Bé sơ sinh có kháng thể trong máu chống lại các kháng nguyên phổ biến
Có nhóm máu rất hiếm, kháng thể trong máu chống lại các kháng nguyên phổ biến, bé trai 20 ngày tuổi đã được cứu sống kỳ tích với sự phối hợp chặt chẽ trong hội chẩn, theo dõi, điều trị và tìm kiếm máu của Bệnh viện Nhi và Viện Huyết học Truyền máu Trung ương.
Khi được 20 ngày tuổi, bé L.T.Đ. (ở Quảng Ninh) xuất hiện vàng da vùng mặt sau đó tăng dần. Đến ngày 22, bé vàng da toàn thân, sốt nhẹ, ho, được gia đình đưa tới Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh.
Bé được chẩn đoán thiếu máu tan máu do miễn dịch, lượng huyết sắc chỉ đạt 59 g/l, nhiễm khuẩn sơ sinh, bệnh viện không thể tìm được đơn vị máu phù hợp để truyền.
Ngày 10/2, bé được chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng thiếu máu nặng, lượng huyết sắc tố chỉ còn 43 g/l (bằng 1/3 so với chỉ số bình thường), vàng da nhẹ, suy hô hấp (thở máy chỉ số thấp).
Bác sĩ làm các xét nghiệm sàng lọc sơ sinh của bé đều hoàn toàn khỏe mạnh, không có gì bất thường. Gia đình bé không có ai gặp phải bệnh lý về máu, mẹ cũng chưa từng phải truyền máu.
Bệnh viện Nhi Trung ương đã làm làm xét nghiệm giữa máu của bé và tất cả các đơn vị máu hiện có, cùng nhóm máu với bé (nhóm O), nhưng không có đơn vị máu nào hòa hợp.
Sau khi bé nhập viện, Bệnh viện Nhi Trung ương đã lập tức liên hệ Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương để hội chẩn tìm nguyên nhân thiếu máu và phối hợp chặt chẽ, nỗ lực tìm kiếm đơn vị máu phù hợp cho bé.
TS.BS Hoàng Thị Thanh Nga - Trưởng khoa Huyết thanh học nhóm máu, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, bé có nhóm máu O Rh(D) dương - là nhóm máu phổ biến ở Việt Nam với khoảng 45% dân số. Nhưng trên thực tế có đến 43 hệ thống nhóm máu với 376 kháng nguyên hồng cầu khác nhau.
Trong máu của bé có kháng thể chống lại các kháng nguyên phổ biến nên vô cùng khó khăn để tìm được đơn vị máu phù hợp. Để bảo đảm an toàn trong truyền máu, ngoài việc hòa hợp hệ nhóm máu ABO và Rh(D), còn cần phải hòa hợp kháng nguyên của các hệ thống nhóm máu khác nữa.
Ngày 13/2, huyết sắc tố của bé chỉ có 41 g/l, xét nghiệm tủy đồ cho kết quả dòng hồng cầu sinh bình thường nhưng kém biệt hóa; chụp CT thấy có ít dịch trong ổ bụng và hình ảnh thành mạch đã xơ hóa.
Dù Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương rất nỗ lực tìm kiếm, huy động người hiến máu (có thể có khả năng phù hợp); đồng thời tiến hành xét nghiệm hòa hợp hàng trăm đơn vị máu nhóm O, nhưng vẫn chưa chọn được máu cho bé.
PGS.TS Nguyễn Hà Thanh - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết: “Tại thời điểm đó, câu chuyện của bé đã lay động cộng đồng mạng tại Việt Nam và cộng đồng người nước ngoài. Chúng tôi rất cảm ơn tinh thần đoàn kết, chia sẻ quốc tế, hỗ trợ của Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam và rất nhiều người hiến máu đã đến theo lời mời của Viện. Chỉ tiếc là vẫn chưa thể tìm được máu phù hợp.
Thật may mắn, đến chiều 17/2, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã tìm được người hiến máu phù hợp”.
Đơn vị máu đó được xét nghiệm sàng lọc an toàn và tách thành 3 đơn vị nhỏ để phù hợp với trẻ sơ sinh: 2 đơn vị thể tích 100 ml và 1 đơn vị 50 ml.
Trong 3 ngày, bé được truyền 2 đơn vị máu và không xảy ra phản ứng, các chỉ số hồng cầu, huyết sắc tố được cải thiện.
Sau 1 tháng nỗ lực điều trị, bé đã được xuất viện trong niềm hạnh phúc của gia đình và các y bác sĩ 2 bệnh viện.