Bé lớp 1 phải nhìn các bạn liên hoan do không đóng quỹ lớp: Chuyện lý, tình của quỹ lớp, quỹ trường
Câu chuyện về việc một học sinh lớp 1 duy nhất trong số 32 học sinh của lớp không có suất ăn liên hoan cuối năm do phụ huynh không đóng quỹ lớp đang khiến cộng đồng mạng và các bậc phụ huynh rất quan tâm. Chưa rõ ai đúng, ai sai, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nên xem xét lại việc đóng quỹ phụ huynh trong các năm học.
31/32 học sinh có suất ăn liên hoan cuối năm, 1 bé ngồi nhìn?
Theo nội dung câu chuyện được chia sẻ trên các diễn đàn mạng xã hội, cả lớp có 32 em học sinh, thì 31 em sinh có suất ăn trong buổi liên hoan chia tay lớp 1, chỉ duy nhất 1 em không có suất ăn này, bởi lý do mẹ không đóng quỹ hội phụ huynh.
Tin nhắn của một phụ huynh khác trong lớp
Đính kèm các đoạn tin nhắn, người mẹ này thể hiện sự bức xúc của mình: “Quỹ lớp thì tôi đóng chứ quỹ Hội tôi không đóng. Lý do là bởi khoản phí này không bắt buộc, ai thích thì đóng. Thế mà 31 học sinh trong lớp ăn liên hoan, lại thêm cả cô giáo chủ nhiệm và cô tiếng anh cùng 3 phụ huynh phát suất ăn, vậy mà để mình con tôi trơ mắt nhìn mọi người liên hoan trong vui vẻ".
Được biết, lớp có 2 loại quỹ là quỹ lớp và quỹ phụ huynh nhưng người mẹ này chỉ tham gia quỹ lớp cho con vì cho rằng, quỹ phụ huynh là không ép buộc, ai thích đóng thì đóng.
Lớp 32 học sinh thì 31 em đóng tiền quỹ phụ huynh là 100.000 đồng/em. Theo như chia sẻ trong các đoạn chat, quỹ lớp dùng để mua sách vở động viên học sinh, quỹ này khi tới cuối năm đã không còn đủ nữa rồi và tiền liên hoan cho lớp được lấy ra từ quỹ phụ huynh. Vì không tham gia quỹ, con của phụ huynh này không có suất ăn như các bạn.
Bảng quyết toán ghi rõ chỉ có 31 suất liên hoan cuối năm
Sau khi đăng tải, câu chuyện này ngay lập tức thu hút sự quan tâm, chia sẻ và bình luận của nhiều người. Có ý kiến cho rằng, người mẹ này không sai khi không “hùa theo” đóng quỹ, bởi đây là loại quỹ không bắt buộc. Nhiều phụ huynh khác cũng bình luận, hiện nay, trên danh nghĩa quỹ tự nguyện, học sinh và phụ huynh phải đóng nhiều loại quỹ. Đối với nhà có điều kiện thì không đáng bao nhiêu, nhưng với người thu nhập thấp lại là một phần gánh nặng. “Đừng để phân hóa giàu nghèo ngay trong lớp học”, một phụ huynh cho hay.
Bên cạnh đó, phần đông ý kiến lại chỉ trích người mẹ này, cho rằng, “quỹ lớp có 100.000 đồng mà không đóng được cho con, để con phải chịu thiệt thòi, tủi thân vì sự cố chấp của mẹ”.
Dưới bài đăng, bình luận được cho là của phụ huynh một em học sinh trong lớp này cho rằng, không phải em học sinh đó không được ăn, cô giáo và Hội phụ huynh cũng đã phát bánh kẹo cho em. Tuy nhiên, phần đùi gà do phải đặt trước, nên chỉ có 31 chiếc, được chia cho 31 em học sinh được phụ huynh đóng quỹ.
Đừng để những đứa trẻ bị tổn thương
Từ câu chuyện được chia sẻ bên trên, bên cạnh việc đi tìm ai đúng ai sai, nhiều người cũng tự đặt ra câu hỏi, nên hay không việc xây dựng quỹ lớp, quỹ hội phụ huynh?
Theo Luật sư Đào Thị Linh Chi (Công ty Luật TNHH Inteco), Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT về “Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh” hoàn toàn không có quy định nào mang tên “quỹ lớp”, “quỹ trường”. Theo đó, việc thu quỹ phải nằm trong khuôn khổ cho phép là có một khoản gọi là "kinh phí hoạt động của ban đại diện".
Văn bản này cũng ghi rõ: “Kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho ban đại diện cha mẹ học sinh lớp”, nghĩa là đối với ngay cả về khoản kinh phí này thì cũng không có bất kỳ quy định nào yêu cầu phụ huynh phải nộp tiền như một nghĩa vụ; càng không cho phép ban đại diện có quyền thu của phụ huynh theo kiểu bắt buộc.
Luật sư Linh Chi cũng chỉ ra vấn đề thực thi pháp luật hiện nay là thiếu những quy định xử phạt hành chính hoặc xử lý khác đối với cơ sở giáo dục cố tình có các hành vi vi phạm. Từ thực trạng đó, mỗi đầu năm học hoặc đầu học kì, nhiều phụ huynh bức xúc về vấn nạn thu phí nhưng không biết kêu ai, một mặt nhà trường áp đặt nhưng lách luật dưới bóng của Ban đại diện cha mẹ học sinh, mặt khác khó ai dũng cảm đứng lên đấu tranh với cơ sở giáo dục nơi con mình đang học do sợ bị trù dập.
Trong câu chuyện này, phụ huynh của 31 em đã nộp quỹ Hội, chỉ còn duy nhất phụ huynh của 1 em là không tự nguyện. Sự việc sẽ không có gì quá to tát, nếu như không có chuyện em học sinh lớp 1 trên không có đùi gà để ăn như các bạn.
Theo các chuyên gia tâm lý học đường, câu chuyện này không mới, nhưng cũng chưa bao giờ là cũ mỗi dịp đầu năm và cuối năm học. Phía nhà trường và phụ huynh nên xác định và thống nhất rõ ràng về các khoản thu dù là lớn hay nhỏ. Tất nhiên, các khoản thu này cần đảm bảo theo quy định hoặc trên tinh thần tự nguyện.
“Một khi các hợp tương tự như thế này xảy ra, câu chuyện về ai đúng, ai sai sẽ không còn quá quan trọng. Thay vào đó, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở đây, chính là những đứa trẻ hồn nhiên, vô tư. Chúng sẽ dễ bị tổn thương, tủi thân với bạn bè xung quanh bởi cách hành xử chưa hợp lý của những người lớn”, một chuyên gia tâm lý chia sẻ.