Bế mạc Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 22-8, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ hai, gồm các lĩnh vực tư pháp, nội vụ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thanh tra, tòa án, kiểm sát.

Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại điểm cầu Kiên Giang.

Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại điểm cầu Kiên Giang.

Kết thúc nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm lĩnh vực thứ hai, có tổng số 39 đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó 36 đại biểu chất vấn, 3 đại biểu tranh luận. Đối với nhóm nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực thứ hai, người trực tiếp trả lời chất vấn là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong và Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, nhìn chung phiên chất vấn diễn ra khẩn trương, sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao. Các vị đại biểu Quốc hội với kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của mình đã bám sát các nội dung chất vấn, đặt các câu hỏi rất cụ thể, ngắn gọn, rõ ràng, tập trung vào những vấn đề trong việc thực hiện các nghị quyết đã chất vấn và mong muốn có những giải pháp tốt hơn để tháo gỡ những khó khăn, tồn tại trong thời gian tới; nâng cao hơn nữa chức năng, nhiệm vụ và hoạt động có hiệu quả hơn của các bộ, ngành.

Các bộ trưởng, thành viên Chính phủ, trưởng ngành với tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực quản lý trả lời rõ ràng, đúng trọng tâm các câu hỏi của đại biểu, giải trình cụ thể những vấn đề đại biểu quan tâm và tranh luận. Các bộ trưởng, trưởng ngành nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và những vấn đề phát sinh đang cần phải nghiên cứu giải quyết; đề ra những giải pháp để có thể nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính phủ, Bộ, ngành trong thời gian tới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu một số nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm liên quan trực tiếp đến trách nhiệm chính của các bộ, ngành để tập trung thực hiện trong thời gian tới, cụ thể:

Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt nhằm đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng. Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; sớm có phương án xử lý trong dài hạn việc thực hiện bảo quản riêng về xăng dầu dự trữ quốc gia. Thực hiện hiệu quả công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng. Tập trung thực hiện phòng, chống các hành vi tiêu cực trong xuất nhập khẩu hàng hóa.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực. Thực hiện tốt công tác dự báo, chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước cho sản xuất và đời sống người dân. Kiểm soát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa; thực hiện các giải pháp khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn những chính sách chưa được triển khai tại Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 6-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nghiên cứu, xây dựng quy định điều chỉnh một số lĩnh vực về văn hóa, nghệ thuật; có cơ chế khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa, công nghiệp văn hóa. Có giải pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chuẩn mực đạo đức xã hội.

Bộ Nội vụ hoàn thành việc sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư và quản lý tài sản sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021. Khẩn trương rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch liên quan để hoàn thành việc xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; kịp thời hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc của địa phương trong quá trình xây dựng và hoàn thiện đề án; đẩy nhanh tiến độ thẩm định, hoàn thiện hồ sơ đề án, có lộ trình cụ thể, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ Tư pháp chủ động rà soát, dự kiến các nhiệm vụ lập pháp cần thực hiện, làm cơ sở đề xuất xây dựng định hướng chương trình lập pháp cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa VI. Khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Giám định tư pháp, kịp thời khắc phục khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giám định tư pháp. Có giải pháp khắc phục hạn chế trong công tác thi hành án hành chính; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng.

Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự. Tăng cường đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài, tội phạm hoạt động núp bóng doanh nghiệp. Tổ chức thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhất là an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ. Triển khai toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thanh tra Chính phủ rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài và không để phát sinh vụ việc phức tạp, kéo dài mới. Nâng cao chất lượng và hiệu quả kết luận thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo.

Tòa án nhân dân tối cao tập trung thực hiện tốt các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xét xử, chú trọng thực hiện tốt công tác hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ việc. Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức; xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ tòa án trong sạch, vững mạnh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý, theo dõi việc tiếp công dân.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra. Xây dựng các quy trình, kỹ năng nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các khâu công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân. Rà soát, hoàn thiện các quy định, tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy Viện kiểm sát các cấp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trả lời chất vấn. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Trước đó, chiều 21-8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ hai, gồm các lĩnh vực: Tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu về giải pháp hạn chế chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết trong 2 năm qua, kết quả rà soát gần 600 văn bản ở các loại khác nhau phát hiện một số vấn đề, từ đó Chính phủ đề xuất phương án đối với những văn bản nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì sửa ở tầm đó và phải đảm bảo chất lượng.

Đến giữa tháng 8-2024, có 86 nội dung được phát hiện liên quan đến các luật, văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được xử lý. Ban chỉ đạo rà soát cũng xác định rõ các vấn đề và báo cáo Quốc hội để tới đây đề xuất sửa đổi một số luật trên cơ sở kết quả của tổ rà soát.

Về kiểm tra văn bản, đồng tình với nhận định của đại biểu, Phó Thủ tướng cho biết, việc phát hiện vi phạm ở các văn bản cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng. Giải pháp cho vấn đề này trong thời gian tới là phải tiếp tục hoàn hiện về pháp luật; đồng thời, tăng cường trách nhiệm công khai và gửi văn bản cho các cơ quan kiểm tra văn bản.

Trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến định giá tài sản, tại sao không đưa vào hoạt động bổ trợ tư pháp, trong đó có nguyên nhân do lịch sử hình thành và do quan niệm, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cũng cho rằng, nếu pháp luật chuyên ngành tiến hành đồng bộ, các cơ quan, tổ chức thực hiện tận tâm, ngay tình, việc có hay không đưa vào hoạt động bổ trợ tư pháp chỉ là một vấn đề.

AN LÂM

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/thoi-su/be-mac-phien-hop-thu-36-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-21873.html