'Bệ đỡ' cho kinh tế Mỹ
Kinh tế Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2024, mặc dù với tốc độ chậm hơn đáng kể. Fed có thể hạ lãi suất khi lạm phát chậm lại và điều này sẽ hỗ trợ nền kinh tế.
Bộ Thương mại Mỹ đã công bố số liệu cho thấy nền kinh tế nước này tăng trưởng 3,1% trong năm ngoái. Thị trường lao động kiên cường đã duy trì khả năng chi tiêu của tiêu dùng và dập tắt nỗi lo suy thoái kinh tế.
Theo The Wall Street Journal, kinh tế Mỹ đã không rơi vào suy thoái kinh tế trong năm 2023 nhờ chi tiêu tiêu dùng.
* Khả năng "hạ cánh mềm" trong tầm tay
Một năm trước, các nhà kinh tế tin rằng nền kinh tế Mỹ có khả năng rơi vào suy thoái và dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 chỉ ở mức 0,2%. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ năm 2023 đã tăng trưởng với tốc độ cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng 0,7% của năm 2022.
Nhờ chi tiêu tiêu dùng và chi tiêu công, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 3,3% trong quý IV/2023, sau khi điều chỉnh các yếu tố mùa vụ và lạm phát. Mặc dù đã chậm lại so với mức 4,9% trong mùa Hè nhưng mức tăng trưởng của quý cuối năm ngoái vẫn là tốc độ tăng trưởng tốt.
Tình hình nền kinh tế Mỹ trong quý IV/2023 rất giống một cuộc "hạ cánh nhẹ nhàng" mà các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang thúc đẩy. Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ với gần 500.000 việc làm mới được bổ sung và lạm phát hàng năm giảm xuống 1,7%, dưới mục tiêu lạm phát 2% của Fed.
Tăng trưởng kinh tế tốt hơn mong đợi phần lớn là nhờ người tiêu dùng có nguồn tài chính khả dụng cho chi tiêu, thay vì thắt chặt chi tiêu. Trong năm 2023, người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho việc chăm sóc sức khỏe, ăn uống bên ngoài và mua ô tô. Doanh số bán hàng dịp lễ tốt hơn mong đợi. Chi tiêu cho nhà ở sau khi điều chỉnh theo lạm phát được duy trì ở mức bằng với năm 2022.
Niềm tin vào nền kinh tế đã tăng lên khi tiền lương tăng nhanh hơn mức tăng giá. Theo Đại học Michigan, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng tăng 29% từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1991. Người tiêu dùng kỳ vọng lạm phát sẽ thấp hơn nhiều so với dự kiến chỉ vài tháng trước.
Công ty sản xuất hàng tiêu dùng khổng lồ Procter & Gamble đã báo cáo kết quả kinh doanh khả quan, phản ánh sự tăng trưởng nhờ giá cao hơn và doanh số bán tăng. Các hãng hàng không như Delta và JetBlue báo cáo kết quả tốt cho mùa du lịch dịp nghỉ lễ.
Sự gia tăng chi tiêu của chính phủ, đặc biệt là của chính quyền tiểu bang và địa phương, và sự thúc đẩy từ thương mại quốc tế cũng đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2023. Tốc độ tăng trưởng đầu tư của doanh nghiệp trong năm 2023 chậm lại so với năm trước.
Nhà kinh tế quốc tế trưởng tại ING James Knightley, nhận định 2023 là một năm tăng trưởng kinh tế rất mạnh mẽ. Ông đã cho rằng người tiêu dùng sẽ dễ bị tổn thương, nhưng thực tế không phải như vậy.
Kinh tế Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2024, mặc dù với tốc độ chậm hơn đáng kể. Các nhà kinh tế cho rằng Fed có thể sẽ hạ lãi suất khi lạm phát chậm lại, và điều này sẽ hỗ trợ nền kinh tế trong năm nay.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ này có thể bị hạn chế do hoạt động tuyển dụng chậm lại và gây áp lực lên những người Mỹ đã cạn kiệt tiền tiết kiệm sau đại dịch.
Các quan chức Fed có thể sẽ giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức cao nhất trong 22 năm tại cuộc họp vào tuần này và đã dự báo sẽ có 3 lần cắt giảm lãi suất vào năm 2024.
* Dấu hiệu căng thẳng
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy tiêu dùng và nền kinh tế tổng thể sẽ không thể duy trì đà tăng trưởng nhanh như vậy. Các nhà kinh tế dự báo chi tiêu của người tiêu dùng sẽ hạ nhiệt và tốc độ tăng trưởng sẽ giảm xuống mức 1% trong năm nay.
Bốn ngân hàng lớn ở Mỹ đều công bố mức chi tiêu thẻ tín dụng trong năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm trước, đồng thời cho biết chu kỳ để người tiêu dùng trả số dư của họ đang kéo dài. Tỷ lệ nợ quá hạn đang tăng lên. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân tiếp tục giảm xuống mức 4%. Trong thập kỷ trước đại dịch COVID-19, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân hiếm khi giảm xuống dưới 5%.
Nhà kinh tế trưởng tại AC Cutts & Associates, Amy Crews Cutts, cho biết một số người tiêu dùng có thể tiếp tục chi tiêu nhờ đi vay và không tiết kiệm cũng như đầu tư cho tương lai.
Anh Zachary Neeley, 25 tuổi, đã mở một lớp dạy kèm ngoài giờ ở Sugar Land, Texas, trong thời gian bùng phát dịch và đăng ký kinh doanh vào năm ngoái. Có thời điểm, anh có kế hoạch cung cấp nhiều dịch vụ hơn như cắm trại nhiều buổi và luyện thi tiêu chuẩn.
Một số kế hoạch mở rộng đó, bao gồm cả khả năng tìm kiếm một địa điểm thực tế, đã bị tạm dừng do nhu cầu không chắc chắn trong những tháng tới. Trong khi khách hàng bày tỏ sự hài lòng với dịch vụ này, một số người nói rằng họ cảm thấy việc học thêm là một khoản chi phí bổ sung không thể chi trả được.
Anh Neeley cho biết, học thêm là một trong những khoản chi bị cắt giảm trong kế hoạch chi tiêu nhưng anh vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn của hoạt động kinh doanh và các kế hoạch mở rộng hoạt động này.
Các dấu hiệu khác cho thấy nền kinh tế Mỹ tuy không suy thoái nhưng đang chậm lại. Một số nhà sản xuất đã báo cáo sản lượng giảm nhẹ trong những tháng gần đây và một số công ty lớn đã tuyên bố sa thải nhân viên.
Sau nhiều năm giá tăng ổn định và tác động được chuyển vào giá bán, các công ty không chắc có thể giữ được quyền định giá đến mức nào. Hoạt động mua hàng đã chậm lại đối với một số công ty thực phẩm và đồ ăn nhẹ, bao gồm cả Conagra, và công ty này đã bắt đầu giảm giá một số mặt hàng.
* Các yếu tố hỗ trợ trong tương lai?
Triển vọng Fed hạ lãi suất trong tương lai gần đã khiến cổ phiếu tăng giá trong những tháng gần đây, trong khi chi phí tài chính giảm có thể tiếp thêm năng lượng cho hoạt động đầu tư của hộ gia đình và doanh nghiệp vào cuối năm nay.
Thị trường lao động hạ nhiệt và tiến triển trong việc kiềm chế lạm phát khiến các nhà đầu tư muốn biết khi nào Fed có thể bắt đầu hạ lãi suất cơ bản.
Theo CME Group, hầu hết các nhà đầu tư đều kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 5/2024.
Sau một năm ảm đạm nhất trong nhiều thập kỷ, hoạt động mua nhà đã tăng lên do lãi suất thế chấp giảm. Theo Hiệp hội Ngân hàng Thế chấp, số đơn đăng ký thế chấp để mua nhà được điều chỉnh theo mùa đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7 năm ngoái trong tuần kết thúc vào ngày 12/1.
Trong khi các quan chức Fed cho biết sẽ chưa cắt giảm lãi suất cho đến khi tin chắc rằng áp lực lạm phát vẫn được duy trì, thì thị trường lại chuyển sự chú ý sang sự tăng trưởng có thể xảy ra sau khi cắt giảm lãi suất.
Nhà kinh tế trưởng về Mỹ tại Oxford Economics, Ryan Sweet, cho rằng nếu Fed muốn nền kinh tế hạ cánh mềm thì sẽ phải nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay”.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/be-do-cho-kinh-te-my/322606.html