Bé trai 9 tuổi suy thận cấp vì bị đánh vào mông, bác sĩ cảnh báo 4 vị trí đánh trẻ có thể gây tử vong
Giống như nhiều bậc phụ huynh khác, mẹ của Tiểu Ngô quan niệm rằng 'thương cho roi cho vọt'. Nhưng cô không thể ngờ hành động của mình lại có thể khiến con trai suýt mất mạng vì suy thận cấp.
Ảnh minh họa
Một người phụ nữ khoảng 30 tuổi hớt hải bế con chạy vào phòng cấp cứu của Bệnh viện Chiết Giang (Trung Quốc). Cô òa khóc nức nở, quỳ xuống cầu xin các y bác sĩ hãy cứu lấy con mình. Đứa bé đột nhiên không thể đi tiểu được, sau đó nôn mửa dữ dội, lên cơn co giật rồi ngất đi.
Bác sĩ vội vã kiểm tra tình trạng của Tiểu Ngô (tên nhân vật đã được thay đổi) và phát hiện cậu bé có các dấu hiệu của suy thận cấp. Sau khi sơ cứu, lập tức chuyển cậu sang Trung tâm chạy thận nhân tạo thuộc Khoa Thận của bệnh viện. Sau nhiều nỗ lực, Trưởng khoa Giang Hân Hân cuối cùng cũng thành công đưa Tiểu Ngô thoát khỏi trạng thái nguy kịch.
Mẹ của Tiểu Ngô nghe tin con đã bình an lại càng khóc dữ dội hơn, cả người cô không còn sức lực đến mức y tá phải dìu vào phòng nghỉ. Ngay khi gặp bác sĩ Giang, cô lại bắt đầu òa khóc và liên tục tự đánh vào người mình. Cô nói rằng con trai bị bệnh như vậy tất cả là do mình.
Hóa ra, bố mẹ Tiểu Ngô ly hôn đã nhiều năm, cậu bé sống với mẹ. Kết hôn, sinh con rồi ly hôn khi còn trẻ, gia đình vốn lại nghèo nên cô rất chật vật để nuôi con ăn học. Cô làm nhiều công việc cùng lúc, ngày nào cũng dậy từ sáng sớm rồi làm việc đến tận đêm khuya. Con trai ngày càng lớn, ngoài áp lực về kinh tế thì cậu bé cũng ngày càng nghịch ngợm, khiến người làm mẹ như cô nhiều khi không giữ được bình tĩnh mà ra tay đánh con.
Trước kia, cô vốn là một người rất nhẹ nhàng, còn chẳng bao giờ to tiếng với con. Vài lần đầu đánh con, cô trốn trong nhà vệ sinh vừa khóc vừa tự đánh mình, vô cùng hối hận. Thế nhưng những áp lực cuộc sống cứ thế kéo cô đi, biến cô trở thành một người nuôi dạy con theo kiểu “thương cho roi cho vọt”.
Ảnh minh họa
Tiểu Ngô cũng dần thay đổi, cậu bé ít có thời gian gần gũi với mẹ, lại hay bị đòn roi nên cũng trở nên khó nghe lời, lầm lì và ít nói hơn. Ngay cả khi bị mẹ đánh mạnh vào mông cậu cũng nhất quyết không khóc, không kêu đau hay xin lỗi vì việc làm sai của mình. Đây cũng là lý do khiến mẹ Tiểu Ngô không phát hiện ra con trai mình có các dấu hiệu bị tổn thương, suy thận cấp sớm hơn.
4 vị trí cực nguy hiểm mà người lớn tuyệt đối không nên đánh trẻ!
Khi nghe câu chuyện của mẹ Tiểu Ngô, bác sĩ Giang Hân Hân cũng không cầm được nước mắt. Hóa ra, giống như nhiều phụ huynh khác, mẹ Tiểu Ngô mẹ cho rằng phần mông toàn là thịt, ở xa tim, phổi… nên dù có đánh nhiều cũng sẽ không gây nguy hiểm gì. Tuy nhiên, sự thật là khi bị tụ máu dưới da lâu ngày, chức năng bài tiết của thận sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí có thể bị suy thận cấp.
Qua trường hợp này, bác sĩ Giang cũng nhắc nhở các bậc phụ huynh, người lớn nói chung không nên lạm dụng đòn roi khi nuôi dạy trẻ. Hãy học cách lắng nghe, trò chuyện với trẻ nhiều hơn.
Ảnh minh họa
Đặc biệt, có 4 vị trí trên cơ thể trẻ tuyệt đối không được đánh vào bởi tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong.
1. Tai
Không chỉ cha mẹ, thậm chí không ít giáo viên cũng có thói quen véo mạnh tai trẻ như một hình phạt. Tuy nhiên, ngoài cảm giác vô cùng đau đớn do tai rất nhạy cảm, rất nhiều dây thần kinh thì nó còn tiềm ẩn nguy cơ gây tổn thương não bộ. Ngoài ra, hành động này lặp lại nhiều lần còn có thể làm biến dạng tai, ù tai, giảm thính lực của trẻ.
2. Sau đầu
Phần sau đầu, nhất là gáy sát cổ có thể nói là “công tắc sinh mệnh” của mỗi người. Nó càng đặc biệt nhạy cảm đối với trẻ em. Đây là nơi tập trung hầu hết dây thần kinh từ sống lưng lên não bộ. Đây cũng là bộ phận chi phối dây thần kinh não và cột sống. Gáy cũng là vị trí của huyệt thiên trụ nên nếu đánh nhẹ vào gáy có thể gây ngất xỉu còn mạnh thì nguy cơ tử vong rất cao.
3. Thái dương
Đương nhiên, rất ít cha mẹ cố tình đánh vào điểm này trên người con trẻ. Tuy nhiên, khi tát quá mạnh, vô tình hoặc trong lúc tức giận không kiểm soát được mình thì việc tác động vật lý, quăng đồ đạc vào thái dương của trẻ là hoàn toàn có thể xảy ra.
Thái dương có thể nói là bộ phận yếu nhất trong hộp sọ của chúng ta, đặc biệt là đối với trẻ em. Huyệt thái dương cũng mỏng manh và có thể quyết định tính mạng của một người. Nơi này có cấu trúc rất mỏng chỉ khoảng 1 - 2mm. Hơn nữa, nơi này cũng tập trung rất nhiều dây thần kinh.
Nếu bị tác động nhẹ, có thể gây ra đau đớn ở nhiều mức độ, choáng váng, hoa mắt. Nặng thì có thể gây ngất xỉu hoặc tử vong do vỡ động mạch. Ngoài ra, về lâu về dài thì việc đánh vào thái dương dù không mạnh có thể ảnh hưởng xấu tới não bộ, suy giảm thị lực của trẻ.
4. Lưng
Lưng cũng là vị trí rất nhiều cha mẹ, người lớn dùng để “thương cho roi cho vọt” mà không hề nắm được mức độ nguy hiểm của hành động này.
Thực tế, cơ thể trẻ chưa phát triển hoàn thiện, nhất là xương và các cơ quan nội tạng còn mỏng mang. Nếu thường xuyên bị va đập vào lưng, các cơ quan nội tạng của trẻ có thể bị tổn thương, trí thông minh của trẻ cũng có thể bị tổn hại. Đặc biệt là nếu đánh mạnh vào phần lưng trên có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới phổi, trái tim và thậm chí gây tử vong trong trường hợp nặng.
Nguồn: Kknews, Family Doctor, Asia One