Bế mạc Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 2023
Tối 1/6, tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, Hội Nghệ sĩ sân khấu (NSSK) Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Lễ bế mạc, trao giải Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 2023.
Tối 1/6, tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, Hội Nghệ sĩ sân khấu (NSSK) Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Lễ bế mạc, trao giải Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 2023.
Tin liên quan
Khai mạc Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 2023
Các đại biểu dự lễ bế mạc. Ảnh Chu Uyên
Tới dự có các đồng chí: Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; GS,TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL; Nguyễn Anh Chức, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; NSND Trịnh Thúy Mùi, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Liên hoan; các ủy viên BTV Tỉnh ủy; thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Liên hoan; đại diện lãnh đạo Vụ Văn hóa Văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương; Cục Nghệ thuật biểu diễn; lãnh đạo Sở VH,TT&DL các tỉnh, thành phố có các đoàn nghệ thuật tham gia liên hoan...
Mở đầu Lễ bế mạc là chương trình nghệ thuật chào mừng với các tiết mục hát múa, hài kịch của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam, Sân khấu Kịch Hồng Vân và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.
Đánh giá tổng kết liên hoan, Tiến sĩ, Nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương, Phó Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo nhận định: 106 trích đoạn tại liên hoan thuộc các loại hình nghệ thuật Chèo, Tuồng, Cải lương, Kịch dân ca, kịch nói, Xiếc… tuy chưa phải là bức tranh hoàn chỉnh khắc họa diện mạo của nghệ thuật Sân khấu Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, nhưng cũng đủ các yếu tố để chúng ta nhìn nhận, đánh giá xem nghệ thuật sân khấu đang đứng ở cung bậc nào trước đòi hỏi của đời sống xã hội và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân.
Sự phong phú đa dạng về đề tài trong các trích đoạn là minh chứng cho ý thức trách nhiệm, quyết tâm tìm tòi, gạn đục khơi trong, phản ánh trực diện hoặc lấy chuyện xưa để nói nay, nhằm đề cập nhiều mặt của xã hội, con người trong tư duy sáng tạo của các nghệ sĩ. Chính điều này đã làm cho Liên hoan có nhiều màu sắc, không nhàm chán, gieo được những cung bậc cảm xúc khác nhau cho khán giả.
Trong 106 trích đoạn thì có tới 85 trích đoạn thuộc các loại hình nghệ thuật kịch hát truyền thống. Con số này là thành công lớn nhất của Liên hoan. Trong điều kiện còn quá nhiều thách thức khó khăn, các nghệ sĩ kịch hát dân tộc vẫn thắp sáng khát vọng sáng tạo, cố gắng vượt qua chính mình, gạn đục khơi trong để giữ nghề, để lưu truyền và tiếp nối những thành quả mà nhiều thế hệ ông cha đã vắt kiệt cả cuộc đời mới tạo dựng nên.
TS, Nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương đồng thời lưu ý, đó là đội ngũ diễn viên đang quá phụ thuộc vào sự chỉ dẫn của đạo diễn hoặc người hướng dẫn nên thiếu sự sáng tạo của cá nhân nghệ sĩ trong các vai diễn. Nhiều đơn vị nghệ thuật công lập đang lâm vào tình trạng khủng khoảng cả về lượng và chất trong đội ngũ diễn viên. Một trong những nguyên nhân chính là các địa phương đã sáp nhập, tinh giảm biên chế.
Trước thực trạnh đó, thay mặt Hội đồng giám khảo, TS, Nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương kiến nghị: Liên hoan trích đoạn hay nghệ thuật Sân khấu toàn quốc nên được tổ chức định kỳ 3 năm một lần. Trước khi diễn ra Liên hoan, Thường trực Hội phân công các Ủy viên Ban chấp hành đi xem, tư vấn đóng góp để các đơn vị nâng cao chất lượng các trích đoạn, tham mưu với Ban chỉ đạo kiên quyết không triệu tập những trích đoạn yếu kém về nội dung, tư tưởng, chất lượng nghệ thuật tham dự Liên hoan. Đề nghị Bộ VH,TT&DL sớm hoàn thiện thể chế về chế độ chính sách đặc thù đối với nghệ sĩ, chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống để dần lấp đầy khoảng trống về nguồn lực con người trong đội ngũ sáng tạo. Lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật tạo mọi điều kiện để các nghệ sĩ có năng lực chuyên môn tham gia sáng tạo tác phẩm tham dự Liên hoan.
Phát biểu bế mạc liên hoan, NSND Trịnh Thúy Mùi khẳng định: Chúng tôi hoàn toàn nhất trí bản tổng kết nghệ thuật của Hội đồng giám khảo do Nhà viết kịch, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương, Phó chủ tịch Hội NSSK Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo đã trình bày. Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, công tâm, trách nhiệm của Hội đồng. Qua đó, chúng tôi mong rằng, từ liên hoan Nghệ thuật lần này, các nghệ sĩ có thêm những kiến thức và kinh nghiệm nghề nghiệp, tiếp tục không ngừng nâng cao trình độ, cống hiến cho xã hội những tác phẩm ý nghĩa, chất lượng. Chúng tôi hy vọng, các tỉnh, thành phố hãy quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ kế cận để nâng cao chất lượng các loại hình nghệ thuật sân khấu để phục vụ đời sống tinh thần ngày càng tốt hơn cho người dân, nhằm thực hiện tốt đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao, biết kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam và thế giới, đồng thời thiết thực hơn với Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị: “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới” và Nghị quyết 33 của Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Thay mặt Hội NSSK Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi trân trọng cảm ơn sự quan tâm, phối hợp của Bộ VH,TT&DL; UBND tỉnh Hà Nam; Sở VH,TT&DL Hà Nam; Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam; cảm ơn văn nghệ sĩ của 33 đơn vị đã tập trung tài năng, công sức để tạo nên sự thành công này.
Tại Liên hoan, Ban tổ chức đã trao giải thưởng cho 7 trích đoạn xuất sắc nhất, trong đó có trích đoạn “Những vì sao không tắt” của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam; trao Bằng khen cho 4 tập thể, 8 cá nhân có đóng góp trong công tác tổ chức Liên hoan; trao 54 Huy chương Vàng, 60 Huy chương Bạc cho các diễn viên; trao giải thưởng xuất sắc cho dàn nhạc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhà hát Chèo Thái Bình và nhạc công xuất sắc nhất cho NSUT Vũ Đình Cương, Nhà hát Chèo Thái Bình; trao Bằng khen cho diễn viên Gia Bảo, diễn viên nhỏ tuổi nhất trong trích đoạn “Giấc mơ không có thật” Đoàn cải lương Hải Phòng.