Bế mạc Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Trung ương thống nhất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013
Chiều ngày 10/5, sau 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhất trí cao thông qua các Nghị quyết và Kết luận của Hội nghị. Báo Bình Thuận tổng hợp và lược trích các nội dung cốt lõi của Hội nghị lần này.
Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. (Nguồn: TTXVN)
Về vấn đề quản lý và sử dụng đất đai
Trung ương cho rằng, cần phải kế thừa, bổ sung, phát triển Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI theo hướng tiếp tục khẳng định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội theo luật định, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch. Thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có chính sách phù hợp đối với đối tượng, loại hình sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên đất đai; kiên quyết khắc phục tình trạng đầu cơ đất, sử dụng đất không đúng mục đích, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, gây khiếu kiện, bức xúc trong nhân dân.
Hội nghị Trung ương lần này đã đi sâu phân tích, đánh giá và thống nhất cao về các giải pháp, chủ trương, định hướng tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa luật pháp, chính sách về đất đai, trước hết là sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 và các luật pháp có liên quan để khắc phục những hạn chế, yếu kém tồn tại kéo dài lâu nay.
Về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Trung ương nhận thấy: Cả nước đạt được nhiều thành tựu, nhất là cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp duy trì tăng trưởng khá cao, là trụ đỡ của nền kinh tế. Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn.
Thời gian tới, Trung ương chủ trương phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Nông dân là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, được nâng cao trình độ theo hướng toàn diện, văn minh. Nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn được khuyến khích phát triển. Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sẽ chuyển sang gắn với nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị cạnh tranh.
Nông thôn được xây dựng theo hướng hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; hạ tầng đồng bộ, kết nối với đô thị; đời sống văn hóa phong phú; môi trường xanh, sạch, đẹp.
Về vấn đề phát triển kinh tế tập thể
Trung ương cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế, yếu kém, đầu tiên là nhận thức của các tổ chức Đảng, chính quyền, người dân về vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa "chưa thật đầy đủ, thiếu thống nhất". Nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền lãnh đạo mô hình này còn hình thức, lúng túng, "hoài nghi về sự thành công của kinh tế tập thể".
Chính sách ưu đãi, hỗ trợ kinh tế tập thể dàn trải, phân tán. Bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể chưa được kiện toàn, còn nhiều bất cập. Đánh giá về hiệu quả kinh tế tập thể còn phiến diện, thiên về mặt kinh tế, chưa chú ý đúng mức đến mặt chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường... dẫn đến hạ thấp vị trí của mô hình này trong nền kinh tế cả nước. Kinh tế tập thể, hợp tác xã phần lớn quy mô nhỏ, năng lực nội tại yếu; cán bộ chưa được đào tạo chuyên sâu; thành viên còn ỷ lại, trông chờ trợ cấp của Nhà nước.
Vì vậy, Trung ương yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã kiểu mới; coi đây là thành phần kinh tế quan trọng, cùng với kinh tế nhà nước là nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tập thể là xu thế tất yếu khách quan, dựa trên sở hữu riêng của các thành viên và sở hữu chung của tổ chức; phân phối theo giá dịch vụ, lao động, vốn góp.
Kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế là chính, bao gồm cả lợi ích của thành viên, tập thể, xã hội, của Nhà nước. Thành viên kinh tế tập thể bao gồm cá nhân, pháp nhân; thành viên chính thức và thành viên liên kết, người ít vốn và nhiều vốn, cùng góp vốn, góp sức trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi, và quản lý dân chủ.
Về vấn đề xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên
Trung ương đặc biệt coi trọng chất lượng phát triển đảng viên, chú trọng hơn nữa đến việc rèn luyện, bồi dưỡng quần chúng, đối tượng cảm tình Đảng, trước khi vào Đảng phải thực sự là những quần chúng ưu tú không chỉ về năng lực công tác mà phải thực sự tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, lối sống, có động cơ trong sáng với phương châm "quý hồ tinh bất quý hồ đa". Thường xuyên rà soát, sàng lọc, kịp thời và kiên quyết đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, qua đó kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến; kịp thời củng cố các tổ chức Đảng yếu kém; xử lý nghiêm các đảng viên thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật và kỷ luật Đảng…