Bê bối, quyền riêng tư và vấn đề an ninh
Ngày 26-6, Bộ trưởng Y tế Vương quốc Anh Matt Hancock nộp đơn xin từ chức sau khi tờ The Sun đăng tải hình ảnh từ camera an ninh cho thấy ông ôm hôn nữ phụ tá trong văn phòng của mình vào ngày 6-5, phá vỡ quy tắc phòng, chống COVID-19. Ông không phải là chính trị gia đầu tiên phải từ chức vì bê bối cá nhân.
Những vụ bê bối tình ái điên đảo chính trường
Tháng 10-2007, tờ National Enquirer xuất bản một bài báo cho rằng ông John Edwards duy trì một mối quan hệ ngoài hôn nhân với Rielle Hunter, một nhà làm phim 42 tuổi. Edwards lúc bấy giờ đang là ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng và vợ ông, bà Elizebeth đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư.
John Edwards bác bỏ thông tin nhưng đến tháng 8-2008 ông thú nhận mối quan hệ này. Và đương nhiên là cơ hội cho ông trở thành bạn đồng hành với Barack Obama trong phiếu bầu cũng vì thế mà tan thành mây khói.
Ngày 11-7-2007, ông Larry Craig, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, Mỹ bị bắt trong toilet của một sân bay. Ông bị kết tội có những hành động “không thích hợp” với một người đàn ông.
Lúc đó Craig nhận tội nhưng sau đó lại rút lời tại một cuộc họp báo khi khẳng định rằng mình không phải là người đồng tính. Cuối cùng, ông bị phạt 675 USD. Tháng 9 cùng năm, Craig từ chức thượng nghị sĩ và rời chiến dịch tranh cử của Mitt Romney, ứng cử viên đảng Cộng hòa vào chức vụ Tổng thống Mỹ.
Năm 2005, 3 tháng sau khi trở thành Giám đốc Ngân hàng Thế giới, Paul Wolfowitz buộc phải thông báo cho Hội đồng kỷ luật rằng ông có mối quan hệ với một nhân viên nữ cũng làm việc tại Ngân hàng Thế giới, đó là Shaha Riza.
Cô này được biệt phái sang làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ nhưng vẫn là nhân viên của Ngân hàng Thế giới. Tháng 4-2007, báo chí tiết lộ Wolfowitz tăng lương đáng kể cho nữ nhân viên này. Ban đầu, Wolfowitz bác bỏ cáo buộc đó và nhất định không từ chức nhưng tình hình ngày càng trở nên rõ ràng hơn, vì vậy Wolfowitz phải rời Ngân hàng Thế giới vào ngày 30-6-2007.
Vụ Monicagate xảy ra vào năm 1998. Sau khi bị kết tội có quan hệ với một thực tập sinh tại Nhà Trắng là cô Monica Lewinsky, Tổng thống Mỹ Bill Clinton thề là không có chuyện đó nhưng trước những bằng chứng được thẩm phán Kenneth Starr đưa ra, ông phải thú nhận mình đã nói dối. Cuối cùng, sau bao sóng gió, ông Bill Clinton vẫn giữ được chiếc ghế tổng thống của mình dù suýt bị đưa ra luận tội
Cựu Tổng thống Israel Moshe Katsav bị kết án tù 7 năm ngày 22-3-2011 vì một vụ việc khiến ông mất chức tổng thống năm 2007. Ông Katsav thừa nhận hiếp dâm một trợ lý thời ông còn là Bộ trưởng Bộ Du lịch Israel năm 1998, có hành động “không đứng đắn” và “quấy rối” 3 nhân viên cũ của mình tại Bộ Du lịch và ngay cả sau khi ông trở thành tổng thống vào năm 2000...
Nguy cơ an ninh nhìn từ bê bối của Bộ trưởng Hancock
Chính phủ Anh tuyên bố mở cuộc điều tra liên quan đến đoạn clip trên. Bên cạnh đó, Văn phòng Nội các Anh có thể tham vấn Cơ quan An ninh (MI5) nhằm xác định liệu vụ cài camera trong văn phòng bộ trưởng có phải một vụ rò rỉ liên quan an ninh quốc gia. Trên Twitter, ông David Videcette, cựu thám tử từng chỉ đạo vụ điều tra sự kiện đánh bom liên hoàn ở London ngày 7-7-2005, đã phân tích những hình ảnh cho thấy camera nhiều khả năng được cài vào thiết bị báo cháy sát văn phòng của ông Hancock.
“Nếu một người có thể dễ dàng cài camera và nhìn lén văn phòng một bộ trưởng, đây là vấn đề an ninh nghiêm trọng, lần sau có thể là bom”, ông Videcette cảnh báo. Trong khi đó, cựu cảnh sát Dai Davies gọi vụ việc là “vấn đề an ninh quốc gia thực sự nghiêm trọng”. “Nếu một người có thể chụp cảnh tượng như thế này trong văn phòng bộ trưởng, vậy thì họ còn có thể nhìn thấy gì nữa? Tài liệu mật của chính phủ chăng? Sở Cảnh sát London phải nhanh chóng mở cuộc điều tra”, Davies nói.
Tổ chức An ninh Chính phủ Anh, chịu trách nhiệm an toàn cho 800 tòa nhà ở khu hành chính ở London, đã được đề nghị mở cuộc điều tra vụ việc và người chịu trách nhiệm thực hiện dự kiến là ông Alex Chisholm, Thư ký thường trực của Văn phòng Nội các Anh. Vụ rò rỉ làm dấy lên lo ngại lớn hơn rằng nhất cử nhất động của các bộ trưởng, thậm chí cả tài liệu mật có thể bị theo dõi từ xa và rơi vào tay các thế lực muốn đối phó nước này.
Tổ chức Henry Jackson (trụ sở tại London), chuyên tư vấn về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia, kêu gọi Sở Cảnh sát London và MI5 cần nhanh chóng mở cuộc điều tra. Tiến sĩ Alan Mandoza của Tổ chức Henry Jackson cho biết nếu xét về khía cạnh an ninh quốc gia, lẽ ra không thể dễ dàng cài thiết bị ghi hình ở trụ sở của Chính phủ Anh.
“Trước mức độ nghiêm trọng của vụ việc, phía an ninh cần phải nhanh chóng tiến hành rà soát và kiểm tra toàn bộ văn phòng các bộ trưởng để tìm những thiết bị ghi âm và nghe lén”, báo The Times dẫn lời ông Mandoza.
Các chuyên gia cũng cho rằng dựa trên mức độ phức tạp và nghiêm trọng của vụ việc, giới chức Anh cần phải tìm hiểu ngay liệu vụ quay lén chỉ là hành động của một cá nhân, hay là tình báo của một thế lực nước ngoài.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/be-boi-quyen-rieng-tu-va-van-de-an-ninh-i618523/