Bé 6 tuổi nguy kịch do sốc phản vệ sau khi dùng kháng sinh, chuyên gia chỉ rõ nhóm người này cần cảnh giác khi dùng thuốc
Sau khi dùng kháng sinh để ngăn chặn tình trạng viêm phổi, bệnh nhi đột ngột khó thở, nổi mề đay, nhịp tim nhanh, tụt huyết áp…
Vừa qua, các bác sĩ BV Nhi Đồng 2 TPHCM cho biết đã kịp thời cứu sống một trường hợp bị sốc phản vệ nghi do dùng kháng sinh.
Trước đó, bé N.V.S (6 tuổi, ngụ tại TPHCM) bị viêm phổi được điều trị tại một bệnh viện tuyến cơ sở. Trong quá trình điều trị, khi được bác sĩ cho sử dụng kháng sinh để ngăn chặn tình trạng viêm phổi, bệnh nhi đột ngột khó thở, nổi mề đay, nhịp tim nhanh, tụt huyết áp… Ngay lập tức, bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 với chẩn đoán sốc phản vệ nghi do kháng sinh.
Tại đây, qua thăm khám và thực hiện xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ xác định bệnh nhi bị sốc phản vệ nặng, tổn thương đa cơ quan, nguy kịch tính mạng. Các bác sĩ đã hội chẩn nhanh và quyết định đặt hệ thống tim phổi nhân tạo thông qua tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO) cho bệnh nhi. ECMO đưa máu ra bên ngoài cơ thể, sau đó loại bỏ cacbon dioxit và thêm oxy vào tế bào hồng cầu, giúp cải thiện tình trạng suy đa cơ quan ở bệnh nhi.
Các bác sĩ cho biết, đây là trường hợp phản ứng dị ứng cấp tính nặng và đe dọa trực tiếp tới tính mạng bệnh nhân.
Sau nhiều đợt điều trị, bệnh nhi từng bước vượt qua nguy kịch. Hiện nay, bé đã cai được ECMO, sức khỏe phục hồi gần như bình thường, đủ điều kiện xuất viện.
Phòng ngừa sốc phản vệ thuốc như thế nào?
– Nếu bạn có tiền sử dị ứng, hãy trao đổi thật kỹ với bác sĩ khi được kê đơn thuốc vì những người như bạn sẽ rất dễ bị dị ứng khi dùng thuốc.
– Khi đang tiêm thuốc, nếu thấy có những cảm giác khác thường như bồn chồn, hốt hoảng, sợ hãi, tê lưỡi.. hãy nói ngay với bác sĩ để ngừng tiêm và kịp thời xử lý như bị sốc phản vệ.
– Sau khi tiêm thuốc xong nên ở lại phòng tiêm khoảng 15-30 phút, không nên ra về ngay đề phòng sốc phản vệ xảy ra muộn hơn với tùy cơ địa từng người.
– Sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, đúng chỉ định.
– Khi ăn đồ ăn lạ, nên thử một lượng nhỏ để xét phản ứng của cơ thể. Chờ sau 24 giờ mới nên ăn lại nếu không thấy hiện tượng gì bất thường. Với những người có cơ địa dị ứng sẽ rất dễ bị sốc phản vệ do ăn uống những đồ có chất lạ.
Dấu hiệu cảnh báo cơ thể bị sốc phản vệ
Theo các chuyên gia y tế, sốc phản vệ thường có cảm giác chóng mặt, xây xẩm đứng không vững do hạ huyết áp, tay chân lạnh, vã mồ hôi; mạch nhanh nhẹ khó bắt; phát ban trên da; buồn nôn và nôn.
Khi có các dấu hiệu trên, bệnh nhân cần nhanh chóng nhập viện để được chẩn đoán sớm, xử trí đúng, kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng.