BĐBP thực hiện tốt vai trò chủ trì duy trì an ninh trật tự ở khu vực biên giới cửa khẩu

Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bí thư Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo: '...Quân đội luôn vững vàng, kiên định, là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân và là lực lượng nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, bảo đảm môi trường 'trong ấm, ngoài êm' cho đất nước...'. Trong chiến công, thành tích xuất sắc ấy có sự đóng góp của BĐBP.

Đồng chí Đinh Duy Vượt.

Đồng chí Đinh Duy Vượt.

Qua thực tiễn đồng hành của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai với BĐBP và ý kiến cử tri, nhân dân đều tin tưởng, khẳng định rằng, BĐBP với bề dày truyền thống sẽ luôn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, cùng nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Có thể nói, công tác chủ trì duy trì an ninh trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu mang tính đặc thù rất cao, đòi hỏi lực lượng chuyên trách phải thực sự sâu sát không chỉ địa bàn mình phụ trách mà cả những khu vực tiếp giáp và phía đối diện, hiểu sâu, nắm chắc quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Để làm tốt công tác chủ trì duy trì an ninh trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu, BĐBP không chỉ đáp ứng nhân lực có trình độ nghiệp vụ, phương tiện, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại mà cần phải đồng thời thực hiện tốt công tác dân vận và đối ngoại để xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh và thế trận an ninh liên hoàn phục vụ đấu tranh phòng chống các loại tội phạm. Thực tiễn cho thấy, công tác dân vận vùng biên giới là thế mạnh của BĐBP. Ở bất kỳ giai đoạn nào, BĐBP cũng phát huy vai trò là “ngọn cờ” đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân nơi mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Sau ngày đất nước được giải phóng (năm 1975) cho đến những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, địa bàn biên giới là khu vực khó khăn bậc nhất cả về kinh tế-văn hóa-xã hội và quốc phòng-an ninh. Khi “ánh sáng” cuộc sống mới chưa tới được những khu dân cư xa xôi, hẻo lánh, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã “làm thay” gần như mọi việc từ y tế, văn hóa, giáo dục đến cả việc làm “bà đỡ” cho nhân dân trong lao động sản xuất. Thậm chí, có những địa bàn trên tuyến biên giới các tỉnh Tây Nguyên, bà con còn vào đồn Biên phòng để liên hệ... đăng ký kết hôn.

Nói như thế để thấy, trên biên giới, các đồn Biên phòng thực sự là thành trì vững chắc của lòng dân. Phương châm “3 bám, 4 cùng” trong công tác vận động quần chúng không chỉ giúp cho BĐBP tạo ra “con đường” nhanh nhất đi vào lòng dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm để có những giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ hiệu quả, mà còn xây dựng cơ sở tai mắt nhân dân, nắm bắt thông tin, quản lý chặt chẽ địa bàn, đấu tranh có hiệu quả, các loại tội phạm.

Trên địa bàn biên giới tỉnh Gia Lai, sau sự kiện gây rối vào năm 2001, bọn phản động FULRO, “Tin lành Đề-ga” được sự chống lưng của các tổ chức phản động, một mặt đẩy mạnh các hoạt động móc nối, lôi kéo người dân tộc thiểu số vượt biên, mặt khác ráo riết xây dựng, phát triển lực lượng ngầm để chống phá ta về lâu về dài. Trước tình hình đó, BĐBP Gia Lai đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động câu móc tổ chức vượt biên từ địa bàn nội địa lên biên giới, kết hợp xác lập nhiều chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ bóc gỡ, vô hiệu hóa các ổ nhóm, “khung” chính quyền ngầm của bọn phản động FULRO, “Tin lành Đề-ga” trên khu vực biên giới. Đây là cuộc đấu tranh đầy tính kiên trì và gai góc. Để làm tốt việc này, BĐBP phải xây dựng cơ sở từ lòng dân, nắm bắt, sàng lọc thông tin, xác lập chuyên án, kế hoạch đấu tranh bóc gỡ. Làm đến đâu đưa đối tượng ra đấu tranh công khai trước quần chúng nhân dân đến đó, như vậy, vừa giúp bà con nhận diện rõ bộ mặt thật của bọn phản động, vừa có tác dụng giáo dục, nâng cao nhận thức trong cộng đồng.

Gần gũi với nhân dân, quản lý chặt chẽ địa bàn, kết hợp mở rộng quan hệ đối ngoại giúp cho BĐBP hình thành một thế trận an ninh liên hoàn, đấu tranh phòng, chống có hiệu quả các loại tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại. Công tác đối ngoại Biên phòng không chỉ được thể hiện đậm nét ở các khu dân cư phát triển, khu vực cửa khẩu và cũng không giới hạn với các đồng nghiệp từ bên kia biên giới, mà được triển khai đa dạng, có chiều sâu từ chính quyền, các lực lượng chức năng đến nhân dân của nước bạn. Chương trình “Nâng bước em tới trường”, xây dựng nhà đoàn kết hữu nghị, kết nghĩa các khu dân cư hai bên biên giới và kết nghĩa giữa các đồn, trạm Biên phòng với lực lượng chức năng nước bạn được BĐBP triển khai thực hiện từ nhiều năm qua cho thấy tầm nhìn, cách làm mang tính xã hội hóa rất cao, tạo ra “chiếc cầu nối” bền vững cho tình đoàn kết hữu nghị, thân thiện giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình, BĐBP An Giang phối hợp với lực lượng Công an, Hải quan, dân quân tổ chức tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới. Ảnh: Thành Chung

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình, BĐBP An Giang phối hợp với lực lượng Công an, Hải quan, dân quân tổ chức tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới. Ảnh: Thành Chung

Việc quan tâm chăm lo công tác đối ngoại Biên phòng với những việc làm cụ thể, sâu sắc nhất cho thấy giá trị bất biến của tình người. Biên giới là đường phân định giữa hai quốc gia, rất thiêng liêng và bất khả xâm phạm, nhưng tình người thì không bao giờ có giới hạn. Và, một khi chúng ta đưa được các giá trị lại gần nhau hơn, về chung một “mái nhà” biên giới, chắc chắn sẽ loại bỏ được những mầm mống gây nguy hại đến an ninh từ bên ngoài xâm nhập vào.

Thực tế cho thấy, rất nhiều vụ án ma túy, buôn lậu, tội phạm mua bán người qua biên giới được BĐBP đấu tranh ngăn chặn thành công xuất phát từ công tác nắm, trao đổi thông tin cũng như phối hợp triển khai lực lượng bắt giữ. Trong xu thế phát triển như hiện nay, tội phạm xuyên biên giới biến ảo khôn lường thì việc thiết lập một thế trận an ninh liên hoàn là hết sức quan trọng, góp phần xây dựng khu vực biên giới - một trong những địa bàn nhạy cảm bậc nhất về vấn đề an ninh trở thành “điểm đến” bình yên và phát triển.

Trong xu thế phát triển và những biến đổi bất thường về thời tiết, khí hậu, dịch bệnh, vấn đề an ninh phi truyền thống cũng cần được nhìn nhận một cách sâu sắc qua “lăng kính” của những người “gác cửa phên dậu” đất nước. Những trận thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 bùng phát như hiện nay, BĐBP đã khẳng định rất tốt vai trò của người chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Họ đã không quản ngại hy sinh, vất vả, nếm trải bao nỗi nhọc nhằn vì biên giới thân thương, vì một cuộc sống bình yên, hạnh phúc ở phía sau lưng mình. Chúng ta trân trọng những cống hiến âm thầm, nhưng đầy bền gan sắt đá của người chiến sĩ mang quân hàm xanh để từ đó có những đánh giá, nhìn nhận sâu sắc hơn về vai trò của họ.

Suốt chiều dài lịch sử hơn 61 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, BĐBP luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội giao phó. Chính vì vậy, vai trò chủ trì duy trì an ninh trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu của BĐBP đã được khẳng định, đồng thời hoàn toàn phù hợp trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, cũng như quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác biên phòng. Việc xây dựng, ban hành Luật Biên phòng Việt Nam là hết sức cần thiết, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi nhất để BĐBP thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh và đối ngoại trên khu vực biên giới.

Đinh Duy Vượt (Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bdbp-thuc-hien-tot-vai-tro-chu-tri-duy-tri-an-ninh-trat-tu-o-khu-vuc-bien-gioi-cua-khau-post433647.html