Bế tắc trong triển khai các dự án giết mổ gia súc, gia cầm
Do gặp nhiều vướng mắc về thủ tục đầu tư, hàng loạt dự án giết mổ gia súc, gia cầm tại TP Hồ Chí Minh bị chậm tiến độ, gây lãng phí đất đai, trong khi người dân thành phố tiếp tục phải sử dụng nguồn thực phẩm từ các lò mổ thủ công không bảo đảm chất lượng...
Do gặp nhiều vướng mắc về thủ tục đầu tư, hàng loạt dự án giết mổ gia súc, gia cầm tại TP Hồ Chí Minh bị chậm tiến độ, gây lãng phí đất đai, trong khi người dân thành phố tiếp tục phải sử dụng nguồn thực phẩm từ các lò mổ thủ công không bảo đảm chất lượng...
Vướng cái mương nước!
Năm 2015, dự án Nhà máy giết mổ gia súc Xuyên Á (Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) do Công ty TNHH An Hạ đầu tư xây dựng theo chủ trương kêu gọi đầu tư của UBND thành phố Hồ Chí Minh. Ðể kịp tiến độ, công ty xin phép cơ quan chức năng thực hiện trước các hạng mục phụ san lấp mặt bằng, xây dựng hàng rào, cổng nhà máy và hoàn thành hệ thống xử lý nước thải, nhập máy móc thiết bị... Thế nhưng, chỉ vì vướng một con mương có diện tích 387 m2 là đất công nằm xen kẹt trong dự án mà suốt từ năm 2018 đến giữa năm 2020, công ty không được giao đất, không được cấp phép xây dựng. Kiên trì "kêu cứu", đến ngày 14-10-2020, UBND thành phố Hồ Chí Minh có Quyết định số 3845/QÐ-UBND cho Công ty TNHH An Hạ thuê đất với hình thức đóng tiền thuê đất hằng năm. Bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH An Hạ cho biết, điều này "giống như một đòn kết liễu" công ty sau thời gian sống thoi thóp, bởi nếu trả tiền thuê đất hằng năm, doanh nghiệp (DN) không thể đem dự án thế chấp ngân hàng vay vốn xây dựng nhà máy. Bà Thắm bức xúc: "Trước đó, để xây dựng cơ sở hạ tầng và nhập khẩu máy móc, chúng tôi đã huy động toàn bộ nguồn tiền từ gia đình đổ vào hơn 100 tỷ đồng từ năm 2018 đến nay. Toàn bộ máy móc nhập về cũng bị gỉ sét do để không quá lâu". Theo bà Thắm, tính từ thời điểm công ty được cấp quyết định chủ trương đầu tư cho đến nay, Luật Ðất đai năm 2013 vẫn cho phép DN, đặc biệt là DN sử dụng đất cho mục đích sản xuất, kinh doanh được lựa chọn hình thức thuê đất đóng tiền hằng năm hay một lần cho cả thời gian thuê. Nay thành phố không vận dụng Luật Ðất đai để DN được thuê đất trả tiền một lần sẽ đẩy Công ty TNHH An Hạ vào tình trạng phá sản vì không vay được vốn để hoàn thành dự án.
Trễ hạn các dự án giết mổ công nghiệp
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ có dự án của Công ty TNHH An Hạ, một số dự án khác trong kế hoạch hiện đại hóa ngành giết mổ gia súc, gia cầm của thành phố cũng đang gặp khó khăn về thủ tục đầu tư. Ông Ðàm Văn Hoạt, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại thịt an toàn và dinh dưỡng cho biết: Nguồn gốc đất để xây dựng nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm tại xã Phú Hòa Ðông (huyện Củ Chi) của công ty được mua từ hình thức đấu giá. Tháng 5-2019, dự án được UBND thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận đầu tư. Tháng 7-2019, công ty nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng dự án. Tuy nhiên, suốt từ đó đến nay, sau hàng loạt ý kiến và công văn của các sở, ngành, nhà máy vẫn chưa thể xây dựng vì chưa được cấp phép. Theo ông Hoạt, nếu các cơ quan quản lý nhà nước không chấp thuận cho đầu tư làm nhà máy nữa thì cũng cho DN sang tên sổ đất và chuyển sang mục đích khác nhằm tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất, giúp thu hồi vốn cho DN.
Tại cuộc họp về tiến độ thực hiện các dự án giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh mới đây, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố cũng cho rằng, việc không cho Công ty TNHH An Hạ nộp tiền thuê đất một lần là quá cứng nhắc và hoàn toàn không đúng quy định. Ðất mà Công ty TNHH An Hạ xây dựng nhà máy là của công ty mua, bản chất đây là đất sở hữu của công ty tư nhân chứ không phải đất Nhà nước cho thuê. Do đó, công ty hoàn toàn có quyền được đóng tiền thuê đất một lần chứ không phải hằng năm theo tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết, các chủ đầu tư vào chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm gặp rất nhiều khó khăn về pháp lý khi thực hiện các dự án xây dựng nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, dẫn đến tiến độ các dự án chậm so với kế hoạch đề ra. Cụ thể: Nhà máy giết mổ gia cầm tại xã Tân Thạnh Tây (huyện Củ Chi) của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn đang vướng việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 cho nên chưa thể khởi công xây dựng; Nhà máy chế biến thực phẩm Tân Hiệp tại xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn) của Hợp tác xã Tân Hiệp đang vướng kết nối giao thông cho nên chưa được cấp phép xây dựng… Trước tình trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng trên địa bàn nhanh chóng giải quyết các vướng mắc để các dự án sớm đi vào hoạt động. Thế nhưng, đến nay, mọi kiến nghị vẫn chỉ nằm trong giấy.