Bế mạc Phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sau 6,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, chiều ngày 18/9, tại Nhà Quốc hội, Phiên họp thứ 48 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra và họp phiên bế mạc.

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu bế mạc phiên họp

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu bế mạc phiên họp

Đảm bảo thật tốt cho việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV

Được sự ủy nhiệm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 48, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, sau 6,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết thúc Phiên họp thứ 48, hoàn thành khối lượng lớn công việc, trong đó đã cho ý kiến 05 Dự án Luật, 03 Dự thảo Nghị quyết và nhiều nội dung quan trọng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 sắp tới.

Cụ thể, tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn; Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ cũng cho ý kiến về việc thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về các dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Đó là Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với doanh nghiệp khai thác nước để sản xuất kinh doanh trong năm 2020; Nghị quyết thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về các báo cáo của việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn; thi hành Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội; công tác tư pháp, hoạt động Kiểm toán cùng với một số báo cáo quan trọng khác. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của tỉnh Thái Nguyên; Việc bổ sung dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2020 từ nguồn thu 70% lệ phí xuất nhập cảnh được phép để lại từ năm 2011 đến năm 2014 của Bộ Công an; Cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10 của Quốc hội.

Cũng tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét các báo cáo về kết quả rà soát văn bản pháp luật, kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; về việc ban hành Văn bản quy phạm pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ nghe Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Kinh tế báo cáo kết quả 2 phiên giải trình về An ninh nguồn nước và Phát triển điện lực cho đến năm 2030.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét là việc quyết định bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia; Việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia; Xem xét, quyết định việc phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Xem xét, quyết định việc thành lập thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp; Xem xét, quyết định việc thay đổi thành viên Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát Nhân dân tối cao.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, tuy Phiên họp diễn ra trong thời gian khá dài nhưng không phải điều chỉnh chương trình; các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan đã chủ động sắp xếp thời gian công việc dự họp, tích cực tham gia ý kiến vào các dự án Luật và các nội dung quan trọng trong Phiên họp. Sau Phiên họp, đề nghị Chính phủ, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan hữu quan khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện các bước tiếp theo, nhất là các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 sắp tới; đảm bảo gửi tài liệu sớm nhất tới các đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh các Dự thảo Nghị quyết để ban hành.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, trong việc chuẩn bị Phiên họp lần này, vẫn có những nội dung gửi chậm tài liệu, khó khăn cho các cơ quan thẩm tra; do đó đề nghị các cơ quan cần nghiêm túc rút kinh nghiệm đẩy nhanh tiến độ phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị tốt hơn các nội dung Phiên họp thứ 49 tới đây, đảm bảo thật tốt cho việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.

Đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội sớm báo cáo với Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thông qua chương trình Phiên họp thứ 49 đến các cơ quan hữu quan, đảm bảo khẩn trương chuẩn bị tài liệu, tránh phải bổ sung gấp các nội dung, nhất là về nhân sự và các nội dung quan trọng khác.

Chưa trình Quốc hội xem xét miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Trước khi bế mạc phiên họp, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong năm 2020.

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhận thấy, việc trình Quốc hội ban hành chính sách miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong năm 2020 chưa đảm bảo có đầy đủ căn cứ để ban hành chính sách, vì các lý do sau: Các doanh nghiệp khó khăn đã được hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Người dân gặp khó khăn do đại dịch đã được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân. Chính sách miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cũng là chính sách hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước phục vụ sản xuất, kinh doanh. Do đó, về đối tượng hỗ trợ đã có phần trùng lặp với các chính sách trước đó của Đảng và Nhà nước.

Việc đề nghị miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho cả 3 nhóm đối tượng được quy định tại khoản 1, Điều 65, Luật Tài nguyên nước là quá rộng, dàn trải. Trong khi Tờ trình cũng như Báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ không có số liệu cho thấy sự khó khăn trong sản xuất; tăng, giảm sản lượng sản xuất của các đối tượng, cũng như sự thua lỗ trong kết quả hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước trong đại dịch Covid-19 và không làm rõ số dự kiến nộp ngân sách nhà nước từ các đối tượng sử dụng tài nguyên nước trong năm 2020.

Có ý kiến cho rằng, trên thực tế các lĩnh vực sản xuất điện, nước sạch… là các đơn vị khai thác nguồn tài nguyên nước lớn nhất, không chịu ảnh hưởng và thiệt hại nhiều của đại dịch Covid-19, việc sản xuất kinh doanh vẫn có lãi do các đơn vị sản xuất điện (nhà máy thủy điện), cấp nước (nhà máy cấp nước) không do Nhà nước định giá hoặc quyết định giá bán, trong khi nhu cầu sử dụng điện, nước trong thời gian dịch bệnh không giảm nhiều và đây là các hàng hóa thiết yếu sử dụng tài nguyên quốc gia cần được sử dụng tiết kiệm, tránh lãng phí.

Do vậy, việc miễn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước sẽ không thực sự tác động đến người dân mà chủ yếu có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang làm ăn, kinh doanh có lãi. Mặt khác, nguồn thu từ cấp quyền khai thác tài nguyên nước là nguồn thu quan trọng, có liên quan đến công tác bảo vệ rừng, an ninh nguồn nước, có ảnh hưởng lớn đến nguồn thu quan trọng của một số địa phương miền núi đang nhận trợ cấp của ngân sách Trung ương; thời gian áp dụng quá ngắn và phải xử lý tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã nộp trong năm 2020 và khấu trừ vào số thu năm 2021.

Với những lý do trên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, Chính phủ cần báo cáo cụ thể về số thu nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tình hình sản xuất kinh doanh của từng nhóm đối tượng, theo đó phân định các đối tượng thực sự khó khăn cần được hỗ trợ nhằm đảm bảo chính sách hỗ trợ của Nhà nước đúng đối tượng, không dàn trải và tránh trục lợi chính sách.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với quan điểm của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc miễn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước tại thời điểm này sẽ không thực sự tác động đến người dân mà chủ yếu có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang làm ăn, kinh doanh có lãi. Do đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về việc chưa trình Quốc hội xem xét miễn giảm khoản này.

Ngọc Mai

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/thoi-su/be-mac-phien-hop-thu-48-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-360626.html