Becamex IDC lên kế hoạch huy động tối thiếu 15.000 tỷ đồng thông qua đấu giá

Sau hai lần chào bán cổ phiếu thất bại, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, mã BCM - sàn HoSE) tiếp tục kế hoạch chào bán thêm 300 triệu cổ phiếu.

Becamex IDC thông qua kế hoạch chào bán thêm 300 triệu cổ phiếu ra công chúng thông qua phương thức đấu giá công khai tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE). Giá khởi điểm được xác định không thấp hơn giá trị sổ sách tại thời điểm báo cáo gần nhất, đồng thời cũng không thấp hơn trung bình giá đóng cửa 30 phiên giao dịch gần nhất trước ngày công bố bản thông báo phát hành và không thấp hơn 50.000 đồng/cổ phiếu.

Thời gian chào bán dự kiến trong quý IV/2024 và/hoặc trong năm 2025, ngay sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Với giá phát hành dự kiến tối thiểu 50.000 đồng/cổ phiếu, ước tính Becamex IDC sẽ thu về tối thiểu 15.000 tỷ đồng thông qua chào bán 300 triệu cổ phiếu.

Trong đó, số tiền huy động, Becamex IDC dự kiến dùng 6.300 tỷ đồng để đầu tư dự án Khu công nghiệp cây Trường (2.800 tỷ đồng), Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng (3.500 tỷ đồng); 3.634 tỷ đồng góp vốn vào các công ty hiện hữu gồm Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore (2.118 tỷ đồng), Công ty cổ phần Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật Becamex Bình Phước (900 tỷ đồng), Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Becamex - VSIP (216 tỷ đồng), Công ty cổ phần Giải pháp Năng lượng Thông minh Việt Nam - Singapore (200 tỷ đồng), Công ty cổ phần Becamex Bình Định (200 tỷ đồng); và 5.066 tỷ đồng để tái cấu trúc tài chính trả nợ trái phiếu, nợ vay ngân hàng.

Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của Becamex IDC sẽ tăng từ 10.350 tỷ đồng, lên 13.350 tỷ đồng.

Hai lần liên tiếp “ế” lượng lớn cổ phiếu chào bán ra bên ngoài

Điểm đáng lưu ý, mặc dù sở hữu quy mô tài sản lớn và nhiều khu công nghiệp có tiếng trong cả nước nhưng đợt chào bán cổ phần lần đầu tiên ra công chúng của Becamex IDC đã không thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư.

Cụ thể, đợt chào bán cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng (IPO) vào ngày 1/12/2017, Becamex IDC đã thất bại nặng nề khi chỉ có 19 triệu cổ phần, chiếm 6,1% trong tổng số hơn 311,2 triệu cổ phần ra đấu giá.

Tiếp tục, tới ngày 3/1/2018, Becamex IDC tiếp tục chỉ chào bán cổ phiếu ra công chúng lần thứ hai với việc bán được 5,1 triệu cổ phiếu với mức giá khởi điểm 31.000 đồng/cổ phiếu trong tổng 296,46 triệu cổ phiếu mang ra chào bán.

Như vậy, sau 2 đợt đấu giá, Becamex IDC chỉ bán được tổng cộng hơn 24 triệu cổ phiếu, tương đương 7,7% trong tổng số 311,2 triệu cổ phần chào bán, thu về tổng cộng 745 tỷ đồng.

Việc không chào bán được cổ phiếu như mong muốn, tính tới 30/9/2024, Becamex IDC vẫn có một cổ đông lớn là Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương sở hữu tới 95,44% vốn điều lệ và còn lại chỉ 4,56% vốn điều lệ thuộc về các cổ đông khác.

Vấn đề quá lớn đang cản về định giá thoái vốn, cũng như tìm kiếm cổ đông tiềm năng

Becamex IDC là một doanh nghiệp quy mô lớn, sở hữu tài sản lên tới 54.441,18 tỷ đồng (thời điểm 30/9/2024). Trong đó, Công ty vẫn là nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp hàng đầu Việt Nam với tổng diện tích đất sẵn sàng cho thuê lên tới 357,7 ha, cùng với diện tích đất thương mại còn lại là 128 ha và sở hữu liên doanh VSIP được dự báo mang lại cổ tức ổn định hàng năm.

Vì sở hữu quy mô tài sản lớn, nhiều sự án bất động công nghiệp - thương mại trên cả nước, vì vậy, Becamex IDC đã trở thành một trong những doanh nghiệp đáng chú ý của giới đầu tư mỗi khi có thông tin thoái vốn, cơ hội cho nhà đầu tư bên ngoài tham gia vào Công ty.

Tuy nhiên, với tỷ lệ bán vốn và Nhà nước vẫn sở hữu cổ phần chi phối, điều này cũng tạo ra các lo ngại về điều hành, về quản lý và đặc biệt hơn, với quy mô lớn như vậy việc bán vốn không đơn thuần cổ đông nhỏ có thể mua mà phải là một tổ chức quy mô lớn mới có thể tham gia, điều này càng đòi hỏi khó khăn tìm kiếm cổ đông tiềm năng mặc dù doanh nghiệp vẫn sở hữu tài sản lớn.

Thực tế, về mạng lưới công ty, tại thời điểm 30/9/2024, Becamex 11 công ty con, 15 công ty liên kết, đơn vị hợp nhất theo phương pháp vốn chủ sở hữu và 6 đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân. Trong đó, nổi bật lên là các công ty liên kết như Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP), Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW…, đây là các đơn vị phát triển bất động sản khu công nghiệp có tiếng tại Việt Nam khi sở hữu nhiều dự án bất động sản lớn nhờ việc liên doanh với Becamex IDC để lấy dự án.

Việc triển khai trực tiếp dự án, cũng như phát triển cùng liên doanh, hay giao lại các dự án bất động sản thương mại cho các đơn vị Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương, Công ty cổ phần Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật… tạo nên mô hình phức tạp tại Becamex IDC, điều này khác biệt so với một số công ty bất động sản công nghiệp đang niêm yết như Tổng công ty IDICO - CTCP (mã IDC), Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (mã SIP), Công ty cổ phần Long Hậu (mã LHG), Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức (mã SZC)… khi các đơn vị này chỉ đơn thuần sở hữu một vài dự án, trực tiếp triển khai và không có quá nhiều công ty con, công ty liên kết để chuyển giao qua lại, lợi nhuận được tập trung về Tổng công ty.

Về diễn biến giá cổ phiếu, gần đây cổ phiếu BCM đã liên tục tăng nóng nhờ thông tin lộ trình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tính từ ngày 23/4 đến ngày 13/11, cổ phiếu BCM đã tăng 36,5%, từ 49.740 đồng lên 67.900 đồng/cổ phiếu.

Duy Bắc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/becamex-idc-len-ke-hoach-huy-dong-toi-thieu-15000-ty-dong-thong-qua-dau-gia-d229965.html