Gần đây, bên cạnh những vụ cháy gây thiệt hại lớn về người và tài sản, cũng có nhiều người đã thoát khỏi đám cháy an toàn nhờ vào sự thông minh, bình tĩnh...
Cháu bé 5 tháng tuổi được cho vào xô thả xuống thoát khỏi đám cháy: Sáng 29/8, một vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh xảy ra tại ngõ 171 Nguyễn Ngọc Vũ (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Khi phát hiện cháy, người phụ nữ nhanh chóng hô hoán cho mọi người biết, đồng thời cho cháu bé hơn 5 tháng tuổi vào xô nhựa thả dây từ tầng cao xuống thoát nạn. Đám cháy được dập tắt hoàn toàn vào sáng cùng ngày.
Gia đình 7 người may mắn thoát khỏi đám cháy: Rạng sáng 19/8, tại một căn nhà thuộc phường Tràng Cát, quận Hải An, Hải Phòng đã xảy ra cháy. Thời điểm xảy ra cháy mọi người đang ngủ, gia đình ông Phạm Văn Thái (56 tuổi) tá hỏa khi phát hiện lửa cháy lan ở khu vực cửa chính tầng 1. Ông Thái và con trai đã sử dụng 2 bình chữa cháy xách tay tự trang bị nhưng không dập được lửa. Thấy vậy, mọi người trong gia đình (5 người lớn, 2 trẻ em) đã thoát ra ngoài bằng đường cửa sau sang nhà hàng xóm.
Hàng xóm phá 'chuồng cọp' cứu 3 người mắc kẹt trong căn nhà cháy: Khoảng 5h30 sáng ngày 4/7, căn nhà 2 tầng ở đường TA 16, phường Thới An, quận 12, TP HCM, bất ngờ cháy lớn ở khu vực tầng trệt. Hàng xóm phát hiện vụ cháy đã lao đến đập cửa, hô hoán gọi người trong nhà và mang nhiều bình chữa cháy mini, kéo vòi nước đến dập lửa. Nghe tiếng tri hô cháy, gia đình trong nhà tỉnh dậy, tháo chạy ra ban công tầng 2 nhưng lối thoát này đã bị bịt kín bằng "chuồng cọp" sắt kiên cố. Nhiều người đã leo lên tầng 2 dùng xà beng cạy phá "chuồng cọp", kịp thời đưa cả gia đình 3 người thoát nạn an toàn.
5 người thoát khỏi đám cháy lúc rạng sáng: Khoảng 4h ngày 20/6, tại ngôi nhà có địa chỉ số 21 ngõ 249 đường Chiến Thắng, phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP Hà Nội đã xảy ra cháy. Thời điểm xảy ra vụ cháy, các thành viên trong gia đình đã phát hiện lửa sớm, tìm cách lên điểm cao nhất của ngôi nhà để tạm tránh sự nguy hiểm của ngọn lửa cũng như chờ lực lượng chuyên nghiệp cứu hộ. Lực lượng cảnh sát chữa cháy Công an quận Hà Đông đồng loạt triển khai phương án tiếp cận, hướng dẫn và cứu được 5 người trên mái xuống tầng 1 an toàn.
5 người trong một gia đình thoát khỏi đám cháy lớn nhờ lối thoát nạn thứ 2: Khoảng 5h ngày 17/5, người dân phát hiện tại nhà 44, ngõ 125 phố Vĩnh Phúc (Ba Đình, Hà Nội) bốc cháy dữ dội. Lúc này, trong nhà có 1 cụ già, 1 cặp vợ chồng và 2 bé trai. Thời điểm xảy ra vụ cháy, mọi người đã leo từ ban công tầng trên, men sang nhà hàng xóm để thoát hiểm trong gang tấc.
Tuy nhiên không phải ai cũng may mắn thoát nạn khi gặp cháy, vì vậy Bộ Công an đưa ra 4 khuyến cáo khi gặp hỏa hoạn: Đầu tiên, phải bình tĩnh tìm ngọn lửa và nơi bùng phát khói. Nếu đám cháy nhỏ, tìm cách chữa cháy bằng nước, bình chữa cháy, cát, chăn ướt. Nếu cháy quá lớn không thể dập lửa, bạn phải lập tức tìm cách thoát hiểm, hô hoán cho mọi người biết cùng chạy và gọi điện thoại đến số 114 để báo cháy. (Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Thứ hai, nhanh chóng xác định lối thoát hiểm hoặc trú ẩn an toàn. Khi cháy ngọn lửa bùng lên mạnh, bạn phải tìm để xác định lối ra an toàn khỏi căn nhà đang cháy. Thông thường, các lối thoát cháy ở nhà độc lập hoặc liền kề là lối ra cửa chính của căn nhà, lối ra cầu thang thoát nạn ngoài nhà từ các tầng, lối ra ban công, lối lên trên sân thượng hoặc mái nhà để thoát sang nhà liền kề. Với các căn hộ độc lập thì lối thoát nạn an toàn là qua cửa sổ, ban công khi có các thiết bị hỗ trợ như thang, cây, dây tự cứu hạ chậm,... (Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Khi thoát khỏi đám cháy, bạn không nên cố mang theo những đồ có giá trị hay tìm vật nuôi trong nhà. Đặc biệt, không nán lại để cố tìm hiểu nguyên nhân đám cháy. Bằng một cách nhanh, an toàn nhất có thể để ngắt cầu dao điện nơi xảy ra đám cháy bởi điện nổ sẽ làm đám cháy bùng phát nhanh hơn. Nếu lửa và khói chặn mất lối thoát nạn chính, ban đang ở tầng thấp thì có thể thoát ra ngoài qua đường cửa sổ hoặc ban công. Tuyệt đối không sử dụng thang máy khi xảy ra hỏa hoạn. (Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Trường hợp không thể ra ngoài, hãy tập hợp mọi người vào một phòng; sau đó ngăn khói và lửa vào qua cửa bằng cách chặn các khe hở quanh cửa bằng khăn trải giường, chăn, quần áo ướt hoặc băng dính. Khi trú cháy, không nên nấp dưới gầm giường hoặc phòng, tủ để đồ vì gây khó khăn cho lính cứu hỏa tìm kiếm. Hãy kêu cứu từ cửa sổ để người bên ngoài nghe thấy. (Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Cần đóng tất cả cánh cửa để ngăn cháy lan nhanh. Trước khi ra, bạn hãy đặt mu bàn tay lên cánh cửa, nếu thấy ấm thì không mở, nếu tay nắm cửa mát và không thấy khói quanh cửa thì có thể mở chậm và né mặt sang một bên đề phòng lửa tạt. Mở cửa mà thấy lửa bùng lên hay có khói xông vào phòng thì đóng cửa thật nhanh, chặt. (Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Thứ ba, hạn chế tối đa tiếp xúc với lửa hoặc khí độc. Khi di chuyển trong đám cháy, cần bình tĩnh, lấy khăn, áo ướt bịt mũi, miệng để không hít phải khói, khí độc. Giữ cơ thể ở vị trí thấp để tìm đường thoát hiểm, phòng bị nhiễm khói và tuyệt đối không xông qua đám cháy. Nếu quần áo bị cháy, đừng chạy, hãy dừng lại và lăn người vòng quanh để dập lửa. Không quay lại khi đã thoát ra ngoài được. Nếu bên trong còn có người mắc kẹt, hãy mô tả thật chi tiết để lính cứu hỏa tiếp cận và cứu người một cách nhanh nhất. (Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Thứ tư, nhà có lồng sắt cần trang bị búa, rìu, kìm cộng lực. Với các nhà dân, công trình có lồng sắt bảo vệ phía ngoài cần có ô cửa để thoát sang nhà bên cạnh khi xảy ra hỏa hoạn. Nếu không có sẵn các cửa thoát hiểm hãy chuẩn bị sẵn búa, rìu... để bẻ gãy thanh sắt khi cần thiết. (Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Xem thêm video: Hiện trường hai xe tải cháy trơ khung chỉ trong một đêm.