Bé 3 tuổi suýt chết vì chẩn đoán nhầm viêm họng

Mảnh xương chỉ dài 2cm nhưng gây tụ dịch mủ trong họng, đâm vào ống động mạch đốt sống cổ của bệnh nhi. Nhiều lần đi khám trước đó, bé được chẩn đoán viêm họng.

Sáng 11/1, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết đã cứu sống bé trai bị áp xe thành sau họng, thực quản, nhiễm trùng huyết do hóc xương cá.

Theo đó, bé H.M.H. (3 tuổi, ở Đồng Tháp) được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng sốt cao, sưng đau cổ, quấy khóc, chảy nước bọt nhiều, thành sau cổ phù nề. Trẻ không ăn uống được.

Kết quả siêu âm phát hiện vùng cổ bé có tụ mủ, dịch mủ lan ra thành sau họng. Đáng ngại hơn, một dị vật đâm vào trong ống động mạch đốt sống cổ của bệnh nhi. Ngay lập tức ê-kíp trực bật báo động đỏ toàn viện.

Mảnh xương 2cm khiến bé trai đối mặt với nguy cơ tử vong.

Mảnh xương 2cm khiến bé trai đối mặt với nguy cơ tử vong.

Chị T.L (30 tuổi, mẹ bé H.) cho biết, trước đó bé H. ăn cơm với cá kho. Khi bé than đau cổ và ho sặc sụa, chị đã đưa con đến bệnh viện ở địa phương. “Bác sĩ nói mảnh xương đã xuống dạ dày, bé chỉ bị đau họng do tổn thương nên cho về. 2 ngày sau, con vẫn đau nên vào bệnh viện tiếp. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm họng.

Bé không ăn uống được gì, đến khi con mệt lả, khó thở, sưng họng, bệnh viện mới chuyển bé lên Bệnh viện Nhi đồng 1”, chị L. nói.

Theo bác sĩ CK2 Nguyễn Tuấn Như, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1, ổ áp xe quá lớn, có thể vỡ bất kỳ lúc nào. Mảnh xương có thể đâm thủng động mạch gây chảy máu khó cầm, nguy cơ tử vong rất cao.

Bước vào ca phẫu thuật, bác sĩ nội soi phát hiện ổ áp xe bám ở vách quá mỏng, gần động mạch, nếu không khéo léo, máu sẽ chảy xối xả không kịp trở tay. Sau đó, bé được mở nội khí quản. May mắn, ê-kíp đã khéo léo lấy ra mảnh xương cá dài 2cm.

Hiện tại, bệnh nhi đang được theo dõi phòng ngừa nhiễm khuẩn, tụ mủ, nuôi ăn bằng ống trong thời gian chờ vết thương lành.

Bác sĩ CK1 Dương Minh Toàn, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ thêm, 1 tháng trước, bệnh viện cũng tiếp nhận một bé hóc xương tương tự. “Chẩn đoán hình ảnh xác định vị trí rồi nhưng khi mở ra thì xương “chạy” đi chỗ khác, bắt buộc bệnh nhi phải mổ đến lần 3 mới tìm thấy xương”.

Bác sĩ khuyến cáo, khi gặp tình huống này, gia đình không tìm cách móc dị vật ra ngoài, vô tình đẩy sâu mảnh xương vào trong. Bố mẹ cũng không nên vuốt cổ, cho trẻ nuốt cơm nguội … sẽ làm mất thời gian, gây nhiều hậu quả đáng tiếc.

Linh Giao

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/be-3-tuoi-suyt-chet-vi-chan-doan-nham-viem-hong-808064.html