Bế mạc Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Phiên họp thứ 22 rất quan trọng để chuẩn bị cho các nội dung của Kỳ họp thứ 5 với khối lượng công việc, nhất là công tác lập pháp rất lớn và quỹ thời gian còn rất ngắn.
Chiều 11/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 22 sau hai ngày làm việc.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra tại Phiên họp thứ 22 với 8 nội dung; trong đó có 3 nội dung thảo luận cho ý kiến trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 5 gồm: Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 và cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.”
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 4; cho ý kiến về nội dung chương trình, cách thức tổ chức Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến quyết định 4 nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cụ thể là quyết định về việc cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; phân công cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; cho ý kiến về báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội; xem xét cho ý kiến báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3/2023.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Phiên họp thứ 22 rất quan trọng để chuẩn bị cho các nội dung của Kỳ họp thứ 5 với khối lượng công việc, nhất là công tác lập pháp rất lớn và quỹ thời gian còn rất ngắn.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội và Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội bám sát chương trình dự kiến đã được thông qua để tiến hành các hoạt động của từng cơ quan và đôn đốc các cơ quan, tổ chức thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tại phiên họp này, các cơ quan vẫn chưa khắc phục được tình trạng chậm gửi tài liệu đến các cơ quan của Quốc hội. Một số nội dung đã có dự kiến trong chương trình phiên họp nhưng do các cơ quan không kịp gửi hồ sơ, tài liệu nên phải rút khỏi chương trình. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan rút kinh nghiệm về vấn đề này.
Sau Phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023 trong ba ngày, bắt đầu từ ngày 12/4, tiếp tục cho ý kiến đối với một số dự án luật để bổ sung vào Chương trình xây dựng pháp luật của năm 2023, 2024; cho ý kiến với các dự án luật sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 tới.
Liên quan đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị, nếu cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức riêng một buổi, thậm chí một ngày sau Phiên họp chuyên đề về pháp luật để có thời gian chỉnh lý, bổ sung sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, kết luận của Chính phủ cũng như tiếp thu những ý kiến đóng góp của các cơ quan hữu quan, nhất là ý kiến của nhân dân. Qua đó thống nhất lộ trình và bảo đảm thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Trước đó, chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, sau khi tổng kết phiếu lấy ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 4 chuyên đề giám sát năm 2024 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn.
Cụ thể là các chuyên đề: Việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các nghị quyết của Quốc hội về các công trình trọng điểm quốc gia; Việc thực hiện chính sách pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Thực hiện chính sách pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Cũng trong chiều 11/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đây là lần thứ hai trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo về vấn đề này. Sau lần họp đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 ngày 22/7/2022 hướng dẫn tổ chức thực hiện giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Việc thực hiện Nghị quyết số 560 đã góp phần làm cho công tác tổ chức thi hành pháp luật và công tác xây dựng pháp luật tốt hơn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục quán triệt thực hiện tốt Nghị quyết số 560, xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện giám sát văn bản quy phạm pháp luật, coi đây là hoạt động thường xuyên./.