Bé Nấm Lùn - Hiện tượng truyện tranh Việt
Năm 2023, những ứng dụng ngày càng sâu rộng của trí tuệ nhân tạo AI khiến nhận thức của mỗi người về hai chữ 'bản sắc' càng trở nên rõ ràng và sâu sắc. Không phải ngoại ngữ hay kỹ năng mềm, những giá trị văn hóa dân tộc, những giá trị cội nguồn mới là thứ xây đắp nên nền móng cho tư duy và trí tưởng tượng, làm nên sự khác biệt của mỗi cá nhân, phân biệt con người và máy móc.
Và khi lớp học cũng đã được trang bị đa phương tiện, bài giảng được số hóa với đầy ắp hình ảnh và màu sắc đẹp mắt thì những giá trị cội nguồn cũng cần được khoác lớp áo lấp lánh của thời đại để tiếp cận những học trò nhỏ tuổi.
Thế giới cổ tích kỳ ảo trong câu chuyện phiêu lưu học đường
Bé Nấm Lùn là tên của đặc san truyện tranh do báo Tiền Phong hiện đang được đông đảo các em học sinh tiểu học và THCS tìm đọc. Đây là bộ truyện tranh thiếu nhi đầu tiên tại Việt Nam lấy bối cảnh xuyên không vào truyện cổ tích, khai thác những chất liệu dân gian. Nội dung của Bé Nấm Lùn kể về những cuộc phiêu lưu của nhóm bạn Nấm, Cá, Gián và Bi Ve từ thế kỷ XXI hiện đại, thông qua bộ kính chơi game thực tế ảo, đã tình cờ lạc vào thế giới “ngày xửa ngày xưa”. Ở chiều không gian đó, chỉ khi bộ tứ nhân vật chính trải nghiệm hết những diễn biến của câu chuyện cổ tích; gặp gỡ, đồng hành cùng những chị Tấm, Thạch Sanh, chú phượng hoàng “ăn khế trả vàng” chinh phục các thử thách thì mới có thể rời trò chơi.
Các cuộc phiêu lưu kỳ thú trong Bé Nấm Lùn không những giúp độc giả nhí giải trí ngoài giờ học mà còn mang tính giáo dục cao. Mỗi tập truyện giúp bạn đọc củng cố các quan niệm về tốt - xấu, ở hiền gặp lành... Ngoài ra, việc các bạn nhỏ đặt mình vào vai trò của các nhân vật trong thế giới cổ tích, trải nghiệm áp dụng những kiến thức, các tư duy thời hiện đại để xử lý những tình huống của thời “ngày xửa ngày xưa” cũng giúp kích thích trí tưởng tượng, mở rộng góc nhìn, cách nghĩ.
Với nội dung hấp dẫn, Bé Nấm Lùn đang ngày càng thu hút nhiều đối tượng độc giả hơn. Không chỉ bạn đọc nhí say mê hành trình khám phá xứ sở thần tiên của bộ tứ nhân vật Cá, Nấm, Gián, Bi Ve mà chính các bậc phụ huynh cũng được tìm về tuổi thơ qua trang truyện cổ tích thông qua việc đọc và chia sẻ với con mình những câu chuyện trong Bé Nấm Lùn.
Những người làm nên Bé Nấm Lùn là bộ đôi tác giả Nhựt Hoàng+ gồm Nguyễn Thị Minh Nhựt và Trần Hoàng, những họa sĩ gắn bó lâu năm với độc giả nhí của báo Hoa Học Trò và Thiên Thần Nhỏ. Nói về cảm hứng để thực hiện bộ truyện độc đáo này, Minh Nhựt chia sẻ: “Ai cũng đều yêu thích truyện cổ tích. Chúng tôi cũng vậy. Từng tham gia vẽ series phim hoạt hình truyện cổ tích Việt Nam cho đài truyền hình và thực hiện nhiều dự án truyện - phim thiếu nhi cùng các đối tác Nhật Bản, chúng tôi mong muốn được sáng tác một bộ truyện tranh đủ hiện đại để thu hút bạn đọc trẻ Việt Nam, nhưng cũng đủ không gian để giúp các bạn khám phá được kho tàng cổ tích và văn hóa dân gian của đất nước mình. Và Bé Nấm Lùn ra đời”.
Tác giả Minh Nhựt - biên kịch của bộ truyện - cho biết việc lấy cảm hứng từ truyện cổ tích và khai thác chất liệu dân gian vừa có cái khó là nguồn tư liệu hình ảnh cổ xưa khá khan hiếm, nhưng cũng vừa có cái hay là ở mảnh đất này, tác giả được thỏa sức sáng tạo với những sắc màu thần tiên, phép thuật… Có những truyện đã quá quen thuộc rồi thì phải tìm tòi làm mới như thế nào để bạn đọc nhỏ tuổi thấy hứng thú.
Bé Nấm Lùn không đơn thuần thuật lại những câu chuyện cổ tích mà làm mới chúng bằng hành trình xuyên không đầy thú vị của bộ tứ học trò từ thế giới hiện đại. Với truyện cổ tích Tấm Cám, biên kịch Minh Nhựt thay đổi nhân vật chính từ Tấm sang Cám khiến nội dung truyện bị đảo lộn, các nhân vật phải xông pha vào thế giới cổ tích để đưa mọi thứ trở về đúng quỹ đạo.
Cổ phục, trầu têm cánh phượng… tái hiện chân thực qua khung tranh
Bộ đôi tác giả tâm sự, để có một bộ truyện tranh sử dụng chất liệu dân gian chất lượng thì công đoạn tìm tư liệu là khâu khó khăn nhất trong quá trình sáng tác. Mỗi câu chuyện cổ tích đã có sẵn bối cảnh, nhân vật cụ thể nên khi đưa vào Bé Nấm Lùn, Trần Hoàng - họa sĩ chính của truyện - phải nghiên cứu và tìm đọc nhiều tư liệu lịch sử, trang phục và văn hóa thời kỳ đó.
“Chúng tôi mong muốn được sáng tác một bộ truyện tranh đủ hiện đại để thu hút bạn đọc trẻ Việt Nam, nhưng cũng đủ không gian để giúp các bạn khám phá được kho tàng cổ tích và văn hóa dân gian của đất nước mình. Và Bé Nấm Lùn ra đời”.
Minh Nhựt
Anh chia sẻ: “Bản thân chúng tôi cũng rất hào hứng vì có cơ hội tìm tòi, học hỏi thêm rất nhiều. Khi vẽ phân cảnh nhân vật Nấm têm trầu cánh phượng trong tập Bống Bống Bang Bang, tôi phải tìm hiểu nó là gì, xem món đó được làm như thế nào. Hay cảnh Tấm đánh rơi chiếc hài, tôi cũng phải tìm hiểu về trang phục, xem hài thêu hình gì, có thể đính được gì lên”.
Hay khi vẽ áo giáp quân lính, họa sĩ phải tìm hiểu kỹ càng đặc điểm của các bộ giáp Việt Nam, Trung Quốc hay Campuchia. Các đặc điểm phải được thể hiện chân thực với giai đoạn lịch sử đó nhưng vẫn mang dấu ấn phong cách riêng của họa sĩ.
Với nội dung hấp dẫn, Bé Nấm Lùn đang ngày càng thu hút nhiều đối tượng độc giả hơn. Không chỉ bạn đọc nhí say mê hành trình khám phá xứ sở thần tiên của bộ tứ nhân vật Cá, Nấm, Gián, Bi Ve mà chính các bậc phụ huynh cũng được tìm về tuổi thơ qua trang truyện cổ tích thông qua việc đọc và chia sẻ với con mình những câu chuyện trong Bé Nấm Lùn.
Chị Trần Dương Phương Anh (giảng viên Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức) kể: “Ban đầu thấy người bạn giới thiệu bộ truyện tranh này trên Facebook, mình cũng thử đặt mua về và có đọc cùng con tập Bống Bống Bang Bang. Các bạn họa sĩ chuyển hóa ý tưởng đưa truyện cổ tích vào thế giới hiện đại rất hấp dẫn, vừa có ý nghĩa giáo dục vừa mang tính giải trí. Giờ mình lại giới thiệu Bé Nấm Lùn cho các phụ huynh khác, nhiều chị còn mua làm quà tặng các con nữa”.
Bé Nguyễn Ngọc Tường Khuê (lớp 3/8, trường tiểu học Trần Văn Vân, TP.HCM) tự nhận mình là “fan cứng” của bộ truyện cho biết: “Con thích Bé Nấm Lùn vì hình ảnh đẹp, các nhân vật trò chuyện hài hước. Mỗi khi con đi picnic hay về quê nội là lại đem truyện theo đọc. Cứ ra truyện mới con đem vào lớp là các bạn thích lắm, xúm vào đọc cùng”.
Chia sẻ về những định hướng cho bộ truyện, nhóm tác giả cho biết sẽ tiếp tục phát triển thêm những trang tương tác ngay cuối mỗi tập, như trò chơi đố vui về truyện, sticker dán tạo câu chuyện, tô màu, ghép chữ… Định hướng cho tương lai, nhóm tác giả mong muốn kêu gọi được đầu tư để chuyển thể bộ truyện tranh thành phim hoạt hình, đưa Bé Nấm Lùn ra quốc tế để giới thiệu vẻ đẹp dân gian Việt Nam.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/be-nam-lun-hien-tuong-truyen-tranh-viet-post1606295.tpo