Bê bối tình dục phía sau sứ mệnh của các cơ quan Liên Hợp Quốc
Bê bối mới nhất của WHO tại CHDC Congo không phải là lần đầu tiên một cơ quan của Liên Hợp Quốc phải đối mặt và xử lý các cáo buộc về tình dục ở những nơi họ làm nhiệm vụ.
Lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói họ cảm thấy “đau lòng” sau khi một cuộc điều tra độc lập do tổ chức này ủy quyền cho biết nhiều phụ nữ và trẻ em gái đã bị xâm hại tình dục bởi nhân viên cứu trợ trong đợt bùng phát dịch Ebola vào các năm 2018-2020 ở CHDC Congo, Guardian đưa tin ngày 28/9.
Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti cho biết bà cảm thấy “xấu hổ, kinh hoàng và đau lòng”.
"Tôi xin lỗi vì những gì xảy ra với bạn gây ra bởi những người do WHO tuyển dụng có trách nhiệm phục vụ và bảo vệ bạn”, tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, gửi lời tới các nạn nhân. “Tôi lấy làm tiếc khi bạn phải hồi tưởng lại ký ức đó khi nói chuyện với ủy ban điều tra về những gì đã xảy ra. Cảm ơn vì sự dũng cảm đó”.
Nhắm tới phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế bấp bênh
Việc lạm dụng tình dục ở CHDC Congo xảy ra trong đợt bùng phát dịch Ebola ở tỉnh Bắc Kivu và Ituri - khu vực bất ổn chính trị và xung đột vũ trang khiến 2.280 người đã thiệt mạng chỉ trong hai năm.
Nhóm điều tra đã lấy được danh tính của 83 người bị cáo buộc, trong đó có công dân Congo và người nước ngoài. Với 21 nhân viên của WHO, nhóm đã xác định chắn chắn chuyện này xảy ra trong khoảng thời gian họ tới CHDC Congo trợ giúp ứng phó với dịch Ebola. Một số thủ phạm còn là nhân viên có nhiệm vụ ngăn chặn việc bóc lột và lạm dụng tình dục.
Ủy ban điều tra đã phỏng vấn khoảng 80 phụ nữ và trẻ em gái từ 13 đến 43 tuổi. Theo báo cáo, 29 trường hợp đã mang thai.
Ban hội thẩm đã công bố kết luận vào ngày 28/9. Kết luận có sau vài tháng báo chí đưa tin ban lãnh đạo WHO đã nhận thông báo khiếu nại từ năm 2019. Tuy nhiên, họ không ngăn chặn hành vi quấy rối, thậm chí còn thăng chức cho một trong những người quản lý có liên quan.
Một số nguồn tin từ cuộc họp kín có sự tham gia của WHO cho biết 4 người hiện đã bị sa thải, 2 người bị cho đình chỉ hành chính.
Điều tra viên phát hiện ra hầu hết nạn nhân đều thuộc nhóm “dễ bị tổn thương”, thường là phụ nữ trẻ có hoàn cảnh kinh tế bấp bênh.
"Rất ít người trong số họ hoàn thành chương trình giáo dục trung học, một số chưa bao giờ đặt chân tới trường", New York Times trích dẫn báo cáo.
Những nhân viên bị cáo buộc đã yêu cầu nạn nhân quan hệ tình dục để đổi lấy hợp đồng lao động, đe dọa sinh kế nếu nạn nhân từ chối.
"Để thăng tiến trong công việc, bạn phải quan hệ tình dục", báo cáo nêu câu chuyện của Nadira - người làm việc ở Beni với tư cách nhân viên lưu trữ. "Mọi người lấy tình dục để đổi một thứ gì đó. Tôi thậm chí còn được đề nghị đổi một chậu nước để tắm rửa trong căn cứ tôi ở”.
Không chỉ vậy, một số trường hợp còn bị tấn công tình dục.
Một nạn nhân có tên “Jolianne” - người trẻ nhất trong số các nạn nhân - kể lại một tài xế của WHO đã đề nghị chở cô về nhà khi cô bán thẻ điện thoại ven đường ở thị trấn Mangina vào tháng 4/2019.
Tuy nhiên, “anh đã đưa cô tới một khách sạn, sau đó có hành vi cưỡng hiếp cô”, báo cáo cho biết.
Thành viên trong hội đồng điều tra, Malick Coulibaly, cho biết có tổng cộng 9 cáo buộc hiếp dâm. Những phụ nữ kể lại thủ phạm không sử dụng biện pháp tránh thai, dẫn đến một số trường hợp mang thai. Những người đàn ông này đã buộc một vài người phụ nữ phải phá thai.
Một số phụ nữ bị bạo hành bởi các nhân viên WHO hy vọng những người liên quan sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Những người khác thì cho biết việc kỷ luật này sẽ là một chặng đường dài hướng tới việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ.
“Tôi đã chờ đợi thời khắc quan trọng này để xem WHO sẽ xử phạt như thế nào”, Anifa - người nhận được lời mời đổi tình dục lấy việc làm - cho biết. "Chúng tôi muốn công lý được thực thi".
Julie Londo - thành viên của Liên minh Phụ nữ Truyền thông Congo, một tổ chức hoạt động chống nạn cưỡng hiếp và lạm dụng tình dục ở Congo - hoan nghênh hành động của WHO. Tuy nhiên, bà cho rằng cần phải xử lý nhiều hơn nữa.
“WHO cần phải nghĩ tới chuyện đền bù thiệt hại cho những người phụ nữ bị tổn thương hay hàng chục trẻ em mang thai ngoài ý muốn bởi các vụ hãm hiếp”, bà nói. “Có hàng chục cô gái ở Butembo và Beni từng có thai với bác sĩ trong thời kỳ dịch Ebola, nhưng đã bị gia đình đuổi đi do có con với người nước ngoài. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu để chấm dứt những vụ lạm dụng như thế này”.
Không phải là bê bối đầu tiên
Đây không phải là vụ bê bối lạm dụng tình dục đầu tiên mà một cơ quan của Liên Hợp Quốc phải đối mặt trong những năm gần đây.
Một báo cáo năm 2019 cho thấy lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ở Haiti bị cáo buộc là cha của hàng trăm trẻ em, sau đó bỏ rơi họ, theo Washington Post.
Nhóm nghiên cứu đã khảo sát 2.500 người Haiti tại khu vực có sự xuất hiện của Phái bộ Ổn định Liên Hợp Quốc tại Haiti, còn được gọi là Minustah. Trong số đó, khoảng 265 người đã kể câu chuyện về những đứa trẻ có cha là nhân viên Liên Hợp Quốc, sau đó bỏ rơi khiến các bé gái phải tự nuôi con trong điều kiện nghèo khó cùng cực.
Một số người kể lại rằng có trường hợp bị cưỡng hiếp hoặc bạo lực tình dục, hoặc quan hệ tình dục để đổi lấy tiền và thức ăn. Báo cáo liên quan đến nhân sự của Liên Hợp Quốc từ 13 quốc gia, phần lớn từ Brazil và Uruguay.
Không chỉ vậy, vào năm 2016, phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc đến Cộng hòa Trung Phi vào năm 2014 cũng dính phải bê bối gây rúng động tương tự, khi lạm dụng 42 thường dân, hầu hết là trẻ em gái vị thành niên.
Ngay cả trước khi nhiệm vụ bắt đầu, quân đội Pháp đã nhận cáo buộc lạm dụng tình dục một số trẻ em địa phương.
Tại thời điểm đó, ít nhất 4 binh sĩ người Gabon, Morocco, Burundi và Pháp bị buộc tội trả tiền cho các bé gái mới 13 tuổi để quan hệ tình dục tại trại M'poko, gần sân bay quốc tế ở thủ đô Bangui. Đường dây mại dâm chào mời các cô gái "với giá từ 50 xu đến 3 USD".
Khu phố Castors là một minh chứng cho thấy lực lượng này "trơ trẽn" ra sao. Người dân nói rằng vào ban ngày, quân đội đi quanh khu phố để tìm kiếm các cô gái. Vào ban đêm, họ lẻn ra ngoài để đưa những cô gái vào căn phòng thuê hoặc nhà hoang, có khi vào doanh trại. Nhân chứng kể lại quân đội Morocco đã lấp lỗ hổng trên bức tường bao quanh căn cứ để tránh bị phát hiện.
"Tại thời điểm đó, không có cách nào để có được thức ăn và tiền", Rosine Mengue - người nhận được số tiền tương đương 4 USD sau 2 lần gặp gỡ với một người lính, lúc đó 16 tuổi - nói với Washington Post. "Họ hứa sẽ giúp nếu tôi ngủ với họ".
Sau những bê bối lạm dụng tình dục ở nhiều quốc gia châu Phi, Liên Hợp Quốc đã tiến hành các cuộc điều tra nội bộ và cải tiến chương trình đào tạo.
Phát biểu về bê bối của WHO tại CHDC Congo, tiến sĩ Tedros cho biết ứng phó với dịch Ebola năm 2018-2020 “là một hoạt động lớn và phức tạp, đòi hỏi tuyển dụng quy mô lớn nhân sự trong nước và quốc tế".
“Chúng tôi lẽ ra phải có những biện pháp mạnh mẽ để sàng lọc ứng viên và đảm bảo quy trình nhân sự hiệu quả hơn”, ông nói. Ông Tedros hứa sẽ "cải cách toàn diện chính sách và quy trình để giải quyết vấn đề bóc lột và lạm dụng tình dục".