong công tác PBGDPL.
Qua đó, mọi người đã thấy rõ nét hơn về hiệu quả của công tác này cũng như tầm quan trọng khi chúng ta phát huy hiệu quả của cả hệ thống chính trị trong hoạt động tuyên truyền, PBGDPL. Đồng thời, khẳng định sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Song, điểm nhấn của sự kiện này chính là những phần giao lưu được thể hiện tinh tế, chân thành và mang nhiều kinh nghiệm có giá trị thực tiễn sâu sắc. Đại tá Trần Quốc Cường cho biết, đối với Đề án 1371, Bộ Tư lệnh BĐBP xác định đây là một bước tiến quan trọng trong công tác PBGDPL của BĐBP, hướng tới mục tiêu cao hơn, thực chất hơn. Đó là làm chuyển biến ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, nhân dân, phục vụ thiết thực cho nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Do đó, toàn lực lượng xác định quyết tâm chính trị cao độ, tiếp tục thể hiện rõ nét vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Thượng tá Nguyễn Bá An, Phó phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Quân khu 7 cũng chia sẻ về những kết quả đã đạt được của các đơn vị trực thuộc quân khu trong công tác PBGDPL. Với sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh quân khu, đến nay, 100% Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố đã thành lập ban chỉ đạo theo quy định, hoàn thành việc ban hành kế hoạch thực hiện Đề án ở các cấp. Nhiều cơ quan, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền, PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật bằng các hình thức phong phú, sinh động, đạt hiệu quả cao và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, chuyển đổi số.
Là người luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đến cán bộ, chiến sĩ BĐBP nói chung và công tác PBGDPL khu vực biên giới, đồng chí Phạm Văn Đặng cũng khẳng định, trong thực hiện Đề án 1371, bằng tinh thần chủ động và trách nhiệm, Sở Tư pháp cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, BĐBP tỉnh bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án, huy động tối đa mọi nguồn lực, nhân lực, phát huy vai trò của hệ thống chính trị, bằng các mô hình, cách làm linh hoạt, sáng tạo. Đồng chí cũng bày tỏ kỳ vọng, với những kinh nghiệm, kết quả đã đạt được trong công tác PBGDPL những năm qua, Ban Chỉ đạo Đề án 1371 tỉnh Tây Ninh sẽ tạo nên nhiều thành tích mới trong thực hiện Đề án.
Ở phần giao lưu thứ hai, các đại biểu dự tọa đàm đã lắng nghe các biện pháp, cách làm cụ thể trong PBGDPL của BĐBP Kiên Giang và BĐBP Đắk Lắk qua phần giao lưu của Đại tá Huỳnh Văn Đông, Chính ủy BĐBP Kiên Giang và Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy BĐBP Đắk Lắk. Nếu như BĐBP Kiên Giang đã triển khai hết sức hiệu quả công tác tuyên truyền về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) với mô hình “Tọa đàm cùng doanh nghiệp, ngư dân” thì BĐBP Đắk Lắk cũng hết sức thành công với công tác PBGDPL tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đối với vấn đề tuyên truyền, vận động người dân không tàng trữ vũ khí tự chế, thu giữ trên 200 khẩu súng các loại và từng bước loại bỏ hủ tục lạc hậu.
Dung dị, mộc mạc và đầy hài hước là những chia sẻ của già làng Kel On, một nữ cán bộ cơ sở đầy trách nhiệm và nhiệt tình của vùng biên nơi đây. Những năm qua, bà đã cùng với các chiến sĩ Biên phòng đến từng hộ dân trong ấp để tuyên truyền các điều luật quan trọng. Giờ đây, người dân đã thay đổi, các giấy tờ như căn cước công dân, hộ khẩu, đăng ký khai sinh cho trẻ em đã được chú trọng và kê khai thường xuyên, thanh niên không còn tảo hôn hay chơi bời, sa ngã như trước. Khi được hỏi, bà mong muốn điều gì trong thời gian tới, người phụ nữ đôn hậu ấy đã khiến cả khán phòng rưng rưng xúc động khi nói: “Tôi sẽ đồng hành cùng các chiến sĩ Biên phòng, sẽ tiếp tục tham gia tuyên truyền, PBGDPL đến lúc nhắm mắt xuôi tay”.
Qua tọa đàm, tất cả các vị khách mời đã khẳng định, cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn thực hiện tốt phương châm “mỗi cán bộ, chiến sĩ Biên phòng là một tuyên truyền viên tích cực” và phương châm “hướng về cơ sở”, sẵn sàng “3 bám, 4 cùng”: “bám trụ, bám dân, bám địa bàn” và “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc” trong thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL cho nhân dân, đưa những văn bản pháp luật vốn khô cứng, khó nhớ đi vào đời sống của nhân dân vùng biên giới, hải đảo. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, góp phần đem lại sự bình yên trên khắp nẻo biên cương của Tổ quốc.