Bé Phi Long và chuyện lạ ở một ngôi trường

Ngôi trường dân lập ở vùng nắng gió Ninh Thuận có nhiều câu chuyện lạ khiến ai cũng rưng rưng...

Một lần đi chụp ảnh làng hoa Mỹ Bình về, ngang Trường liên cấp Hoa Sen ở khu K1, TP Phan Rang - Tháp Chàm, chợt nhớ hôm nọ anh bạn Lê Vi, Chủ tịch hội đồng quản trị hệ thống Trường liên cấp Hoa Sen, gửi cho một tấm ảnh cậu bé Phi Long đang nhận giấy khen nhân dịp sơ kết học kỳ 1.

Tôi nghĩ chắc là học sinh tiên tiến đây, nếu vậy hẳn là “kỳ tích” của chú “ngựa hoang” Phi Long. Nhưng rồi Lê Vi nói “Phi Long là học sinh giỏi, anh ạ! Cô giáo chủ nhiệm khen ngoan ngoãn, học tốt và lanh lợi lắm”...

Ông Chủ tịch Lê Vi cùng cậu bé Phi Long. Ảnh: NÚI XANH

Ông Chủ tịch Lê Vi cùng cậu bé Phi Long. Ảnh: NÚI XANH

1. Còn nhớ năm ngoái, khi bạn đọc báo Pháp Luật TP.HCM hỗ trợ kinh phí để cất nhà, mua xe cho gia đình bé Phi Long, tôi hằng ngày theo dõi tiến độ xây nhà, gặp bà nội bé than thở: “Nó học về là vứt sách vở đấy và đi chơi, năm học vừa rồi học tại trường ở quê, cô giáo nói nó học kém lắm, trong lớp toàn nói chuyện”.

Ở với bà nội già bị tai biến và ông bác thì bị bệnh, cha mẹ tứ tán đi làm ăn..., bé Phi Long học như thế thì đâu có gì lạ. Khi Lê Vi ngỏ lời nhận đưa cậu bé về trường để học, miễn toàn bộ học phí, ăn ở, tôi hơi e ngại, sợ một cậu bé nhà quê hơi nghịch ngợm không hòa nhập và học không theo lại các bạn ở trường tại TP. Nào có ngờ đâu mới một học kỳ bé đã tiến triển nhanh đến thế.

Trong khi chờ tan trường, tôi đi lòng vòng quanh trường tìm căn tin để mua cho cậu bé gói bánh, gọi là phần thưởng cho những tiến bộ ấy. Vòng từ hồ bơi, sân bóng đá mini, len qua hàng chuối ra phía sau cũng không thấy đâu. Gặp bác bảo vệ hỏi thăm và nghe trả lời: “Trường không có căn tin đâu anh”. Vài vị phụ huynh đi đón con quay sang nhìn tôi vẻ hơi ngạc nhiên.

Thấy lạ, tôi hỏi một ông lớn tuổi đang ngồi trên xe đạp, chắc là đón cháu: “Ở đây không có căn tin bán quà cho học sinh thật hả chú?”. Ông nhìn tôi một lượt rồi từ tốn trả lời: “Học trò ở trường này, nhà giàu hay nghèo, đi học cũng không mang tiền theo đâu. Kể cũng lạ, một trường học bình thường đấu thầu bán căn tin một năm học cũng cả trăm triệu chứ ít gì”.

Đứng một góc sân trường, nhìn học trò ríu rít nắm tay nhau ra về, đưa mắt tìm ông chủ tịch hội đồng quản trị của trường, định bụng hỏi xem vụ căn tin, tôi thấy Lê Vi đi ra cổng nói chuyện với phụ huynh, hỏi thăm từng học sinh thân mật như người trong nhà. Hình như đây là công việc thường ngày của ông chủ tịch.

2. Cậu bé Phi Long đang chờ cha tới đón, ngồi với Lê Vi ở gốc cây giữa sân trường. Thấy tôi tới gần, Phi Long đứng dậy khoanh tay chào. Tôi hỏi cậu bé: “Học ở đây có thích không cháu?”, Phi Long dõng dạc trả lời ngay: “Dạ có”. Tôi hỏi luôn vì sao thích. Ngập ngừng một chút, cậu bé nói: “Dạ, ở đây được cô thương, bạn quý, cái gì cũng thích... và được ăn ngon hơn ở nhà”.

Thấy cha tới đón, Phi Long vòng tay: “Thưa ông, con về. Chào... chú Vi con về”. Thấy tôi ngạc nhiên, Lê Vi cười nói: “Học trò ở đây từ lớp 1 tới lớp 12 đều chào tôi như thế và không chỉ mình anh ngạc nhiên đâu, ban đầu phụ huynh ai cũng thắc mắc và bắt con phải khoanh tay cúi đầu “chào thầy”. Tôi muốn học sinh của mình nghiêm túc, tôn trọng thầy cô khi trong lớp học nhưng ngoài giờ học thì phải luôn thân thiết như người trong gia đình.

Nói như vậy không phải là “xuề xòa cá mè một lứa”, bởi nhà trường luôn coi việc trau dồi cho các em kiến thức phải đi đôi với rèn luyện đạo đức, như sinh thời ngày xưa Bác Hồ đã nói với học sinh “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Sắp tới đây nhà trường mỗi tuần sẽ tổ chức sân khấu hóa môn luân lý và các lớp thay phiên nhau thực hiện một chủ đề theo định hướng của nhà trường. Rồi trường cũng thí điểm cho học sinh ra phục vụ tại quán cơm Nụ Cười để trải nghiệm thực tế. Mong muốn của tôi là: Học sinh là người có ích cho tổ quốc mai sau”.

3. Chủ văn phòng luật sư, mở quán cơm Nụ Cười cho người nghèo, chủ tịch hội đồng quản trị trường liên cấp có tới bốn cơ sở..., bao việc như vậy anh không mệt hay sao?

Lê Vi cười chia sẻ: “Mệt chứ anh nhưng tôi thấy hạnh phúc khi được làm những việc này”. Lê Vi kéo tôi ra cổng, đến bên một cậu bé bầu bĩnh đang ngồi trên xe và hỏi: “Anh biết cậu bé này không?”. Không chờ tôi trả lời, anh tiếp luôn: “Đây là con trai của liệt sĩ phi công Nguyễn Anh Tú bị tử nạn trong vụ máy bay Su-22 gặp nạn tại vùng biển Bình Thuận ngày 16-4-2015.

Cũng giống như bé Phi Long và những bé mồ côi có hoàn cảnh quá khó khăn, không đợi gia đình làm đơn xin hay ai giới thiệu, tôi chủ động đề nghị với gia đình cho cháu được nhập trường và miễn mọi chi phí ăn, học. Trong trường nhiều cháu có hoàn cảnh khó khăn nên tôi cố gắng làm sao cho tất cả học sinh dù con nhà khá giả hay nghèo đều bình đẳng trong sinh hoạt và học tập”.

Phi Long chính là em bé trong ca phẫu thuật tách đôi hai bé dính liền Phi Long - Phi Phụng tại BV Nhi đồng 2, TP.HCM ngày 26-11-2014.

Người anh em song sinh của bé đã qua đời hai tháng sau ca mổ, ngày 29-1-2014. Sự kiện này được TS-BS Trương Quang Định ghi lại với bức ảnh “Nụ hôn vĩnh biệt” khi bé Phi Long hôn người anh em song sinh của mình.

Trời sập tối, gió bấc luồn rào rào bên hàng chuối, sân bóng đá, bóng rổ cũng đã vắng bóng học trò. Nhìn ra ngoài cổng còn hai cô bé chưa thấy cha mẹ đón, Lê Vi nói với tôi: “Nhà hai bé này ở xa hơn 10 km, cha mẹ thường hay đón trễ, để tôi đưa các cháu vào phòng chờ cho ấm, ngồi ngoài gió lạnh lại bệnh”.

Chia tay về, đi ra tới phố mới chợt nhớ là chưa hỏi ông Chủ tịch Lê Vi vì sao trường không có căn tin nhưng có lẽ cũng không cần hỏi nữa, bởi câu trả lời đã có rồi mà.

Trường này có nhiều cái lạ lắm. Tết này ghé trường xem gói bánh chưng, bánh tét, tôi sẽ kể tiếp cho mọi người nghe về một ngôi trường đại học dân lập đầu tiên sắp được mở trên mảnh đất Ninh Thuận đầy nắng gió này...

NÚI XANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/be-phi-long-va-chuyen-la-o-mot-ngoi-truong-961422.html