BĐBP Lai Châu bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia
Quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, trong đó, BĐBP giữ vai trò nòng cốt, chuyên trách. Ý thức rõ điều đó, BĐBP Lai Châu triển khai nhiệm vụ quan trọng này với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Lai Châu là tỉnh vùng cao, tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), có cửa khẩu Ma Lù Thàng và đường biên giới dài hơn 265km. Hằng năm địa phương tổ chức nhiều lễ hội dân tộc đặc sắc, nên có tiềm năng phát triển dịch vụ, du lịch, thương mại, xuất, nhập khẩu. Mặc dù vậy, tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn, như: địa bàn rừng núi hiểm trở, tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao, trình độ dân trí không đồng đều, trong khi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới yêu cầu ngày càng cao, lực lượng BĐBP mỏng, đóng quân phân tán, thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn rộng...
Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu đã đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ, công tác biên phòng với nhiều giải pháp và đạt được kết quả khá toàn diện. Trước hết, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các văn bản pháp lý về quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu; việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đường biên, mốc giới có nhiều chuyển biến tích cực; công tác quản lý, giám sát, đấu tranh giải quyết các vụ việc vi phạm Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc được thực hiện chặt chẽ. Cùng với đó, duy trì nghiêm quy trình, thủ tục kiểm tra, kiểm soát xuất, nhập cảnh, giám sát biên phòng; hoạt động đối ngoại, trao đổi thông tin với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu đối diện được coi trọng; việc phối hợp với cơ quan chức năng mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật, buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới... được tổ chức chặt chẽ, góp phần giữ vững an ninh chính trị khu vực biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, không để bị động, bất ngờ.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc phối hợp với các lực lượng nắm, nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình biên giới có thời điểm chưa chặt chẽ; một số cán bộ, nhân viên trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế, chưa có nhiều kinh nghiệm trong xử lý các vụ việc liên quan đến vấn đề biên giới; công tác đấu tranh với các loại tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa ở khu vực biên giới có thời điểm còn hạn chế...
Thời gian tới, trên địa bàn tỉnh Lai Châu, dự báo tình hình an ninh chính trị cơ bản ổn định, kinh tế, văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá; tội phạm về ma túy, mua bán người, buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa qua biên giới, xuất, nhập cảnh trái phép... diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp. Vì vậy, để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, BĐBP tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, thường xuyên nắm, nghiên cứu, đánh giá, dự báo chính xác tình hình nội biên, ngoại biên từ sớm, từ xa, kịp thời tham mưu với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chủ trương, đối sách, xử lý các tình huống tại khu vực biên giới theo đúng đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và luật pháp quốc tế, không để bị động, bất ngờ. Theo đó, BĐBP tỉnh chủ động nắm toàn diện, đánh giá, dự báo sát, đúng tình hình, hoạt động tôn giáo, hành vi chống phá tại khu vực biên giới; từ đó, xây dựng các phương án, kế hoạch, xác lập chuyên án đấu tranh chặt chẽ, khoa học, hiệu quả, tập trung vào hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, nhất là âm mưu đòi ly khai, tự trị, thành lập “Nhà nước Mông”, “Hội thánh Tin lành Mông”, hoạt động tuyên truyền đạo “Bà Cô Dợ”, “Tia chớp Phương Đông”... Tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu đối diện, trao đổi, kiểm tra thông tin, nhận định, đánh giá tình hình, xử lý có hiệu quả các vụ việc liên quan đến chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về đối ngoại quốc phòng. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; “Toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới”; các mô hình phát triển kinh tế - xã hội, giúp dân xóa đói giảm nghèo và các chương trình, mục tiêu quốc gia ở khu vực biên giới. Phát huy vai trò, trách nhiệm cán bộ đồn Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, xã biên giới; đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, bản, phụ trách các hộ gia đình và các trưởng thôn, bản, chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng.
Hai là, duy trì nghiêm quy trình, quy định xuất cảnh, nhập cảnh và giám sát biên phòng. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tập trung chỉ đạo nâng cao nghiệp vụ cho các đối tượng, chú trọng tính chuyên nghiệp, chuyên sâu, sát chức năng, nhiệm vụ, đúng quyền hạn và quy định của pháp luật. Phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách, chủ trì, phối hợp với các lực lượng giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tích cực, chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hoạt động của các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới. Xây dựng các chuyên án, kế hoạch, định kỳ hoặc đột xuất mở các đợt cao điểm phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới... chặt chẽ, hiệu quả. Tăng cường hợp tác với lực lượng chức năng phía đối diện, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, kiên quyết, kiên trì giải quyết dứt điểm, hiệu quả các hoạt động vi phạm thỏa thuận, văn kiện pháp lý, hành vi vi phạm đường biên, mốc giới. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, đồn Biên phòng thực hiện nghiêm quy trình, thủ tục kiểm tra, kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh và giám sát biên phòng; đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính tại cửa khẩu, xử lý các tình huống vi phạm kịp thời, đúng chủ trương, đối sách và đúng pháp luật.
Ba là, chủ động thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng. Đối ngoại biên phòng là nhiệm vụ quan trọng, có tính tổng hợp cao, trực tiếp ảnh hưởng đến an ninh, an toàn biên giới, thực hiện tốt giải pháp này sẽ góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng. Vì vậy, BĐBP tỉnh bám sát phương hướng, nhiệm vụ, công tác đối ngoại biên phòng của trên, cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện chặt chẽ, hiệu quả. Cùng với đó, tham mưu xây dựng và nâng cấp các cửa khẩu, thiết lập các khu (điểm) chợ biên giới; nối lại các hoạt động tuần tra song phương với lực lượng Biên phòng khu vực Mông Tự, Trung Quốc; tổ chức các chương trình giao lưu hữu nghị, đối ngoại nhân dân, kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, đồn Biên phòng tăng cường hợp tác với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu phía Trung Quốc, thực hiện nghiêm các thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới cũng như đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm. Thực hiện có hiệu quả “Đề án tổng thể đấu tranh với các hoạt động vi phạm của phía Trung Quốc trong xây dựng hàng rào khống chế, ngăn chặn tại khu vực biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc”, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Bốn là, xây dựng BĐBP tỉnh có chất lượng tổng hợp, sẵn sàng chiến đấu cao, chuyên môn nghiệp vụ giỏi, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới. Chất lượng tổng hợp của BĐBP là nhân tố quyết định sức mạnh chiến đấu, bảo đảm bất luận trong điều kiện hoàn cảnh nào cũng luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Vì vậy, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của trên về điều chỉnh tổ chức lực lượng, nhất là nội dung ba đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI và chủ đề “Năm cơ bản hoàn thành điều chỉnh tổ chức lực lượng”. Tổ chức điều chỉnh lực lượng theo đúng biểu tổ chức biên chế mới, phù hợp với Luật Biên phòng Việt Nam, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tập trung xây dựng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực công tác, trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập cho các đối tượng; tổ chức huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát đặc điểm địa bàn, nhiệm vụ được giao; nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, pháp luật và nghiệp vụ biên phòng cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ, sĩ quan trẻ. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Chương trình quốc gia học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019-2030” và học tập tiếng dân tộc thiểu số trong BĐBP tỉnh. Chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, sẵn sàng cơ động tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và xử lý các tình huống xảy ra tại khu vực biên giới.
Đại tá Triệu Quốc Nguậy, Chỉ huy trưởng BĐBP Lai Châu