Bế mạc Phiên họp giả định 'Quốc hội trẻ em': Tiếng nói từ tương lai về những vấn đề phát triển đất nước hôm nay
Sau 2 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, ngày 10/9, Phiên họp giả định 'Quốc hội trẻ em' lần thứ nhất đã hoàn thành chương trình đề ra và tiến hành bế mạc.
Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ nhất, năm 2023 do Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương đề xuất sáng kiến và phối hợp cùng Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Tổng Thư ký Văn phòng Quốc hội phối hợp tổ chức đã bế mạc ngày 10/9 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.
Phiên họp do các đại biểu trẻ em tiêu biểu, có thành tích xuất sắc được lựa chọn từ 263 em tham gia phiên họp điều hành, gồm: em Đặng Cát Tiên (Khánh Hòa) - Chủ tịch “Quốc hội trẻ em”; em Lê Quang Vinh (Hòa Bình) - Phó Chủ tịch Thường trực “Quốc hội trẻ em”. Các Phó Chủ tịch “Quốc hội trẻ em” là các em: Đàm Hà My (Bắc Giang), Kiều Quang Huy (Bình Thuận) và Nguyễn Thế Mạnh (Tuyên Quang).
"Quốc hội trẻ em" tập trung thảo luận nhiều vấn đề trẻ em quan tâm
Trong phiên họp, có 266 lượt đại biểu “Quốc hội trẻ em” phát biểu tại 8 phiên thảo luận tổ và phiên toàn thể về 2 chủ đề: Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng và phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em.
Phát biểu tại phiên họp về tình trạng tai nạn thương tích, bạo lực và xâm hại trẻ em, đại biểu trẻ em Hoàng Trà My, Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An chia sẻ, theo kết quả khảo sát thực tế trên 41.000 cử tri trẻ em được thực hiện trước phiên họp cho thấy, có tới 11,96% trẻ em cho rằng vấn đề xâm hại tình dục trẻ em thỉnh thoảng xảy ra. Các hành vi xâm hại như tát, đấm, đá, xúc phạm danh dự được đánh giá là xảy ra ở mức độ đặc biệt cao, trên 30%; 44,5% trẻ em tìm phương án giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực; 44,6% trẻ bị tai nạn thương tích là do bị bạn bè lôi kéo vào các hoạt động không an toàn...
Để nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho trẻ em giúp trẻ em chủ động phòng, tránh tai nạn thương tích, bạo lực và xâm hại trẻ em tại gia đình, nhà trường và cộng đồng, đại biểu Hoàng Trà My đề xuất, các cơ quan chức năng tại địa phương quan tâm trang bị các biển báo về nguy cơ mất an toàn cho trẻ em ở các hồ bơi, ngã ba, ngã tư tại các thôn, xóm. Cơ quan chức năng, nhà trường cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng, tránh tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại thường xuyên hơn bằng hình thức phù hợp, hấp dẫn với trẻ em như kịch tương tác, tiểu phẩm, các trò chơi, các cuộc thi vẽ tranh cổ động…
Đại biểu cũng đề xuất, nhà trường cần quan tâm đưa chương trình giáo dục giới tính vào nhà trường, tích hợp thường xuyên trong các môn học; thầy cô cởi mở hơn trong trao đổi với các em. Hướng dẫn để trẻ em biết cách trình báo, tố cáo vụ việc tới các cơ quan, chức năng. Đài phát thanh, truyền hình cần có trang fanpage chia sẻ lại các bài truyền thông trên truyền hình, tạo các clip truyền thông ngắn, vui nhộn trên các nền tảng mạng xã hội mà trẻ em hay truy cập như Instagram, TikTok…
Đại biểu trẻ em Bùi Thị Quỳnh Chi, Đoàn đại biểu tỉnh Hà Tĩnh đề xuất, nhà trường cần tăng cường các biện pháp thúc đẩy sự tham gia của học sinh, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của học sinh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng phòng tư vấn học đường. Đồng thời nhà trường cần tăng cường sự phối hợp với gia đình trong quản lý, giáo dục con; nên tập huấn cho các thầy cô phương pháp nắm bắt tâm lý, các kỹ năng tư vấn, làm việc với trẻ em để hiểu tâm lý và giúp đỡ học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đầu tư để giúp các trường có các buổi talkshow, giúp học sinh dám đứng lên nói ra ý kiến của mình.
Về vấn đề nâng cao nhận thức và kỹ năng để trẻ em tương tác lành mạnh, an toàn, sáng tạo trên không gian mạng, đại biểu Khúc Trà Giang, Đoàn đại biểu thành phố Hải Phòng cho rằng, nhà trường cần đưa nội dung an toàn trên không gian mạng vào các bộ môn trong trường học như Giáo dục công dân, tin học. Đồng thời, có các chương trình tập huấn cho phụ huynh về an toàn mạng và kỹ năng quản lý con cái sử dụng mạng. Về phía trẻ em, cần lập thời khóa biểu phù hợp, kiểm soát thời gian sử dụng điện thoại của chính mình; tham gia các hoạt động của trường lớp, hạn chế xem điện thoại quá nhiều. Trước khi kết nối mạng, trẻ em cần nghiên cứu kỹ, tìm hiểu các kỹ năng về sử dụng mạng, nhất là các kỹ năng về xử lý thông tin xấu độc; tự tiết chế thời gian online sao cho thật khoa học để đạt hiệu quả cao nhất có thể, tránh tình trạng dùng mạng xã hội quá nhiều dẫn đến nghiện mạng xã hội…
Về vấn đề này, đại biểu Ngô Thị Kim Cương, Đoàn đại biểu tỉnh Tây Ninh cho rằng, hơn ai hết, gia đình, đặc biệt cha mẹ chính là những “lá chắn” cho trẻ, nên cần chủ động tìm hiểu, ứng dụng các giải pháp về công nghệ số để kiểm soát thông tin cá nhân của trẻ, hướng dẫn cho trẻ em những kiến thức cơ bản để giúp con em mình tương tác lành mạnh và an toàn trên môi trường mạng.
Đối với các nhà mạng, Đại biểu Phạm Minh Ánh, Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ninh đề nghị, các nhà mạng cần phải có giải pháp kỹ thuật hoặc đưa ra những yêu cầu khi sử dụng mạng, chẳng hạn có các phần mềm để kiểm soát. Nếu bất kì ai đăng hình ảnh nhạy cảm... thì lập tức nhận biết những hình ảnh đó vi phạm quy chế cộng đồng, nên loại bỏ và không được phép đăng.
Phiên họp "Quốc hội trẻ em" thành công tốt đẹp, có nhiều đổi mới, sáng tạo
Phát biểu kết thúc phiên họp, Chủ tịch “Quốc hội trẻ em” Đặng Cát Tiên cho biết, “Quốc hội trẻ em” đã nghe báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri trẻ em về nội dung “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” và “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em”. “Quốc hội” đã thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề: Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện quy định của pháp luật bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng; quy định rõ trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội. Cùng với đó là triển khai đồng bộ các chương trình, đề án, phối hợp chặt chẽ các cơ quan nhà nước, gia đình, nhà trường và xã hội trong hoạt động chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.
“Quốc hội” yêu cầu các cơ quan hữu quan, các cấp, ngành tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp theo mục tiêu đã đề ra trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Chủ tịch “Quốc hội trẻ em” đề nghị các đại biểu “Quốc hội trẻ em” sớm báo cáo "cử tri trẻ em" cả nước kết quả phiên họp, thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri. Qua đó động viên nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực giám sát việc tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật quy định về vấn đề bảo vệ trẻ em và Nghị quyết “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” và “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em” trong kỳ họp này.
Chủ tịch “Quốc hội trẻ em” Đặng Cát Tiên khẳng định, phiên họp đã thành công tốt đẹp, có nhiều đổi mới, sáng tạo, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn. Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, cơ quan tổ chức hữu quan đã làm việc khẩn trương và trách nhiệm để cho ý kiến tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng, thấu đáo ý kiến của đại biểu "Quốc hội trẻ em" về các vấn đề của phiên họp, đảm bảo các nội dung tốt nhất trình “Quốc hội trẻ em” xem xét, quyết định.
“Quốc hội trẻ em” đã biểu quyết thông qua Nghị quyết với tỷ lệ tán thành rất cao.
Trẻ em đã và đang đóng góp trực tiếp, quan trọng cho sự phát triển đất nước
Trao đổi tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chúc mừng các “đại biểu Quốc hội trẻ em” cùng “thành viên Chính phủ trẻ em” đã có phiên thảo luận, chất vấn và giải trình thành công về những vấn đề thời sự, cấp thiết trong chăm lo, bảo vệ cho trẻ em là: Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em; Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trong công cuộc chuyển đổi số.
Phó Thủ tướng rất ấn tượng trước sự chững chạc, hiểu biết sâu sắc, tư duy mạch lạc, khả năng hùng biện sắc sảo, tinh thần trách nhiệm của các đại biểu trẻ em đối với những vấn đề "nhỏ mà không nhỏ", ở chính lứa tuổi của mình. Những câu hỏi, trả lời, ý kiến trao đổi của các em để lại cho người lớn nhiều suy nghĩ rất sâu sắc về trách nhiệm, nghĩa vụ với những vấn đề sát sườn, thiết thực với trẻ em và chính tương lai đất nước.
Có thể chưa đầy đủ, nhưng những chất vấn, phát biểu của các đại biểu tại phiên họp chính là nguyện vọng của trẻ em Việt Nam gửi tới Quốc hội, Chính phủ. Không chỉ vậy, đây còn là tiếng nói từ tương lai đặt ra với đất nước khi quyết định những vấn đề phát triển ngay từ hôm nay.
Phó Thủ tướng khẳng định, trong thẩm quyền và trách nhiệm, Phó Thủ tướng và các lãnh đạo, thành viên Chính phủ sẽ luôn lắng nghe, ghi nhận ý kiến của các em, đặc biệt là vấn đề đã được quyết nghị trong Nghị quyết Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” để tiếp tục hoàn thiện, tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng, ban hành kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực để chăm lo, bảo vệ, tạo môi trường cho hơn 15 triệu thiếu niên, nhi đồng Việt Nam phát triển ngày càng tốt đẹp, an toàn hơn.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, để hướng tới cộng đồng học tập đoàn kết, trách nhiệm. Đây sẽ là nơi mỗi em đều có cơ hội phát triển và thể hiện tài năng, sẵn sàng làm chủ tri thức mới, thích ứng với đổi thay, trở thành những công dân toàn cầu có trách nhiệm trong tương lai.
Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng sẽ chú trọng xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa, an toàn ở trường học, không gian công cộng, gia đình và trên môi trường mạng. Các bên liên quan có giải pháp đẩy mạnh thông tin tích cực, bổ ích, giúp trang bị kiến thức, kỹ năng, hun đúc tình yêu quê hương, đất nước, con người; ngăn chặn hiệu quả thông tin xấu, độc, nội dung không phù hợp với thiếu niên, nhi đồng. Cơ quan chức năng tạo thêm nhiều kênh, diễn đàn để trẻ em biểu đạt nguyện vọng, tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách có liên quan đến các em.
Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các bộ, ngành địa phương tiếp tục tổ chức thêm nhiều mô hình hoạt động, sân chơi bổ ích. Qua đó, các em vừa rèn luyện kỹ năng vừa tham gia thực chất vào các lĩnh vực đời sống xã hội mà các em quan tâm ngay từ trong trường học, cộng đồng dân cư... Từ đó, góp phần đào tạo những lớp công dân Việt Nam tự tin, bản lĩnh, có trách nhiệm, sẵn sàng đóng góp sức lực, trí tuệ từ khi còn nhỏ tuổi vì sự phồn vinh, trường tồn của đất nước, vì sự tiến bộ của xã hội.
Nguồn: TTXVN, Báo Chính phủ