Bé sơ sinh bị bỏ rơi với dòng chữ 'Con anh đó anh Hưng': Mẹ có quyền đánh đổi cuộc đời con?
Đứa bé khoảng 1 tháng tuổi bị bỏ rơi ngoài công viên ở TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai với lời nhắn 'Con anh đó anh Hưng'. Lời nhắn vô tâm chỉ nhằm trút bỏ nỗi oan ức, tủi nhục của người mẹ không đủ dũng khí chăm sóc, nuôi lớn con đến hết cuộc đời.
Đã nhiều ngày trôi qua, chính quyền phường Xuân Hòa, TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào đến nhận lại đứa trẻ được bỏ rơi ngoài công viên với mảnh giấy ghi dòng chữ “Con anh đó anh Hưng”.
Trong túi xách, người nhà còn để lại quần áo, sữa, bịch bỉm nhưng lại không có thông tin địa chỉ cụ thể và số điện thoại của “anh Hưng” nên phường không trực tiếp liên hệ được với người theo suy đoán là cha của cháu bé.
Một đứa trẻ bất hạnh sắp trở thành trẻ mồ côi theo cái cách nhẫn tâm nhất mà hai kẻ tạo ra bé quyết định.
“Con anh đó anh Hưng” - câu nhắn gửi vô trách nhiệm của người làm mẹ. Nếu đã viết ra được bấy nhiêu chữ sao người mẹ giấu mặt ấy lại không cho cộng đồng một số điện thoại, một địa chỉ cụ thể nào đó để hy vọng tìm kiếm.
Một dòng chữ vô tâm không có chủ đích giúp bé tìm được người thân. Nó chỉ mang một sắc thái vô cảm, giằng xé “anh Hưng” nào đó mà chỉ có “anh Hưng” và người mẹ giấu mặt ấy biết rõ. Biết đâu, “anh Hưng” cũng không biết có sự hiện diện của một đứa trẻ vô tội ở trên đời liên quan đến mình.
Có biết bao nhiêu người mẹ đơn thân chấp nhận khó khăn, cuộc sống bủa vây bởi nước mắt để nuôi dưỡng đứa con trót sinh ra trong hoàn cảnh không mong muốn?
Có những cô gái chưa chồng chấp nhận điều tiếng để nuôi con, những ông bà ngoại già chấp nhận bảo bọc con gái – cháu ngoại bởi nó là máu mủ, ruột thịt.
Nhưng vẫn còn đó, vài bà mẹ không đủ dũng khí nuôi con một mình, không đủ tỉnh táo để sửa chữa sai lầm. Họ lén lút bỏ con trước cổng chùa, nhà dân, hay bụi cây, bờ kênh… để số phận run rủi định đoạt cho cuộc đời đứa trẻ.
“Con anh đó anh Hưng”, hóa ra đứa trẻ này chỉ có cha tên Hưng còn mẹ của nó không hiện diện, không cần biết đến. Một lời nhắn gửi cho thấy một người mẹ nhẫn tâm hơn cả chữ nhẫn tâm, phủi sạch trách nhiệm của một người mẹ.
Lúc này, người mẹ giấu mặt ấy chỉ thấy mình đã rũ bỏ được một gánh nặng, trút được sự hờn oán lên người tình tên Hưng mà không thấy mình là một người mẹ tồi. Một đứa trẻ không có cha lại bị chính mẹ ruột rũ bỏ thì ai mới là người đáng trách?
Trong khi đó, luật pháp đã quy định rõ, hành vi vứt bỏ trẻ sơ sinh của cha mẹ dù vì lý do gì đi chăng nữa đều là hành vi đáng lên án, cần phải ngăn chặn. Hành vi vứt bỏ con đẻ có thể bị xử lý hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 nếu có đủ căn cứ và cấu thành tội.
Nếu việc vứt bỏ là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp làm trẻ sơ sinh tử vong, người mẹ có thể bị truy tố tội Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ theo quy định Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Trường hợp, đứa trẻ bị vứt bỏ không chết, cha mẹ vứt bỏ con có thể bị xử lý hành chính theo quy định Nghị định số 144/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 29/10/2013. Cha mẹ bỏ rơi con có thể bị phạt hành chính từ 10 – 15 triệu đồng và bị buộc thực hiện trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc con theo quy định.
Dẫu chưa biết đến quy định của pháp luật thì về mặt đạo lý, “không có gì bằng cơm với cá, không có gì bằng má với con”, vậy mà, người mẹ ấy lại bỏ rơi con khi nó còn chưa thể tự bảo vệ mình.
Khi lớn lên, đứa trẻ năm nào cầm trên tay mảnh giấy “Con anh đó anh Hưng” sẽ nghĩ gì? Không ai rõ những đớn đau, cô độc mà đứa trẻ ấy đối diện nhưng một đứa trẻ bị bỏ rơi luôn có cách để biện hộ và tha thứ cho cha mẹ của mình.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả