Bé gái chào đời, tay nắm chặt vòng tránh thai của mẹ
Bé gái 3,2kg chào đời tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cùng với chiếc vòng tránh thai mà người mẹ đã đặt cách đây 2 năm.
Mặc dù việc mang thai không nằm trong kế hoạch, nhưng chị V.T.T.H (35 tuổi, Vĩnh Phúc) đã có một thai kỳ an toàn. Ca sinh diễn ra thành công dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.
"Vòng tránh thai nằm bên ngoài túi ối, không gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi", Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Trần Ngọc Đính, Trưởng khoa Tự nguyện (D5), cho hay.
Vòng tránh thai là một dụng cụ nhỏ được đặt vào lòng tử cung của phụ nữ, giúp tránh thai kéo dài trong nhiều năm. Hai loại thông dụng hiện nay là vòng hình chữ T và hình cánh cung, có quấn đồng.
Cơ chế tác dụng chính của vòng tránh thai là gây ra phản ứng viêm tại niêm mạc tử cung, làm thay đổi về cấu trúc sinh hóa tế bào nội mạc, không tạo điều kiện để trứng thụ tinh làm tổ trong tử cung.
Vòng tránh thai là phương pháp tránh thai phổ biến, tuy nhiên không phải là tuyệt đối. Có nhiều yếu tố có thể làm giảm hiệu quả của vòng, như vòng di chuyển, hư hỏng hoặc các vấn đề về sức khỏe của người phụ nữ.
Các phương pháp tránh thai đều có ưu/nhược điểm riêng, để lựa chọn phương pháp tránh thai tối ưu và phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe, bác sĩ khuyên phụ nữ nên đến bệnh viện chuyên khoa để được tư vấn kỹ.
Sau một tháng đặt vòng tránh thai, phụ nữ cần tái khám để xác định vòng đã đặt đúng vị trí và khám định kỳ mỗi 6 tháng. Trường hợp để vòng quá hạn hay vòng đi lạc chỗ sẽ có nguy cơ biến chứng gây ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản.