Bé 10 tuổi nhiễm khuẩn huyết thoát 'cửa tử' nhờ ECMO
Bệnh viện Trung ương Huế vừa cứu sống một bệnh nhi bị nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển do viêm phổi rất nặng bằng kỹ thuật hỗ trợ tim phổi (ECMO)
Ngày 27/12, Trung tâm Nhi - Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, vừa làm lễ ra viện cho bệnh nhân Phạm H.V. (10 tuổi, quê Quảng Bình). Bệnh nhân được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến Trung tâm Nhi - Bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng bệnh rất nặng với chẩn đoán hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển do viêm phổi.
Bệnh nhân được thở oxy dòng cao (HFNC) nhưng không hiệu quả, phải thở máy xâm lấn bảo vệ phổi. Bệnh diễn tiến nguy kịch, nồng độ oxy máu không cải thiện sau 12 giờ thông khí nằm sấp, bệnh nhân được khẩn trương hội chẩn với các bác sĩ hồi sức tích cực.
Dựa vào các thông số khí máu, các chỉ số máy thở và tổn thương phổi nghiêm trọng trên phim CT scan phổi, bệnh nhân được chỉ định đặt VV-ECMO (oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể hỗ trợ hô hấp). Tuy nhiên, bệnh nhân tiếp tục tiến triển nặng với sốc nhiễm khuẩn huyết, suy đa phủ tạng, phải tiến hành lọc máu liên tục (CRRT).
Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa, quá trình điều trị khẩn trương, tích cực, chuyên nghiệp với các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tình trạng bệnh cải thiện, chức năng gan, thận hồi phục. Bệnh nhân được ngưng lọc máu liên tục, cai ECMO, ngưng thở máy thành công sau 17 ngày điều trị.
Theo GS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, kỹ thuật ECMO đã được các bác sĩ bệnh viện thực hiện thành công đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 3/2009, chủ yếu cho bệnh nhân sốc tim, viêm cơ tim, phẫu thuật tim mạch, suy hô hấp cấp tiến triển với thở máy không hiệu quả.
ECMO là kỹ thuật hỗ trợ tim phổi giúp cứu sống rất nhiều bệnh nhân nguy kịch, không đáp ứng với các điều trị thông thường, giúp tim phổi nghỉ ngơi và chờ thời gian hồi phục. Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện đã triển khai thành thạo kỹ thuật này trong hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn với tỷ lệ thành công cao.
Hiện nay kỹ thuật ECMO ngoại vi được thực hiện nhanh chóng tại khoa Hồi sức tích cực với đường tiếp cận mạch máu qua da. Nhiều trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch với nguy cơ tử vong cao đã được cứu sống nhờ kỹ thuật này.