Bé trai liệt tay do sang chấn sản khoa nhi

Với tỉ lệ hiếm gặp, một bé trai có thể phải mang di chứng suốt đời do bị biến chứng liệt đám rối thần kinh cánh tay, một hậu quả nặng nề do sang chấn sản khoa.

Bệnh viện Nhi đồng 2 (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết ngày 15/7 vừa qua đơn vị đã tiếp nhận và phẫu thuật cho bệnh nhi 5 tháng tuổi, ngụ tại Cần Thơ bị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay do sang chấn sản khoa trong quá trình sinh thường.

Bệnh nhi là con thứ 3 trong gia đình, sinh thường 4.7kg – vượt ngưỡng trung bình của trẻ sơ sinh. Ngay từ khi sau sinh, bé được theo dõi và điều trị bằng vật lý trị liệu.

Tuy nhiên, sau 5 tháng, bé chỉ có thể nâng nhẹ vai và cử động rất hạn chế ở khuỷu tay, khả năng hồi phục kém.

Bé được phẫu thuật vi phẫu chuyển ghép thần kinh để có cơ hội phục hồi chức năng vận động cánh tay. Đây là kỹ thuật đòi hỏi chuyên môn cao, được thực hiện bởi ekip bác sĩ của khoa Bỏng – Chỉnh trực, Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Bệnh nhi sau phẫu thuật được bó bột để cố định vị trí cánh tay. ảnh: BVCC

Bệnh nhi sau phẫu thuật được bó bột để cố định vị trí cánh tay. ảnh: BVCC

BS.CKI. Nguyễn Thị Ngọc Ngà cho biết mục tiêu điều trị là giúp bé có thể dần phục hồi các chức năng quan trọng như: nâng vai, gập khuỷu tay và cử động các ngón tay. “Sau phẫu thuật, bé sẽ tiếp tục quá trình vật lý trị liệu chuyên sâu để tối ưu hiệu quả phục hồi”, bác sĩ Ngà thông tin.

Bác sĩ thăm khám và hướng dẫn gia đình cách chăm sóc để trẻ nhanh phục hồi. Ảnh: BVCC

Bác sĩ thăm khám và hướng dẫn gia đình cách chăm sóc để trẻ nhanh phục hồi. Ảnh: BVCC

Liệt đám rối thần kinh cánh tay là tình trạng dập, đứt thần kinh trên đường đi từ tủy cổ ra cánh tay, thường do sang chấn sản khoa. Tỷ lệ xuất hiện dao động từ 1 – 4,6 trẻ/1000 ca sinh, có liên quan đến chuyển dạ khó khăn như: kẹt vai, bất xứng đầu chậu, sinh ngược, sinh dùng kềm, giác hút...

Theo bác sĩ Ngà, phát hiện sớm dấu hiệu tổn thương đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ sơ sinh, theo dõi và điều trị đúng từng giai đoạn là yếu tố quyết định đến khả năng phục hồi chức năng vận động của trẻ.

Quá trình hồi phục sẽ được đánh giá từng tháng, trong trường hợp sau 3 tháng vật lý trị liệu không cải thiện hoặc ngưng tiến triển trong quá trình theo dõi, cần chuyển đến các cơ sở y tế có chuyên khoa phẫu thuật thần kinh trẻ em để được đánh giá và can thiệp kịp thời.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, liệt đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ sơ sinh có thể phát hiện sớm ngay sau sinh qua các dấu hiệu như tay mềm, không cử động, phản xạ yếu hoặc mất hoàn toàn. Phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để theo dõi sát.

Chi Nguyễn

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/be-trai-liet-tay-do-sang-chan-san-khoa-nhi-10380967.html