Bê bối của ông Trump thổi bùng tranh luận về giới hạn
Đối với các tác giả của Hiến pháp Mỹ, ít có mối đe dọa nào nghiêm trọng hơn chuyện tổng thống có quan hệ không trong sáng với nước ngoài. Vì thế, khi Hạ viện tiến hành điều tra cuộc điện đàm chuyện giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với lãnh đạo Ukraine, tâm điểm tranh luận quay về một trong những vấn đề xưa cũ nhất của nền dân chủ.
Đối thủ của ông Trump nhắc lại nỗi sợ hãi của các nhà lập quốc khi cáo buộc ông Trump phạm tội nghiêm trọng vì gây sức ép với Ukraine để điều tra đối thủ từ đảng Dân chủ, trong khi tạm dừng cấp viện trợ. Ông Trump cho rằng, việc luận tội ông sẽ xâm phạm khả năng của các tổng thống sau này khi thực hiện chính sách đối ngoại.
Khác với những cuộc tranh cãi xung quanh chuyện luận tội 3 tổng thống Mỹ trước đây là Andrew Johnson, Richard M. Nixon và Bill Clinton, cuộc tranh luận về ông Trump tập trung chủ yếu vào chuyện liệu một tổng thống có thể tìm kiếm hay chấp nhận sự giúp đỡ từ nước ngoài để thúc đẩy vận may chính trị của mình hay đâu là ranh giới giữa lợi ích quốc gia và lợi ích cá nhân.
Không lâu sau những tiết lộ gần đây nhất về chuyện ông Trump gây sức ép với Ukraine, Thượng nghị sĩ Christopher Murphy, thuộc đảng Dân chủ, lên án điều mà ông gọi là “những nỗ lực suy đồi của tổng thống nhằm gây sức ép lên nước khác để phục vụ chiến dịch tái tranh cử. “Sử dụng uy tín toàn cầu của Mỹ như một đồng xu trong sòng bạc, tìm kiếm lợi thế vì lợi ích chính trị của mình là sự lạm dụng quyền lực không thể tha thứ và hoàn toàn phớt lờ pháp quyền”.
Ông Trump giữ quan điểm rằng ông đang cố gắng ngăn chặn sự can dự trái phép của nước ngoài vào chính trị Mỹ bằng cách thúc ép Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky điều tra xem liệu người Ukraine có giúp phe Dân chủ trong cuộc cạnh tranh bầu cử tổng thống Mỹ 2016 hay không, và xem liệu có xảy ra những vấn đề tham nhũng nghiêm trọng liên quan cựu phó tổng thống ông Biden hay không. “Nếu một cuộc điện đàm hoàn hảo như vậy với Tổng thống Ukraine bị coi là không phù hợp thì không tổng thống nào sau này có thể nói chuyện với lãnh đạo nước khác nữa”, ông Trump viết trên Twitter hôm 27/9.
Thời gian làm tổng thống của ông Trump từ đầu nhiệm kỳ đến nay đều bị phủ bóng bởi những câu hỏi về quan hệ với nước ngoài.
Theo báo New York Times, người Mỹ đang tranh luận xem những hành vi như thế nào của tổng thống với nước ngoài thì bị coi là tội nghiêm trọng. Khi đang là một ứng viên tổng thống năm 1968, ông Richard Nixon bí mật tìm cách ngăn cản tiến trình đàm phán hòa bình với Việt Nam mà chính quyền Lyndon Johnson tiến hành nhằm tăng cơ hội thắng cử của mình. Chuyện đó diễn ra trước khi Nixon trở thành tổng thống, nên không trở thành một phần của các điều khoản luận tội trong vụ bê bối Watergate sau đó.
Ông Bill Clinton cũng rơi vào “làn đạn” sau vụ những người Trung Quốc có quan hệ với chính phủ ở Bắc Kinh rót khoản tiền lớn vào quỹ của phe Dân chủ trong chiến dịch tái tranh cử năm 1996. Nhưng tranh cãi đó nhanh chóng bị phủ bóng bởi vụ bê bối tình ái của ông Clinton với cô Monica Lewinsky.