Bé trai hoại tử da vì thầy lang chữa bỏng: Hiểm họa thuốc 'lang băm'
Thay vì đưa con trai đến bệnh viện, người mẹ đưa cháu bé đến thầy lang chữa bỏng gần nhà để lấy thuốc và chữa trị với giá 25 triệu đồng. Hậu quả khiến cậu bé bị hoại tử da, phải ghép da 2 lần.
Mới đây, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, cho biết Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng đang chữa trị cho bệnh nhi Đ.N.A. (13 tháng tuổi) trú tại xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, Nghệ An, bị hoại tử da do đắp lá thuốc chữa bỏng.
Khoảng một tháng trước, trong lúc chơi đùa, A. không may bị nước sôi đổ vào người. Phát hiện sự việc, mẹ cháu là chị T.T.U. đã ngâm con trai vào chậu nước để hạ nhiệt.
Khi cởi áo, chị U. phát hiện vùng bụng và ngực con trai bị bong tróc, đỏ tấy. Thay vì đưa cháu A. đến bệnh viện, người nhà khuyên chị đưa con trai đến thầy lang chữa bỏng gần nhà để lấy thuốc. “Khi đưa con đến khám, vị thầy lang cam kết chữa khỏi vết bỏng của bé trong vòng 15 ngày. Chi phí chữa trị là 25 triệu đồng”, chị U. cho biết.
Tin tưởng và muốn con nhanh khỏi, chị U. đồng ý chữa trị. Bé A. được thầy lang cho thuốc về đắp vào vết bỏng. Ngày thứ 3 điều trị, bé A. xuất hiện tình trạng môi đỏ thâm, sốt cao và tiêu chảy. Chị U. cho con vào Bệnh viện Sản Nhi thăm khám.
Bác sĩ chuyên khoa II Thái Văn Bình, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, cho biết bé A. nhập viện trong tình trạng vết bỏng bị sưng nề, chảy dịch đục, vùng cổ, ngực, bụng, cẳng tay phải bị phồng rộp nước, có phần hoại tử đen kèm theo chảy mủ hôi, nhiễm trùng nặng.
Sau gần một tháng điều trị, bé A. đã dần bình phục sau 2 lần ghép da.
Theo bác sĩ Bình, thời gian qua, bệnh viện này đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp nhập viện điều trị trong tình trạng nhiễm trùng vết bỏng do đắp thuốc không rõ nguồn gốc.
Theo khuyến cáo của bác sĩ, khi bị bỏng, trước tiên cần cách ly bệnh nhân tránh xa tác nhân gây bỏng, xả vết bỏng dưới vòi nước mát ít nhất 15 phút (tuyệt đối không dùng đá, tránh gây bỏng lạnh).
Việc hạ nhiệt vùng bỏng sẽ giảm sưng, giảm độ sâu của vết thương, giảm nguy cơ gây sốc cho nạn nhân. Nếu có bọng nước, kết vảy, không nên bóc vì dễ gây nhiễm trùng, tổn thương nặng hơn. Tuyệt đối không xoa dầu, bôi kem đánh răng, trứng gà, mỡ trăn, dầu cá, đắp lá chữa bỏng… lên vùng bỏng.
Sau khi sơ cứu, cần đưa ngay người bệnh đến bệnh viện để được khám bệnh và điều trị, tránh các biến chứng.
Tránh tiền mất, tật mang vì dùng thuốc “lang băm”
Hiện nay, có không ít người dân vẫn còn tin tưởng vào những bài thuốc, những cách chữa trị lạ đời của những "thầy lang vườn". Trên thực tế, đã có không ít người bệnh rơi vào tình cảnh tiền mất tật mang, thậm chí thiệt mạng vì tin vào "lang băm". Bộ Y tế cũng từng có khuyến cáo về thực trạng đáng lo ngại này.
Đã có nhiều lời cảnh báo trên các phương tiện thông đại chúng về nguy cơ tiềm ẩn của loại thuốc “lang băm” không rõ nguồn gốc, nhưng nhiều người vẫn sử dụng vì tin vào lời quảng cáo rằng có khả năng chữa bệnh nan y… Tuy nhiên, hiệu quả của những loại thuốc này đối với các bệnh thì chưa được khoa học kiểm chứng, thành phần và nguồn gốc đều không rõ ràng. Một số loại thuốc còn có chứa hàm lượng rất cao các thuốc tây y, nếu như sử dụng sẽ dẫn đến nguy cơ bị nhiễm độc và có nhiều tác dụng phụ khác nữa.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần đặt niềm tin đúng chỗ khi lựa chọn phương pháp điều trị bệnh bằng đông y. Cần phải xác nhận đó là lương y đã được cấp chứng chỉ hành nghề. Không nên tin vào những lời truyền miệng hay những quảng cáo “thổi phồng” của các cơ sở đông y, nhất là trong điều trị ung thư.
Người dân cần tỉnh táo, không nên đánh cược sức khỏe bản thân trước các bài thuốc “truyền miệng”, không nên mù quáng tin tưởng vào những phương pháp chữa bệnh phản khoa học có thể dẫn tới hậu quả đáng tiếc.