Bé gái 4 tuổi ở Trảng Bom tử vong do bệnh ho gà

Trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận một trường hợp tử vong do bệnh ho gà. Đây là trường hợp rất đáng báo động.

Bệnh ho gà hiện đã có vaccine dự phòng. Phụ huynh cần lưu ý lịch tiêm chủng của trẻ để tiêm chủng đầy đủ, tránh những hậu quả đáng tiếc.

Bệnh diễn tiến nhanh

Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ nhỏ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: Hạnh Dung

Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ nhỏ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: Hạnh Dung

Theo báo cáo của Trung tâm y tế huyện Trảng Bom, trường hợp tử vong là bé gái N.T.Y.N., 4 tuổi, ngụ xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom. Bé N. sau khi sinh đã được tiêm 2 mũi vaccine lao và viêm gan B tại bệnh viện.

Ngày 19-12-2024, bé N. có dấu hiệu ho nhưng gia đình vẫn cho ở nhà với mẹ. 4 ngày sau, bé vẫn ho nên được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khám, cho thuốc về nhà uống và theo dõi.

Đến ngày 25-12-2024, bé ho nhiều, khó thở tăng dần. Gia đình đưa bé lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khám, được bác sĩ cho nhập viện để theo dõi và được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp/hen phế quản nặng/nhiễm trùng huyết/theo dõi ho gà.

Ngày 26-12-2024, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chuyển bé lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh để theo dõi. Tại đây, bé được lấy mẫu xét nghiệm và chẩn đoán mắc bệnh ho gà. Bệnh nhi được nằm điều trị đến ngày 31-12-2024.

Ngày 1-1-2025, bé gái tử vong tại bệnh viện Nhi Đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh.

Qua điều tra dịch tễ ban đầu của Trung tâm y tế huyện Trảng Bom và trạm y tế xã Hố Nai 3 ghi nhận thông tin từ gia đình cho thấy, trước khi khởi phát bệnh, bé gái ở nhà với mẹ, không đi học hay gửi ở nhóm trẻ nào tại địa phương. Ở nhà, bé có tiếp xúc gần với cha, mẹ, chị gái, em gái mới sinh và hai người hàng xóm ở dãy trọ.

Gia đình bé gái cũng cho hay, do bận công việc nên không có thời gian để đưa con đi tiêm phòng và cũng không nhớ lịch sử tiêm phòng của con mình. Do gia đình di chuyển nhiều chỗ ở nên đã làm thất lạc các loại giấy tờ, sổ tiêm chủng. Trên hệ thống phần mềm tiêm chủng cũng không có thông tin của bé Y.N.

Trường hợp bé gái N.T.Y.N. là ca tử vong đầu tiên do bệnh ho gà trên địa bàn tỉnh trong năm 2025.

Điều trị dự phòng bằng thuốc kháng sinh với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân

Ngay sau khi xác định trường hợp bé gái tử vong do bệnh ho gà, Trung tâm y tế huyện Trảng Bom đã điều tra, xác định các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân, đặc biệt các thành viên trong gia đình. Tất cả các trường hợp này phải điều trị một đợt kháng sinh. Tiến hành tiêm vaccine ho gà (DPT) cho các trường hợp dưới 6 tuổi chưa được tiêm chủng đầy đủ hoặc chưa được tiêm bổ sung. Theo dõi các trường hợp này trong vòng 3 tuần.

Trung tâm y tế huyện Trảng Bom đề nghị Trạm y tế xã Hố Nai 3 phối hợp với UBND xã Hố Nai 3 truyền thông cho người dân biết về bệnh ho gà. Đồng thời, thông báo để người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ. Rà soát đối tượng quản lý trong độ tuổi tiêm chủng trên địa bàn xã để tổ chức tiêm bù, tiêm vét, tránh bỏ sót đối tượng. Tiến hành phun thuốc khử khuẩn xung quanh nhà bệnh nhân và những khu vực có liên quan.

Tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm do Bộ Y tế tổ chức mới đây, ông Nguyễn Lương Tâm, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong năm 2024, cả nước ghi nhận 1.074 trường hợp mắc bệnh ho gà, 1 ca tử vong. So với năm 2023, số ca mắc bệnh ho gà cao gấp 21,9 lần. Trong khi đó, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ chỉ đạt 84,2%. Nhiều người dân vẫn còn chủ quan, lơ là trong phòng bệnh. Đặc biệt, có hiện tượng anti vaccine dẫn đến nhiều trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ nhiều loại vaccine.

Tại Đồng Nai, trong năm 2024 cũng đã ghi nhận 22 ca mắc bệnh ho gà tại thành phố Biên Hòa, huyện Định Quán, Long Thành, Trảng Bom, Xuân Lộc, tăng 22 ca so với năm 2023. Ngành y tế Đồng Nai cũng đã nhiều lần cảnh báo trong cộng đồng có tồn tại vi khuẩn ho gà, vì thế người dân cần chủ động phòng bệnh bằng cách đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ. Nếu vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng thiếu, có thể đưa trẻ đi tiêm vaccine dịch vụ tại các trung tâm tiêm chủng trong tỉnh.

Dấu hiệu nhận biết bệnh ho gà

Những triệu chứng của bệnh ho gà. Ảnh: VNVC

Những triệu chứng của bệnh ho gà. Ảnh: VNVC

Ho gà là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan nhanh qua đường hô hấp, bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ em.

Các triệu chứng ho gà thường xuất hiện trong vòng 7-10 ngày sau khi nhiễm bệnh. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho gà rất đặc trưng, trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy.

Bệnh ho gà dẫn đến những biến chứng như: suy hô hấp, viêm phổi, thiếu oxy não, viêm não, xuất huyết kết mạc, thậm chí dẫn đến ngừng thở và tử vong.

Đa phần trường hợp bệnh nặng tập trung ở trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt dưới 12 tháng tuổi. Người lớn bị ho gà thường xuất hiện các triệu chứng ho không quá đặc biệt khiến lầm tưởng là những đợt ho thông thường và trở thành nguồn lây nhiễm chính cho trẻ nhỏ trong nhà.

Bệnh ho gà có thể được dự phòng bằng tiêm vaccine. Cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine phòng bệnh ho gà đầy đủ, đúng lịch. Mũi thứ nhất tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi; mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ nhất 1 tháng; mũi thứ 3 tiêm sau mũi thứ hai 1 tháng; mũi thứ 4 tiêm khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.

Để chủ động phòng bệnh cho trẻ nhỏ trước khi bước vào độ tuổi tiêm chủng, các bà mẹ có thể tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh uốn ván - bạch hầu - ho gà trong thời gian mang thai.

Ngoài tiêm vaccine, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh ho gà như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; hạn chế để trẻ đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc với những người bị bệnh đường hô hấp, đặc biệt là người bệnh ho gà.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/y-te/202501/nong-be-gai-4-tuoi-o-trang-bom-tu-vong-do-benh-ho-ga-4a32b12/