Bé 11 tuổi bị loét môi miệng do người thân cho uống thuốc 'lạ' chữa ho
Người quen mua thuốc về cho cháu 11 tuổi uống, không những bệnh không thuyên giảm mà còn nặng hơn kèm đau mắt, loét môi miệng, nổi ban đỏ...
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, mới đây bệnh nhi N.Đ.K.P, 11 tuổi sống tại An Sơn, Thủy Nguyên, Hải Phòng nhập Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng trong tình trạng nổi ban kèm loét trợt niêm mạc dạng nặng.
Khai thác tiền sử bệnh, gia đình người nhà bệnh nhi cho biết trước đó khoảng nửa tháng, cháu P. bị ho, sốt nên gia đình có tự mua thuốc về cho cháu uống với nhiều loại thuốc. Sau đó, cháu P. có biểu hiện đau mắt, loét môi miệng, sinh dục nổi ban đỏ và bệnh tiến triển nặng dần. Thấy vậy, gia đình đưa cháu vào BV Trẻ em Hải Phòng cấp cứu.
Thời điểm nhập viện, cháu P. luôn thấy mệt, sốt, không ăn uống hay nói chuyện được bởi vùng miệng bị viêm loét nghiêm trọng, có nhiều giả mạc và chảy mủ vàng, viêm loét kết mạc mắt, niêm mạc hậu môn, sinh dục và nhiều ban đỏ trên da.
Qua kiểm tra và thăm khám, các bác sĩ bệnh viện đánh giá ca bệnh đã bị tổn thương da và niêm mạc nặng nghi do dị ứng thuốc - hội chứng Steven Johnson nên đã chỉ định vừa điều trị tích cực đối với vùng loét vừa lập kế hoạch chăm sóc da, niêm mạc cẩn thận từng ngày cho bệnh nhi.
Được biết, sau 5 ngày điều trị tại khoa Nội tổng hợp của BV Trẻ em Hải Phòng, bệnh nhi đã hết sốt, tổn thương da và niêm mạc đã hồi phục, cháu P. đã ăn uống, sinh hoạt bình thường.
Từ trường hợp các bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng khuyến cáo, các phụ huynh cần cẩn trọng trong việc dùng thuốc cho trẻ bởi nếu không đưa đi khám, chỉ căn cứ thói quen mà mua thuốc đem về cho con uống, rất có thể tiềm ẩn nguy cơ, đặc biệt là phản ứng dị ứng nghiêm trọng gây tổn thương da và niêm mạc cho trẻ, thậm chí đe dọa tính mạng của trẻ.
Nếu gia đình thấy trẻ sau khi dùng thuốc xuất hiện những biểu hiện bất thường như: sốt, mệt, nổi ban, nôn, đau bụng, ỉa chảy, loét miệng, đỏ mắt, loét hậu môn, sinh dục… cần cho trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám, điều trị, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ.
Chuyên gia nhấn mạnh người lớn, cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần để thuốc, hóa chất độc hại tránh xa tầm tay của trẻ, tốt nhất nên cất ở những nơi kín đáo, trẻ ít có cơ hội tiếp xúc. Nếu cẩn thận hơn, có thể để trong hộp có khóa để trẻ không mở lấy ra được.
Không đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống, các chai lọ có màu sắc bắt mắt thu hút sự chú ý của trẻ, tránh nhầm lẫn.
Không để chung thuốc uống với thuốc khử khuẩn hay các loại chai lọ hóa chất khác.
Không tự ý mua thuốc hay cho con uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Phải dùng thuốc theo đúng đơn và đúng liều lượng của bác sĩ cho mỗi lần khám.
Thuốc nên được bảo quản trong lọ kín, có nhãn ghi tên thuốc, hạn sử dụng rõ ràng.
Định kỳ làm vệ sinh tủ thuốc gia đình, vứt bỏ thuốc quá hạn dùng, thuốc bị hỏng.
Các bé ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo cần có người lớn hoặc các anh chị lớn theo dõi và chăm sóc khi vui chơi.
Với những trẻ lớn hơn, cha mẹ cần dạy trẻ về những loại hóa chất độc hại và cách nhận diện, phân biệt với các loại đồ ăn có hình dáng tương tự.
Trúc Chi (t/h)