Bé 1 tuổi có nhiều giun trong cơ thể, nguyên nhân từ cách nấu ăn của phụ huynh
Cậu bé mới 1 tuổi nhưng trong cơ thể có rất nhiều giun sống, bao gồm cả sán lá gan (có thể gây suy gan), sán dây hút máu và cả sán phổi.
Mới đây, truyền thông Trung Quốc cùng đưa tin về trường hợp cậu bé 1 tuổi ở Trung Sơn, Quảng Đông được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng sốt và nôn mửa từ 1 tuần trước đó. Trước khi vào viện, cha mẹ của bé đã thử rất nhiều phương pháp nhưng các triệu chứng của bé vẫn không thuyên giảm.
Tại bệnh viện, kết quả kiểm tra khiến mọi người rất ngạc nhiên. Cậu bé mới 1 tuổi nhưng trong cơ thể có rất nhiều giun sống, bao gồm cả sán lá gan (có thể gây suy gan), sán dây hút máu và cả sán phổi.
Đứa trẻ mới 1 tuổi, làm thế nào nó có thể bị nhiễm ký sinh trùng như vậy?
Sau khi tìm hiểu về thói quen sinh hoạt của gia đình, nguyên nhân cũng được tiết lộ. Thì ra gia đình bệnh nhi chỉ dùng chung 1 chiếc thớt cho việc nấu ăn, bao gồm cả việc chế biến thực phẩm sống lẫn chín. Kết quả là dẫn đến hậu quả này.
Giám đốc khoa Cấp cứu, bệnh viện trung ương Trịnh Châu trực thuộc Đại học Trịnh Châu, cho biết: Có thể bạn không tin nhưng chiếc thớt chúng ta vẫn dùng để chế biến thức ăn có khi bẩn vô cùng. Dữ liệu từ một nghiên cứu của đại học Harvard cho thấy chiếc thớt chúng ta thường sử dụng có lượng vi khuẩn lên đến 26.000/cm2. Thậm chí, một thí nghiệm đã được đài truyền hình CCTV Trung Quốc, thực hiện cho thấy ở thớt được sử dụng trong hơn 3 tháng, có tới 200 triệu vi khuẩn/m2.
Khi thái thức ăn trên thớt, thoạt nhìn chúng ta cảm thấy không có gì đặc biệt. Nhưng thực tế, trên thớt có những khe nhỏ hẹp, theo thời gian, những khe này được "lấp đầy" bụi bẩn, vụn thức ăn, vi khuẩn. Khi dùng 1 chiếc thớt để thái nhiều loại thức ăn, cả rau cả thịt, cả thức ăn sống thức ăn chín... càng có nhiều vi khuẩn, kí sinh trùng và virus dễ "đậu" lại trong các khe hở đó và bám vào thức ăn. Kết quả dẫn đến nhiều trường hợp mắc bệnh, như em bé 1 tuổi nói trên là một ví dụ.
Có những mối nguy hiểm tiềm ẩn nào trong thớt?
Nghiên cứu của CCTV đã đưa ra câu trả lời là: Trên thớt có thể chứa tụ cầu khuẩn, e.coli, sán lá gan và ký sinh trùng gây bệnh não và các vi khuẩn khác.
Nhiễm sán lá gan có thể không có triệu chứng ở giai đoạn đầu nhiễm bệnh, nhưng khi bệnh nghiêm trọng có thể gây suy gan.
Nhiễm ký sinh trùng gây bệnh não có thể gây ra chóng mặt, đau đầu, động kinh và các triệu chứng khác. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể gây tàn tật và tử vong.
Làm thế nào để sử dụng thớt an toàn?
1. Sử dụng riêng thớt cho thức ăn chín và sống
Cho dù có chà rửa kỹ thì cũng chỉ làm sạch bề mặt, còn những vi khuẩn đã bám vào trong sớ gỗ không thể làm sạch được vẫn nằm lại đó và tiếp tục sinh sôi nảy nở. Vì vậy, cần dùng thớt riêng cho hai loại thực phẩm sống và chín.
2. Nên thay thớt đang sử dụng sau 2 năm
Viện nghiên cứu Chất lượng tiêu dùng Thâm Quyến đã tiến hành một cuộc khảo sát thớt cũ và phát hiện ra rằng: thớt được sử dụng trong hơn 2 năm có số lượng vi khuẩn, nấm mốc, hệ vi sinh vật e.coli nhiều hơn đáng kể so với thớt sử dụng ít hơn 2 năm. Vậy nên, sau khoảng thời gian này thì nên thay thế thớt đang dùng.
Hoặc khi bề mặt thớt xuất hiện khe nứt, rất dễ dàng đọng lại thực phẩm và khó khăn để làm sạch, thì cũng cần phải thay thế thớt mới ngay.
3. Thớt phải được rửa thường xuyên, phơi nắng, khử trùng
Nên phơi nắng sau khi làm sạch thớt, phơi ở chỗ thông gió và treo lên để nhanh khô, tránh vi khẩn có cơ hội sự sinh sản. Để làm sạch thớt, nên dùng nước nóng hoặc chất tẩy rửa sẽ tốt hơn.