Bế mạc Hội nghị bồi dưỡng người được quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách khóa XVI
Sáng 26.9, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội - 22 Hùng Vương (Hà Nội), Hội nghị bồi dưỡng người được quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách khóa XVI đã bế mạc.
Phát biểu bế mạc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nêu rõ, qua một ngày rưỡi làm việc, Hội nghị đã hoàn thành chương trình đề ra. Đối tượng tham gia dự lớp học là những ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XVI. Qua Hội nghị, các học viên sẽ thêm thông tin, kiến thức cơ bản do các báo cáo viên là lãnh đạo Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trực tiếp truyền đạt. Đây là hành trang giúp các ứng cử viên được quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách khóa XVI sẵn sàng cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2030.
Trước đó, Hội nghị đã nghe giới thiệu Chuyên đề 5 về kỹ năng xây dựng hình ảnh đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách do Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành trình bày và Chuyên đề 6 về giới thiệu vận động bầu cử và việc xây dựng chương trình hành động do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy trình bày.
Về kỹ năng xây dựng hình ảnh đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nêu rõ, thế giới đang bước vào thời kỳ phát triển của kỹ thuật số, mạng xã hội và internet. Do đó, việc đầu tư xây dựng hình ảnh trên mạng và ngoài đời thực rất quan trọng.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, một nguyên tắc rất quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh cá nhân là giá trị đích thực. Không nên làm quá đi tính thực tế, vì điều này sẽ làm cho mọi người đánh giá là người “thích làm màu” trên mạng xã hội hay ngay cả ngoài đời thực. Xây dựng hình ảnh cá nhân là việc quan trọng giúp mỗi cá nhân, trong đó có đại biểu Quốc hội, trở nên chuyên nghiệp và uy tín hơn trong những hoạt động đòi hỏi tính chuyên nghiệp.
Bên cạnh việc chú ý đến ngoại hình, tác phong, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, người đại biểu cần chú ý đến kỹ năng giao tiếp; đồng thời nên chủ động, tích cực tương tác với truyền thông.
Đối với việc vận động bầu cử và việc xây dựng chương trình hành động, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy cho rằng, yêu cầu đối với Chương trình hành động của những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phải sát thực với đặc điểm của địa phương được giới thiệu ứng cử cả về lịch sử, truyền thống cách mạng, văn hóa; sử dụng từ ngữ chuẩn chỉ, gần gũi, không xa cách; cần đặt trí tuệ và tình cảm, tâm huyết vào Chương trình hành động; chú trọng chọn 5 - 7 nội dung hành động, sát với tình hình địa phương. Đặc biệt phải thể hiện rõ mong muốn được sự ủng hộ, tín nhiệm của cử tri và Nhân dân trong vai trò đại biểu Quốc hội ứng cử tại địa phương đó để có cơ hội thực hiện chương trình hành động đã nêu ra.