Bé bị dây rốn thắt nút chào đời bình an bằng sinh thường
Khi đã phát hiện dây rốn thắt nút, không có cách nào có thể tháo nút thắt này ra, công tác điều trị lúc này chỉ tập trung cho sự an toàn của thai nhi.
Bé mắc dây rốn thắt nút chào đời bình an
Ngày 27/5, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, bệnh viện vừa đỡ đẻ thành công cho thai nhi bị dây rốn thắt nút.
Trong quá trình mang thai, chị N.T.Q được chẩn đoán thai nhi bị thắt nút dây rốn. Nhờ sự hỗ trợ tận tình của các bác sĩ và nữ hộ sinh khoa Đẻ thường A2, em bé nặng 3300g đã chào đời an toàn bằng phương pháp sinh thường.
Dây rốn là sợi dây vô hình kết nối mẹ và bé, mang đến sự sống và nuôi dưỡng bé trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, khi dây rốn bị thắt nút, nguồn cung cấp oxy và dưỡng chất cho bé sẽ bị gián đoạn, nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của bé.
May mắn thay, em bé của mẹ Q. đã được các bác sĩ phát hiện kịp thời và có biện pháp xử lý phù hợp, giúp bé chào đời bình an. Đây là một lời nhắc nhở cho tất cả các mẹ bầu về tầm quan trọng của việc khám thai định kỳ để theo dõi sức khỏe của mẹ và bé, cũng như phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn trong thai kỳ.
BSCKI Bùi Chí Dũng, Khoa Phụ A5, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, dây rốn đóng vai trò vô cùng quan trọng, đây là đường dẫn khí oxy và các dinh dưỡng từ mẹ sang thai, đảm bảo em bé phát triển khỏe mạnh khi còn trong bụng mẹ. Khi dây rốn thắt thành một nút thắt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình mang thai và chuyển dạ. Khi tình trạng này xảy ra, thai nhi sẽ không được cung cấp các dưỡng chất cần thiết.
Mức độ nguy hiểm sẽ tùy thuộc vào tình trạng thắt lỏng hoặc chặt của dây rốn. Dây rốn thắt nút có thể thắt lỏng hoặc thắt chặt, mức độ nguy hiểm sẽ tùy thuộc vào tình trạng thắt nút của dây rốn. Nếu thắt lỏng thì thai sẽ ít bị ảnh hưởng hơn, ngược lại, nếu dây rốn thắt chặt thì tuần hoàn của thai nhi sẽ bị cản trở, em bé có thể tử vong ngay trong bụng mẹ.
Theo dõi cử động thai để phát hiện sớm
Theo BSCKI Bùi Chí Dũng, rất khó xác định chính xác thời điểm tạo thành hoặc hình ảnh dây rốn thắt nút trong thai kỳ của người mẹ, vì không phải lúc nào vị trí thắt nút cũng thuận lợi để quan sát trên máy siêu âm.
Vòng dây rốn có thể tạo thành từ rất sớm, lúc thai chỉ 9 - 12 tuần tuổi. Ở giai đoạn này, thể tích nước ối nhiều nên phòng tránh hiện tượng dây rốn thắt nút là điều rất khó. Lúc này thai nhỏ và dây rốn chưa dài nên bác sĩ có thể nhận biết thông qua việc xác định dây rốn bị cuộn vòng tròn. Càng ở tuần thai lớn hơn thì dây rốn dài hơn và em bé cũng lớn hơn, rất khó nhận biết được dây rốn đang cuộn vòng tròn hay đang thắt nút.
Dây rốn thắt nút là do trong quá trình thai nhi cử động, vô tình di chuyển qua các vòng cung của dây rốn tạo thành nút thắt. Có một số yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ dây rốn thắt nút như: Dây rốn quá dài; thai phụ đa ối; Kích thước thai nhi nhỏ; Thai nhi là bé trai (hiếu động); Thai phụ bị tiểu đường thai kỳ; Thai phụ mang song thai 1 túi ối; Thai phụ có chọc dò ối thai kỳ; Thai phụ từng sinh nhiều; Thai phụ dùng các chất kích thích khi mang thai.
Khi đã phát hiện dây rốn thắt nút, không có cách nào có thể tháo nút thắt này ra, công tác điều trị lúc này chỉ tập trung cho sự an toàn của thai nhi. Đa số trường hợp phải mổ bắt con càng sớm càng tốt trước khi suy thai xảy ra.
Nếu thắt nút dây rốn xảy ra trong quá trình chuyển dạ, thai nhi cần được giám sát, đo nhịp tim để phát hiện bất thường của nhịp tim thai. Hầu hết trường hợp dây rốn thắt nút cần phải sinh mổ, không thể sinh tự nhiên vì nguy cơ rất cao.
Theo BSCKI Bùi Chí Dũng, việc theo dõi cử động thai đóng vai trò quyết định trong công tác cấp cứu dây rốn thắt nút. Thai phụ nên đến khám ngay để đánh giá sức khỏe thai nếu phát hiện các dấu hiệu dây rốn thắt nút như: Thai nhi cử động thai ít hoặc yếu, bụng trồi, không tròn.
Đặc biệt, trong thai kỳ, thai phụ theo dõi cử động của thai nhi bằng monitor thường quy từ 36 tuần. Theo dõi sát tim thai trong chuyển dạ bằng máy monitor có thể phát hiện rất sớm trường hợp suy thai để đưa ra hướng xử trí kịp thời, giúp em bé sinh ra khỏe mạnh...