BĐS không nên trông chờ vào chính sách tiền tệ đã quá sức

Ngày 24/11, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) công bố báo cáo nghiên cứu: Đổi mới cơ chế phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, một vài hàm ý đối với thị trường bất động sản.

Theo đó, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, then chốt của một nền kinh tế ổn định và phát triển lành mạnh là phải có sự kết hợp hài hòa, linh hoạt giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ trên nền tảng môi trường đầu tư kinh doanh luôn được cải thiện theo hướng thuận lợi.

Tuy nhiên, gần hết năm 2023, dường như Việt Nam vẫn đang thiên lệch về chính sách tiền tệ, chưa phát huy hết sức mạnh của chính sách tài khóa và sự kết hợp hài hòa giữa hai chính sách này còn có vấn đề, nhất là trong bối cảnh lẽ ra cần tập trung hơn vào chính sách tài khóa.

Việc Ngân hàng Nhà nước nhiều lần giảm lãi suất trong năm nay đã minh chứng cho sự nới lỏng của chính sách tiền tệ. Mức lãi suất hiện tại đã tương đối thấp, và việc giảm thêm sẽ không còn tác dụng lớn. Nhất là khi, bối cảnh thực tế hiện nay cho thấy, khu vực tư nhân đang suy giảm đầu tư và tiêu dùng.

Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh, việc quan tâm thực hiện chính sách tài khóa có thể sẽ có giá trị hơn, đặc biệt là trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. Doanh nghiệp phải hoạt động, người dân có việc làm thì mới có thể lưu thông tiền tệ, ngược lại, sẽ khiến tiền “tồn kho” trong ngân hàng, trường hợp xấu hơn còn làm tăng lạm phát.

Khi mở rộng được tài khóa thì tiền tệ mới hiệu quả, hay nói cách khác, mở rộng tiền tệ phải dựa trên tài khóa. Phải tính toán rất kỹ vấn đề nên chi tiêu cho lĩnh vực nào, khả năng hồi phục ra sao, từ đó dành khoản tín dụng bao nhiêu. Nếu không có sự linh hoạt sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp có việc làm không vay được, doanh nghiệp không có việc làm lại vay được. Vấn đề phục hồi nền kinh tế hiện nay không thể chỉ dựa vào chính sách tiền tệ hay chính sách tài khóa mà là sự kết hợp có hiệu quả, uyển chuyển giữa hai chính sách này.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hiện các doanh nghiệp bất động sản không nên quá trông chờ vào tín dụng ngân hàng, chờ được nới room hay tăng room bởi lượng tín dụng đổ vào bất động sản đang khá cao và vẫn trong xu hướng tăng. Với tình trạng hiện nay, kể cả có room riêng cho bất động sản, các doanh nghiệp chưa chắc đã tiếp cận được vì không đáp ứng các điều kiện cho vay từ phía ngân hàng. Mặt khác, nếu bất động sản vẫn tiếp tục trông mong vào tín dụng hỗ trợ, thì sẽ tạo ra rủi ro hệ thống rất lớn. Vì khi bất động sản bể nợ, thì sẽ lan sang ngân hàng.

Về dài hạn, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để phát triển thị trường trái phiếu lành mạnh, minh bạch, bền vững để các doanh nghiệp có không gian rộng hơn trong việc huy động vốn.

Ngoài ra, khơi thông nguồn vốn từ kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai là vô cùng cấp thiết đối với các doanh nghiệp bất động sản, nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Muốn vậy, phải kết hợp đồng bộ các giải pháp từ tạo vốn mồi đến tháo gỡ pháp lý cho các dự án. Không khách hàng nào muốn mua dự án chưa có đầy đủ pháp lý và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngược lại, doanh nghiệp được gỡ pháp lý, nhưng sức cùng lực kiệt, không có vốn mồi thì cũng không thể triển khai dự án, không có dự án thì không thể tạo ra dòng tiền từ khách hàng.

Dù thị trường bất động sản đang đối mặt với những khó khăn chưa từng có và tốc độ phục hồi khá chậm, nhưng với quyết tâm gỡ khó cho doanh nghiệp của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng như nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ có bước đi vững chắc, phát triển chuyên nghiệp, lành mạnh và bền vững hơn trong tương lai, theo đó mọi “dòng chảy” đều được khơi thông.

PV

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/bds-khong-nen-trong-cho-vao-chinh-sach-tien-te-da-qua-suc-d195253.html