Bé trai 15 tháng tuổi tử vong bất thường chỉ sau 4 ngày gửi ở nhà trẻ không phép
Vì công việc bận rộn, vợ chồng anh Khẳm phải gửi con ở một nhà trẻ tự phát. Không ngờ vừa gửi con được 4 ngày thì gia đình anh đã phải nhận tin dữ.
Bé 15 tháng tuổi tử vong sau 4 ngày gửi trẻ
Gạt đi nước mắt, anh Nguyễn Thành Khẳm (28 tuổi; ngụ phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) kể lại trên báo Người Lao Động, đầu tháng 6, vợ chồng anh bắt đầu gửi con trai Ng.T.K. (15 tháng tuổi) tại nhà trẻ của bà Võ Thị Gái, ngụ cùng địa phương.
Khoảng 17h30 ngày 5/6, anh Khẳm đến nhà trẻ bà Gái đón về thì thấy con mình nằm ngủ mê man. Lúc này, bà Gái lấy mũ đội lên đầu cháu K., rồi anh Khẳm chở cháu về nhà.
Khi về đến nhà, anh Khẳm bất ngờ phát hiện trên trán cháu có vết bầm đen, dấu hiệu sưng to.
Vợ chồng anh Khẳm đau buồn kể lại sự việc. Ảnh: báo Pháp Luật
“Ngay sau đó, vợ tôi đi lên nhà trẻ bà Gái để hỏi chuyện, bà này nói buổi sáng, cháu bị té ngã. Sau đó, cháu bị sốt nên chúng tôi cho cháu uống thuốc hạ sốt”, anh Khẳm kể lại với báo Dân Việt.
Tuy nhiên, sau đó nhận thấy cháu K. có nhiều biểu hiện bất thường, gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định để cấp cứu.
Tại bệnh viện, các bác sĩ cho biết, cháu bị chấn thương sọ não, đầu có máu tụ, vết rạn… Đến ngày 8/6, cháu K. tử vong.
“Con chúng tôi bị té từ sáng nhưng tại sao bà Gái vẫn không báo cho gia đình mà lại để từ sáng đến chiều tối, làm cho tình hình của cháu nguy kịch hơn. Trong khi đó, bố cháu đến đón con, bà Gái lấy mũ trùm đầu cháu lại. Đến lúc chở con về, bố cháu mới phát hiện trên đầu con có vết bầm đen, sưng lên”, đại diện gia đình anh Khẳm bức xúc phản ánh.
Bé K. thời điểm được cấp cứu trong bệnh viện. Ảnh: báo SGGP
Nhóm trẻ không phép đã hoạt động 14 năm
Vợ chồng anh Khẳm cưới nhau vào năm 2017 và đến nay chỉ có một đứa con duy nhất là cháu K. Vợ chồng anh mới gửi con cho bà Gái giữ ngày 2/6 thì đến ngày 5/6 cháu gặp nạn. Trước khi xảy ra sự việc, anh làm công nhân gỗ, còn vợ làm công nhân may cho các công ty tại địa phương. Vợ chồng anh đang sống với cha mẹ già.
“Có phải như bà Gái bảo rằng cháu bị té xe lắc hay không, hay cháu bị bạo hành. Bởi cháu bị tụ máu ở não và nứt sọ thì phải một lực rất lớn tác động vào đầu cháu, chứ không đơn giản là té xe lắc. Chúng tôi mong ngành chức năng sớm tìm ra sự thật để trả lại công bằng cho con tôi”, anh Khẳm nói trên báo Pháp Luật.
Ngày 7/7, trao đổi với bà Nguyễn Thị Tường Vi - Chủ tịch UBND phường Bùi Thị Xuân, cho biết: “Điểm giữ trẻ tại nhà bà Gái là tự phát, không có giấy phép, hoạt động đã 14 năm. Tại thời điểm xảy ra sự việc, bà đang giữ 5 cháu bé. Ngay sau khi xảy ra sự việc, địa phương đã yêu cầu bà Gái chấm dứt hoạt động giữ trẻ. Bà Gái có nói là cháu K. bị té xe lắc vào 9h ngày 5/6, còn nguyên nhân về cái chết của cháu K. như thế nào thì hiện đang được cơ quan công an điều tra làm rõ”, bà Vi cho biết.
Ngôi nhà cũng là điểm giữ trẻ không phép của bà Gái. Ảnh: báo Pháp Luật.
Cũng liên quan đến vụ việc, theo ông Nguyễn Xuân Tịnh - cán bộ văn hóa, xã hội phường Bùi Thị Xuân, trên địa bàn có nhiều công ty, xí nghiệp, do vậy nhu cầu lao động rất cao. Những cặp vợ chồng trẻ ở đây hầu hết đều tham gia làm công nhân nên họ phải gửi con để đi làm.
Tuy nhiên, theo quy định, các trường mẫu giáo, mầm non tư thục chỉ được nhận trẻ từ 36 tháng tuổi trở lên. Trong khi đó, con của những công nhân này đều rất nhỏ nên họ phải gửi ở những điểm giữ trẻ tự phát như nhà bà Gái.
“Ở địa phương hiện có 29 điểm giữ trẻ tự phát như nhà bà Gái. Có cung ắt có cầu nên cấm hẳn thì rất khó. Vậy nên, chính quyền địa phương thường xuyên tăng cường kiểm tra về cơ sở vật chất, vệ sinh thực phẩm cho các cháu; đồng thời nhắc nhở các điểm giữ trẻ không được bạo hành các cháu, phải có đạo đức nghề nghiệp, có lòng yêu thương trẻ”, ông Tịnh cho biết trên báo Pháp Luật.