Bé 4 tháng tuổi co giật toàn thân sau khi uống thuốc không nhãn mác
Sau 2 ngày uống thuốc không rõ thành phần, nguồn gốc, em bé xuất hiện tình trạng co giật toàn thân, mắt trợn ngược, sùi bọt mép, tay co quắp, chân duỗi cứng.
Các bác sĩ khoa Cấp cứu, Trung tâm Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết đã tiếp nhận bệnh nhi nữ (4 tháng tuổi) chuyển từ tuyến dưới lên với chẩn đoán viêm màng não.
Trước khi vào viện 10 ngày, trẻ xuất hiện tình trạng đi ngoài phân lỏng 7-8 lần/ngày, màu xanh, lẫn dịch nhầy. Gia đình cho đi kiểm tra tại phòng khám tư nhân và được kê 2 túi thuốc bột màu vàng chữa nôn, đi ngoài, có hướng dẫn kèm theo.
Sau 2 ngày uống thuốc, trẻ không đi ngoài nhưng xuất hiện tình trạng li bì, ngủ nhiều hơn bình thường. Đến tối 15/5, trẻ co giật toàn thân, mắt trợn ngược, sùi bọt mép, tay co quắp, chân duỗi cứng. Lúc này, gia đình mới đưa trẻ vào trung tâm y tế địa phương. Trẻ co giật trong 30 phút, được xử trí cắt cơn bằng Dipazepam, thụt hậu môn, sau đó chuyển đến Trung tâm Sản Nhi.
Theo BSCKI Nguyễn Phú Thạch, khoa Cấp cứu, khi nhập viện trẻ tự thở, phản xạ chậm, tim nhịp chậm, đồng tử 2 bên co nhỏ, phản xạ ánh sáng dương tính, không có yếu liệt thần kinh khu trú. Từ kết quả thăm khám, bác sĩ chẩn đoán tình trạng co giật của bệnh nhi là do ngộ độc thuốc.
Sau 3 ngày điều trị và theo dõi, bệnh nhi đã tỉnh, không còn tình trạng co giật, sức khỏe ổn định.
Đặc biệt, các bác sĩ xác định tình trạng tiêu chảy của trẻ là do nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Nếu được khám, chẩn đoán xác định và điều trị tại cơ sở y tế uy tín ngay từ ban đầu, trẻ không gặp phải tình trạng đáng tiếc như trên.
Qua trường hợp này, BS Thạch khuyến cáo cha mẹ khi con bị ốm hay có vấn đề về sức khỏe cần đưa đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám với bác sĩ nhi khoa. Việc sử dụng thuốc cho con phải tuân theo chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ. Cha mẹ không tự ý mua thuốc cho con khi bị bệnh. Đặc biệt, bạn không áp dụng đơn thuốc của bé khác với dấu hiệu tương tự cho con, sử dụng thuốc không rõ nhãn mác, thành phần, nguồn gốc.