Bé trai 7 tuổi nuốt chiếc kèn nhựa vào phế quản mà không biết
Mỗi khi bé trai 7 tuổi hít thở, người nhà nghe thấy tiếng kèn phát ra cùng với nhịp hít thở của bé. Sau đó, bé ho khan, rồi ho có đàm, bất ngờ bác sĩ phát hiện 1 chiếc kèn nằm trong phế quản của bệnh nhi.
Ngày 24.4, TS-BS Nguyễn Thanh Vinh - Phó giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM cho hay bệnh viện vừa phát hiện và nội soi thành công lấy ra một chiếc kèn bằng nhựa nằm ở phế quản gốc trái của một bé trai 7 tuổi.

Chiếc kèn nhựa nằm ở phế quản gốc trái của bé trai Đ.X.P (7 tuổi) đã được các bác sĩ phát hiện và nội soi lấy ra - Ảnh: BVCC
Theo người nhà của bé trai Đ.X.P (7 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Nông), cách nhập viện 2 tuần, bé P. có kể với mẹ là đang chơi thổi kèn thì bị ho sặc (người lớn không thấy). Sau đó P. ho khan, xen kẽ ho đàm, đôi khi có nghe thấy tiếng kèn phát ra cùng với nhịp hít thở.
Bệnh nhân được gia đình đưa đến khám tại 2 cơ sở y tế ở địa phương nhưng không phát hiện gì nên cấp toa thuốc. Sau khi uống thuốc, cháu P. vẫn còn ho nên được gia đình đưa đến khám tại Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM.
TS-BS Nguyễn Thanh Vinh cho biết qua khai thác bệnh sử, và thăm khám, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị dị vật đường thở. Bệnh nhi được chỉ định chụp CT-scan vùng ngực kiểm tra. Kết quả CT-scan ghi nhận bệnh nhi có dị vật ở phế quản gốc trái, dài 10mm, cản tia thấp, hình ống. Bệnh nhân được chẩn đoán dị vật đường thở N15 (phế quản gốc trái) và được làm các xét nghiệm cần thiết để nội soi phế quản ống cứng lấy dị vật.
BSCK2 Nguyễn Thanh Tùng (người trực tiếp nội soi bệnh nhân), cho biết, ê kíp tiến hành nội soi phế quản ống cứng lấy được dị vật là 1 chiếc kèn nhựa hình ống. Sau lấy dị vật, bệnh nhân tiếp tục được điều trị nội khoa ngừa nhiễm trùng.
“Dị vật đường thở có thể gây một số biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, tràn khí màng phổi, viêm trung thất,.. thậm chí có thể tử vong nếu không xử trí kịp thời lấy dị vật”, bác sĩ Tùng cho biết thêm.
Từ trường hợp trên, TS-BSCK2 Nguyễn Thanh Vinh - Phó giám đốc bệnh viện khuyến cáo:
Khi một dị vật xâm nhập vào đường thở, bệnh nhân có thể có hội chứng xâm nhập (ho sặc sụa, tím tái, khó thở rít, thở co kéo). Một số trường hợp dị vật đường thở bỏ quên có thể ghi nhận tình trạng ho kéo dài, đau tức ngực hoặc ho ra máu mà đi điều trị nội khoa nhiều nơi không cải thiện.
Tùy loại dị vật mà có thể gây biến chứng khác nhau như: dị vật là kim loại trơ sẽ gây ít biến chứng nhưng có thể di chuyển đến cấu trúc nguy hiểm. Còn dị vật là các loại hạt, xương cá, gà... dễ gây viêm nhiễm xung quanh dẫn đến viêm phổi, viêm trung thất, hoặc áp xe...
“Để phòng ngừa dị vật xâm nhập vào đường thở của trẻ, cha mẹ không ép trẻ ăn uống khi đang khóc; không để trẻ cười đùa lúc ăn uống; không cho trẻ chơi đồ chơi nhỏ, lắp ráp từ nhiều bộ phận nhỏ; tập cho trẻ thói quen không ngậm đầu bút, nắp bút, kèn… Đối với người lớn có bệnh lý nằm tại giường, bị hạn chế vận động, thì cẩn thận khi cho ăn uống”, bác sĩ Vinh khuyến cáo.