Bế mạc hội nghị G7: Di cư vẫn là bài toán nan giải

Ngày 14/6, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển (G7) bước sang ngày làm việc cuối cùng, tập trung vào một số vấn đề lớn mà khối này quan tâm, đặc biệt là tình trạng di cư bất hợp pháp. Đây cũng là một bài toán nan giải với giới lãnh đạo G7 trong bối cảnh làn sóng di cư năm 2015 có xu hướng tăng trở lại khối này thời gian gần đây.

Vấn đề di cư bất hợp pháp là chủ đề được G7 tập trung thảo luận đầu tiên trong ngày họp cuối cùng. Tại cuộc họp các nhà lãnh đạo đã cân nhắc các giải pháp để chống lại nạn buôn người cũng như tăng cường đầu tư vào các quốc gia - được xem là điểm xuất phát người di cư để bắt đầu những hành trình di cư, vốn đe dọa cuộc sống của rất nhiều người. Đây là vấn đề được nước chủ nhà hội nghị thượng đỉnh Italy đặc biệt quan tâm và thúc đẩy tại hội nghị bởi quốc gia này vốn nằm trên một trong những tuyến đường chính mà người di cư đặt chân đến để vào Liên minh châu Âu.

Hội nghị thưởng đỉnh NATO trong ngày làm việc cuối cùng. Ảnh: Getty.

Hội nghị thưởng đỉnh NATO trong ngày làm việc cuối cùng. Ảnh: Getty.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni – người được biết đến với quan điểm cứng rắn về vấn đề di cư đã bày tỏ mong muốn tăng cường đầu tư và tài trợ cho các quốc gia châu Phi như một biện pháp giảm áp lực di cư lên châu Âu. Điều này đã được nhiều nước G7 trong đó có Thủ tướng Anh Rishi Sunak ủng hộ.

Trong một tuyên bố báo giới sau hội nghị, Thủ tướng Anh nhấn mạnh: ''Di cư bất hợp pháp hiện là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Nhiều người đang di chuyển xuyên biên giới hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử của chúng ta. Chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn thảm kịch nhân loại này diễn ra. G7 đã tập trung vào việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của tình trạng di cư, bao gồm gói hỗ trợ phát triển mới của Vương quốc Anh cho Châu Phi và sáng kiến Hệ thống Thực phẩm Apulia mới của Italy nhằm giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực. Chúng ta không thể để các băng nhóm tội phạm quyết định ai sẽ đến đất nước của chúng ta".

Mỹ và Liên minh châu Âu hiện đang phải đối mặt với số lượng người di cư ngày càng tăng. Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Biên giới châu Âu (Frontex), từ đầu năm đến nay, số người nhập cư bất hợp pháp đến EU là hơn 250 nghìn người.

Trong khi làn sóng di cư ở châu Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi năm 2023 ghi nhận con số kỷ lục hơn 513 nghìn người đi qua khu rừng rậm hiểm trở xuyên Colombia và Panama, gấp đôi con số của năm 2022. Hiện EU không thể kiểm soát được dòng người di cư ồ ạt tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã đưa ra các chính sách mới nhằm hạn chế tình trạng di cư sau khi một dự luật mà ông đưa ra không được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, tương lai của các chính sách mới vẫn chưa rõ ràng do sự chống đối của những người ủng hộ quyền của người nhập cư.

Trong tuyên bố cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh sẽ thành lập Liên minh G7 để ngăn chặn và chống lại nạn buôn bán và vận chyển người di cư trái phép. Tuyên bố cũng lưu ý rằng G7 sẽ tập trung vào nguyên nhân gốc rễ của tình trạng di cư bất thường cũng như nỗ lực tăng cường quản lý biên giới và hạn chế tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Ngoài vấn đề di cư, tuyên bố của G7 cũng khẳng định hợp tác cùng nhau và các nước khác để giải quyết những thách thức cấp bách của thời đại này như trí tuệ nhân tạo và an ninh kinh tế. Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh sự đoàn kết với Ukraine, ủng hộ một thỏa thuận dẫn đến ngừng bắn ngay lập tức và thả con tin ở Gaza, đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững ở châu Phi cũng như các cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và di cư.

Hồng Nhung/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/be-mac-hoi-nghi-g7-di-cu-van-la-bai-toan-nan-giai-post1101705.vov