Bé trai 4 tuổi tử vong bất thường, bệnh viện nói gì?
Cháu bé 4 tuổi nhập viện được bác sĩ chẩn đoán viêm ruột. Thế nhưng đến sáng hôm sau, sau khi truyền dịch, cháu bắt đầu co giật, mê sảng và tử vong. Trước sự việc trên, người nhà nạn nhân đặt câu hỏi: Tại sao cháu bị viêm ruột lại tử vong nhanh như vậy?
Sáng 1-11, trong cơn mưa tầm tã, chúng tôi tìm đến nhà cháu Võ Vũ Minh Đ. (2019, trú thôn Dương Đàn, xã Tam Dân, H.Phú Ninh, Quảng Nam). Lúc này, gia đình và làng xóm đang tổ chức tang lễ cho cháu. Trong căn nhà cấp 4 chật hẹp, mọi người ai cũng nghẹn ngào trước cái chết bất ngờ, đột ngột của cháu. Cạnh đó, mọi người cũng thăm hỏi, động viên cha mẹ cháu là anh Võ Văn Diệu (1985) và chị Võ Thị Thúy Loan (1989) cố gắng vượt qua nỗi đau thương, mất mát này. Qua tìm hiểu được biết, vợ chồng anh Diệu có 2 cháu, cháu gái lớn mới học lớp 4, còn cháu Đ. là trai út. Chị Loan làm công nhân tại KCN Tam Thăng (TP Tam Kỳ), còn anh Diệu thì đau cột sống, không làm được việc nặng, ở nhà làm nông.
Dưới màn mưa nặng hạt, nén nước mắt, anh Võ Văn Diệu kể lại: Cách đây hơn một tuần, cháu Đ. bị đau bụng nên gia đình mua thuốc cho bé uống và bé đã khỏe lại, ăn uống bình thường. Sau khi hết đau, cháu đã đi học lại được 1 tuần. Đến hôm thứ hai (30-10), khi đang học ở trường, cháu nói đau bụng, khó ăn uống nên cô giáo gọi điện cho anh đến đón về. Đến tối cùng ngày, thấy cháu ăn vào bị nôn, hai vợ chồng anh quyết định đưa bé đến Bệnh viện Phụ sản – Nhi Quảng Nam (BVPSN Quảng Nam, TP Tam Kỳ) thăm khám. Bác sĩ cho nhập viện điều trị với chẩn đoán bị viêm đường ruột. Cháu Đ. được truyền nước, được đưa đi siêu âm. Dù vậy, tình trạng nôn ói vẫn không cải thiện. Đến sáng 31-10, gia đình cho cháu uống thuốc chống nôn, nhưng cứ ăn uống vào là cháu Đ. lại nôn ói. “Sau khi BV giao ban, gia đình có phản ánh với bác sĩ là cháu nôn nhiều. Sau đó, nhân viên y tế truyền thêm một bình nước và tiêm thuốc cho cháu. Sau khi tiêm thuốc, cháu Đ. vùng vẫy, co giật, khoảng 15 phút sau thì mệt lả người, liên tục nôn ói, nói năng mất kiểm soát, không còn nhận biết mọi thứ xung quanh”.
Thấy dấu hiệu bất thường, gia đình kêu cứu bác sĩ và cháu Đ. được đưa vào phòng cấp cứu. Hơn 30 phút sau, vợ chồng anh Diệu nhận thông tin con trai mình đã không qua khỏi. “Vợ chồng tôi thấy con nôn ói, lo lắng nên đưa vào BV cho an tâm. Nào ngờ bây giờ lại nhận xác con đem về như vậy. Bác sĩ nói con trai tôi chỉ bị viêm ruột, thế nhưng không hiểu BV điều trị như thế nào mà để cháu chết đột ngột như vậy. Vợ chồng tôi cần lời giải thích rõ ràng từ BV”- anh Diệu bức xúc nói.
Trước sự việc đau lòng trên, chiều cùng ngày, trao đổi với chúng tôi, BVPSN Quảng Nam cho rằng, cháu Đ. bị viêm đường ruột nhưng nhiễm siêu vi dẫn đến viêm cơ tim thể tối cấp nên tử vong rất nhanh. “Qua bệnh án cho thấy, bệnh nhân nhập viện lúc 20 giờ 30 ngày 30-10. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bị viêm đường ruột nên cho truyền dịch. Đến khoảng 2 giờ ngày 31-10, cháu tiếp tục đau và mệt nên bác sĩ thăm khám, siêu âm. Do lúc này không phát hiện thấy gì bất thường nên không can thiệp gì thêm. Đến khoảng 8 giờ 30, bé diễn biến mệt, lơ mơ nên chuyển qua Khoa Hồi sức tích cực. Tại đây cháu bé ngưng tim, ngưng thở, các y bác sĩ tích cực hồi sức nhưng không thành công. Sau 1 tiếng thì bé mất”-, bác sĩ Huỳnh Thị Thanh Thúy – Trưởng Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh nói.
Nói về nguyên nhân dẫn đến cháu bé bị mất đột ngột, bác sĩ Thúy cho rằng: “Trong y khoa có những giới hạn không thể điều trị được, đặc biệt là những bệnh vi-rút. Bệnh vi-rút của đường ruột có nhiều trường hợp tấn công lên cơ tim. Riêng đối với cháu Đ. nguyên nhân tử vong được chẩn đoán là viêm cơ tim thể tối cấp do vi-rút. Bệnh lý này diễn ra rất nhanh, đột ngột, cấp tính mà trước đó không phát hiện được. Việc này BV cũng đã tư vấn cho nhiều người nhà trong gia đình cháu bé. Riêng đối với bố mẹ có thể lúc đó đau lòng nên chưa tiếp nhận được những thông tin đó”.
Về việc anh Diệu cho rằng, trước khi cháu bị co giật, BV có tiêm một mũi thuốc. Lý giải cho việc này, bác sĩ Huỳnh Thị Thanh Thúy cho rằng, trước đó do chẩn đoán cháu bị viêm đường ruột nên bác sĩ không có chỉ định dùng thuốc. “Cháu chỉ được thông ven, truyền dịch chứ không có tiêm thuốc. Người nhà thấy bơm tiêm cho thể đó là bơm tiêm dùng để thông ven chứ không phải dùng tiêm thuốc” - bác sĩ Thúy lý giải.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/be-trai-4-tuoi-tu-vong-bat-thuong-benh-vien-noi-gi-post285846.html