Bê bối bủa vây Boeing vì dự án thay thế Air Force One
Rắc rối xung quanh cuộc chiến pháp lý cũng như như việc chậm tiến độ bàn giao chuyên cơ Air Force One đang hủy hoại danh tiếng của nhà sản xuất máy bay Boeing.
Từ lâu, Air Force One là biểu tượng nổi bật cho sức mạnh của nước Mỹ, cũng như danh tiếng của Boeing - nhà sản xuất các thế hệ chuyên cơ tổng thống. Nhưng lúc này, những rắc rối xung quanh cuộc chiến pháp lý và việc chậm tiến độ bàn giao Air Force One đang hủy hoại danh tiếng của Boeing.
Boeing thông báo với Không quân Mỹ khả năng hai chiếc chuyên cơ 747-8 sẽ bị bàn giao chậm một năm so với dự kiến, theo Financial Times.
Rắc rối liên tiếp của Boeing
747-8 là máy bay phản lực 3 tầng. Để trở thành chuyên cơ tổng thống Mỹ, chúng được nâng cấp với một văn phòng làm việc dành cho tổng thống, khu phức hợp y tế để tiến hành phẫu thuật, cùng hai nhà bếp có khả năng phục vụ 100 hành khách.
Boeing cũng đề nghị Không quân Mỹ chi thêm tiền cho dự án Air Force One. Hợp đồng hiện có giá trị 3,9 tỷ USD. Chi phí ban đầu của dự án này là 5 tỷ USD, khi đó dự án vấp phải sự chỉ trích từ cựu Tổng thống Donald Trump là đắt đỏ "một cách lố bịch".
Lúc này, Boeing và nhà thầu GDC Technics đang khởi kiện lẫn nhau để xác định trách nhiệm bên nào có lỗi khiến dự án bàn giao chuyên cơ tổng thống chậm tiến độ.
Chậm trễ trong thực hiện dự án Air Force One khiến không ít nhà phân tích lo ngại, trong bối cảnh nhiều sản phẩm khác của Boeing vướng vào bê bối những năm qua.
Một loạt bê bối được kể ra như mảnh vỡ trong khoang nhiên liệu của máy bay vận tải KC-46, khoang phi hành gia Starliner không lên được trạm vũ trụ ISS, việc dừng bàn giao máy bay Boeing 787, hay thậm chí hai chiếc máy bay 737 Max gặp tai nạn kiến 346 người chết...
Vấn đề phát sinh với Air Force One càng khiến người ta có ấn tượng chung rằng "Boeing đang có bất cập nghiêm trọng trong quản lý và vận hành, cả mảng kinh doanh thương mại lẫn quân sự", Richard Aboulafia, phó chủ tịch tập đoàn công nghệ hàng không Teal Group, nhận xét.
"Hết rắc rối này lại đến rắc rối khác, đó là vấn đề, không chỉ riêng Air Force One. Nó khiến người ta phải đặt câu hỏi chuyện gì đang xảy ra với tổ chức kỹ thuật của họ", Ron Epstein, nhà phân tích tại Bank of America, nhận xét.
Người phát ngôn của Boeing cho biết công ty tập hợp 50.000 kỹ sư để nghiên cứu về vấn đề an toàn, đồng thời bổ nhiệm một chức danh đứng đầu bộ phận an toàn hàng không vũ trụ vào tháng 1.
Người này cho biết máy bay vận tải KC-46 đã bay hơn 4.000 chuyến cho Không quân Mỹ, trong khi NASA và Boeing đã thử nghiệm thành công phần mềm của Starliner cho chuyến bay thứ hai lên ISS.
Riêng dòng máy bay Max, Boeing hiện vẫn tiếp tục nhận được đơn đặt hàng từ các đối tác khắp thế giới.
Cuộc chiến pháp lý
Dù dự án Air Force One không mấy khi mang lại lợi nhuận, nó lại là con dấu bảo đảm uy tín cho Boeing.
Hai chiếc Boeing 747-200B phục vụ Tổng thống Joe Biden, với không gian rộng hơn 370 m2, có khả năng tiếp nhiên liệu trên không, được trang bị các thiết điện tử chống lại mọi gián đoạn bằng xung điện từ.
Hệ thống thông tin liên lạc trên hai chiếc chuyên cơ bảo đảm Air Force One có thể hoạt động như một trung tâm chỉ huy di động trong trường hợp nước Mỹ bị tấn công.
Hai chiếc Air Force One hiện nay bắt đầu được đưa vào sử dụng từ năm 1990. Hai chiếc thay thế chúng, máy bay Boeing 747-8, đang được tân trang và nâng cấp tại San Antonio, Texas.
Boeing ký hợp đồng với GDC Technics thiết kế và chế tạo nội thất mới cho hai chiếc máy bay, cũng như bảo dưỡng hai chiếc Air Force One hiện tại. Hai dự án có ký hiệu lần lượt là VC-25B và VC-25A.
Ngày 7/4 vừa qua, Boeing khởi kiện GDC Technics tại tòa án Texas, cáo buộc nhà thầu này chậm tiến độ sản xuất, không đáp ứng các thông số kỹ thuật như thiết kế. Ngoài ra, Boeing cho rằng GDC Technis không trả đủ tiền cho nhân viên và các nhà cung cấp thiết bị khác, dù nhận được hỗ trợ tài chính từ Boeing.
"Tình trạng bất ổn của GDC Technics đe dọa tới cam kết của Boeing với khách hàng (Không quân Mỹ) đối với hai dự án VC-25A và VC-25B. Vì vậy, Boeing không có lựa chọn nào khác ngoài hủy bỏ hợp đồng VC-25B và VC-25A", đơn kiện của Boeing cho biết.
Trong khi đó, GDC Technics cho rằng khó khăn tài chính của công ty này xuất phát từ việc Boeing vẫn còn nợ chưa thanh toán 20 triệu USD. GDC Technics khẳng định công ty này sẵn sàng trả lại Boeing nguyên vật liệu nếu Boeing trả tiền, nhưng nhà sản xuất máy bay từ chối.
GDC Technics cũng cáo buộc khâu quản lý chương trình Air Force One của Boeing có vấn đề.
"Chương trình VC-25B nói chung đã không theo đúng tiến độ hợp đồng trong 18 tháng trước đó, và GDC Technics đang chờ Boeing cung cấp tiến độ sửa đổi. GDC Technics không thể bị cưỡng ép tuân theo một lịch trình mà họ không có trong tay", đơn kiện của GDC Technics cho biết.
"Bởi những vấn đề trong kỹ thuật, quản lý và khó khăn về tài chính của riêng họ, Boeing chậm tiến độ trong kế hoạch dự án với chuyên cơ. GDC Technics đang bị họ lấy ra làm con dê tế thần", GDC Technics cáo buộc.
Ngày 26/4 vừa qua, GDC Technics nộp đơn xin bảo hộ phá sản và sa thải 223 nhân viên.