Beckenbauer, hậu vệ hiện đại đầu tiên

Đối với những người đã xem Beckenbauer thi đấu trực tiếp hay qua những video tư liệu hẳn đều ấn tượng với những hình ảnh: Sải chân dài, đi bóng tự tin, đầu ngẩng cao, mắt tìm kiếm cơ hội trong nỗi lo lắng của đối thủ.

Có nhiều thú vị về Beckenbauer, người nổi tiếng trên các cương vị: Cầu thủ, huấn luyện viên, nhà quản lý. Ông cùng "Vua bóng đá" Pele, "Thánh" Johan Cruyff và một số tên tuổi khác tạo nên kỷ nguyên bóng đá lưu danh sử sách.

Beckenbauer xác định lại vị trí: Hậu vệ. Beckenbauer không phải là hậu vệ hay trung vệ đầu tiên chuyền bóng tấn công nhưng không ai làm điều đó hiệu quả hơn ông. Beckenbauer là người tiên phong với phong cách di chuyển vào trung lộ, chuyền bóng chính xác khắp mặt sân, tạo cơ hội cho hàng công ghi bàn.

Thời điểm đó, làng bóng đá quan niệm hậu vệ đơn thuần là phòng ngự, nhưng Beckenbauer đã đưa vị trí này lên tầm nghệ thuật. Tại đội tuyển bóng đá Đức và câu lạc bộ Bayern Munich, Beckenbauer là điểm tựa để “Vua dội bom” Gerd Muller bắn hạ đối thủ, là chốt chặn trước mặt thủ môn Sepp Maier và là thủ lĩnh tinh thần cho toàn đội. Beckenbauer là hậu vệ hiện đại đầu tiên của thế giới.

 Franz Beckenbauer nâng cao cúp vô địch World Cup 1974. Ảnh: AP

Franz Beckenbauer nâng cao cúp vô địch World Cup 1974. Ảnh: AP

Beckenbauer là hậu vệ duy nhất trong lịch sử 2 lần giành Quả bóng vàng (1972 và 1976); ông đoạt đầy đủ các danh hiệu World Cup, Euro, cúp C1 châu Âu và Quả bóng vàng. Beckenbauer vô địch World Cup trong vai trò đội trưởng (1974) và trên cương vị huấn luyện viên (1990) cùng bóng đá Đức. Nhưng có một khoảnh khắc của Beckenbauer khiến thế giới túc cầu ca ngợi hơn cả là bán kết World Cup 1970 giữa Đức và Italy, trận đấu được ví hay nhất thế kỷ 20.

Tỷ số 4-3 nghiêng về Italy, nhưng Beckenbauer đã khiến tất cả phải nhớ đến mình. Trong trận đấu đó Beckenbauer bị trật khớp vai nhưng không chịu rời sân. Ông yêu cầu đội ngũ y tế buộc chặt cánh tay để cố định vai, dẫn đồng đội xông lên phía trước và chơi trọn 120 phút. Khoảnh khắc ấy biến trận bóng đá thành một bộ phim sử thi và cũng là biểu tượng cho lối chơi ngoan cường của "những cỗ xe tăng Đức".

Nếu bạn thích thần tượng của mình không tì vết thì hãy dừng đọc ở đây, bởi Beckenbauer cũng là con người và di sản của ông một phần bị hoen ố vì bê bối. Theo Der Spiegel, Ban tổ chức World Cup 2006 do Beckenbauer dẫn đầu “dường như đã chi tiền để mua quyền làm chủ nhà”.

Năm 2014, Beckenbauer bị Ủy ban Đạo đức của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) cấm tham gia bất kỳ hoạt động nào liên quan đến bóng đá trong 90 ngày vì bị cáo buộc từ chối hợp tác với cuộc điều tra về tham nhũng bởi việc phân bổ quyền chủ nhà World Cup 2018 và 2022 cho Nga và Qatar. Tháng 3-2016, Ủy ban Đạo đức FIFA mở các thủ tục tố tụng chính thức chống lại Beckenbauer vì trao quyền đăng cai World Cup 2006 cho Đức. Dù sau đó FIFA không đưa ra kết luận, nhưng danh tiếng của Beckenbauer cũng bị ảnh hưởng nhiều.

Có phải Beckenbauer đã đánh mất “la bàn” đạo đức từ khi tham gia chính trường ở FIFA? Liệu những bê bối trên có khiến chúng ta thay đổi cách tưởng nhớ và tôn vinh di sản của Beckenbauer trên sân cỏ? Beckenbauer vẫn mãi là “Hoàng đế bóng đá”, một người khổng lồ của làng túc cầu, kẻ chinh phục chiến thắng bằng trái tim và dũng khí. Và khi Beckenbauer vừa qua đời ở tuổi 78, thế giới bóng đá đang tưởng nhớ và tôn vinh ông.

HOÀI PHƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/quoc-te/beckenbauer-hau-ve-hien-dai-dau-tien-760846