BĐBP triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường
Việt Nam là quốc gia được đánh giá chịu tác động lớn về vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, bảo vệ môi trường luôn là một chủ trương quan trọng và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặc dù không phải là lực lượng chuyên trách bảo vệ môi trường, nhưng với ý thức và trách nhiệm của mình, BĐBP đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh. Những việc làm ý nghĩa, thiết thực của BĐBP đã thể hiện trách nhiệm của những người lính quân hàm xanh, đóng góp vào nỗ lực chung của quốc gia và toàn cầu trong công cuộc bảo vệ môi trường.
Xây dựng lối sống xanh
Với mục đích nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về tác hại của rác thải nhựa và từng bước thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi ni lông và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, BĐBP đã phát động phong trào “Nói không với rác thải nhựa”. Đến nay, về cơ bản, cán bộ, chiến sĩ trong các cơ quan, đơn vị đã cam kết không sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần như: ống hút, chai nước suối... trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị. Thay vào đó, các cơ quan, đơn vị sẽ sử dụng cốc thủy tinh, bình thủy tinh và các sản phẩm làm từ vật liệu thân thiện với môi trường.
Trước đây, trong các cuộc hội họp hoặc tiếp khách, Bộ Tư lệnh BĐBP thường sử dụng chai nước uống dùng một lần. Nhưng từ khi phát động phong trào “Nói không với rác thải nhựa”, cơ quan Bộ Tư lệnh BĐBP đã thay thế hoàn toàn các chai nước nhựa bằng việc nấu nước trà hoặc nước đun sôi để nguội, sau đó rót ra các bình, ly thủy tinh.
Tương tự, phong trào này cũng đang được các đơn vị cơ sở của BĐBP quán triệt nghiêm túc đến tất cả cán bộ, chiến sĩ và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng. Trung tá Nguyễn Đình Tuân, Trưởng ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, BĐBP Cao Bằng thông tin: Hiện nay, các tiêu chí về môi trường là một trong các tiêu chí quan trọng để xây dựng đơn vị “Mẫu mực, tiêu biểu”. Để thực hiện được tiêu chí trên, các đơn vị đã giảm thiểu đến mức thấp nhất vấn đề sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.
“Ngoài ra, để đảm bảo vấn đề môi trường, các đơn vị cũng đã quan tâm hơn đến xử lý rác thải, sửa sang các khu vực liên quan đến ăn uống, vệ sinh đảm bảo sạch sẽ, văn minh. Nhiều đơn vị đã có “Thùng rác bảo vệ môi trường” để cán bộ, chiến sĩ phân loại rác thải hàng ngày. Mặt khác, các đơn vị đã tích cực hưởng ứng lối sống xanh bằng nhiều mô hình mang lại hiệu quả rất thiết thực, như: “Nói không với rác thải nhựa”, “Ngôi nhà xanh - Chi đoàn thu gom, phân loại rác thải nhựa, tái chế tái sử dụng”, “Phân loại rác - môi trường xanh”. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh các mô hình, phong trào: “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”, “Hành quân xanh”... trên địa bàn đóng quân” - Trung tá Tuân cho biết.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh BĐBP, trong 6 tháng đầu năm 2023, với tinh thần “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”, cán bộ, đoàn viên thanh niên trong BĐBP đã chủ động phối hợp với các chi đoàn kết nghĩa, Đoàn Thanh niên địa phương tổ chức gần 300 buổi với trên 10.000 cán bộ, chiến sĩ và đoàn viên thanh niên tham gia lao động tình nguyện, xử lý các điểm đen về rác thải, ô nhiễm môi trường trong đơn vị và các khu vực công cộng trên địa bàn đơn vị đóng quân.
Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân khu vực biên giới, biển đảo
Đa phần các địa bàn đóng quân của BĐBP là ở các khu vực biên giới, biển đảo, là những nơi có điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, ý thức và nhận thức về bảo vệ môi trường của bà con nơi đây vẫn còn nhiều hạn chế. Đây là một trong những áp lực đối với chính quyền các địa phương trong vấn đề phát triển kinh tế-xã hội. Nhận thức được vấn đề này, BĐBP đã có nhiều hoạt động nhằm nâng cao ý thức của người dân để bảo vệ môi trường.
Theo Trung tá Nguyễn Đình Tuân, từ nhiều năm nay, để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân, BĐBP Cao Bằng đã thực hiện một số hoạt động như vận động hỗ trợ đồng bào khu vực biên giới xây dựng các hố đốt rác tại các thôn bản, vận động người dân di dời gia súc, chuồng trại ra khỏi gầm sàn nhà và tuyên truyền, vận động các chủ hàng hóa, đội ngũ bốc xếp thời vụ tại các khu vực cửa khẩu đảm bảo vệ sinh trong sinh hoạt cũng như lúc bốc dỡ hàng hóa. Chính nhờ sự tuyên truyền tích cực của BĐBP, đến nay, ý thức của người dân khu vực biên giới về bảo vệ môi trường đã được nâng lên rõ rệt.
Theo báo cáo của BĐBP Cao Bằng, từ đầu năm đến nay, các đơn vị trực thuộc đã tham gia hỗ trợ kinh phí 20 hộ gia đình di dời chuồng trại ra khỏi gầm sàn nhà, số tiền 59 triệu đồng; giúp dân lao động sản xuất, tu sửa nhà, làm chuồng trại, nơi xử lý rác thải được 117 buổi/579 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia.
Ở khu vực biên giới biển, BĐBP cũng có nhiều hoạt động để bảo vệ môi trường. Ví dụ như ở Đồn Biên phòng Quỳnh Phương, BĐBP Nghệ An. Đơn vị quản lý 15,5km đường bờ biển, trên địa bàn có 1.083 tàu thuyền thường xuyên ra vào hoạt động trên biển. Với tinh thần trách nhiệm và ý thức tốt về bảo vệ môi trường, đơn vị đã thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương thực hiện Chiến dịch “Hãy làm sạch biển”. Theo đó, đơn vị đã thường xuyên tổ chức thu gom, dọn sạch và xử lý rác thải tại bãi biển trên địa bàn các xã, phường; tổ chức lắp đặt, trao tặng 50 thùng đựng rác nơi công cộng tại các bãi biển nhằm khuyến khích người dân bỏ rác đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi, dễ thu gom, đảm bảo mỹ quan; tổ chức in ấn và treo 35 băng rôn, khẩu hiệu các loại nhằm lan tỏa thông điệp “Làm sạch biển và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển của cộng đồng”...
Chúng tôi có mặt tại Đồn Biên phòng Ia Rvê, BĐBP Đắk Lắk đúng dịp đơn vị đang tập trung lực lượng về địa bàn để tổ chức buổi tập huấn, nâng cao nhận thức về môi trường cho người dân. Theo ghi nhận của phóng viên, sau khi nghe những nội dung về công tác bảo vệ môi trường do BĐBP phổ biến, tuyên truyền, bà con đã bày tỏ mối quan tâm trước tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa bàn. Các giải pháp để cải tạo, chấn chỉnh có hiệu quả thực trạng này cũng được đông đảo người dân đề xuất. Những người dân dự tập huấn cho biết, những lần tập huấn như thế này giúp họ nắm rõ các vấn đề liên quan đến môi trường và cung cấp nhiều kiến thức thiết thực để bà con hiểu và bảo vệ tốt hơn môi trường sống của mình.