Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 15/9 cảm ơn người đồng cấp Nga Vladimir Putin, cho biết Moscow đồng ý cung cấp lượng lớn vũ khí cho Minsk trước năm 2025.
"Tôi sẽ không công bố con số cụ thể, dù đây không phải bí mật quá lớn. Tổng giá trị thỏa thuận là hơn một tỷ USD", ông Lukashenko cho hay.
Tổng thống Lukashenko cho biết, Belarus đang đặt mua hệ thống phòng không S-400 và sẽ triển khai chúng gần biên giới giáp Ukraine.
"Chúng tôi cần sẵn sàng, đường biên với Ukraine dài khoảng 1.200 km. Nga và Belarus đã thảo luận khả năng sử dụng tên lửa S-400", ông nói thêm.
S-400, do Phòng Thiết kế, Tập đoàn Almaz-Antey, Nga, phát triển, là phiên bản cải tiến với nhiều tính năng mạnh mẽ hơn hệ thống tên lửa đất đối không S-300.
Hệ thống này được biên chế cho quân đội Nga từ tháng 4-2007 và lần đầu triển khai trên thực địa 4 tháng sau đó.
Nga thiết lập 4 trung đoàn S-400 thực hiện nhiệm vụ bảo vệ không phận quốc gia tại Moscow, vùng Kaliningrad, Crimea và quận quân sự phía Đông.
Hiện hệ thống này cũng được triển khai tại Syria trong tay quân đội Nga nhằm bảo vệ căn cứ quân sự của nước này.
Hệ thống S-400 có thể tiêu diệt tất cả các vật thể xuất hiện trên không, bao gồm máy bay, phương tiện bay không người lái (UAV) hay tên lửa đạn đạo, ở độ cao 50 km và tốc độ tối đa của mục tiêu lên đến 4.800 m/giây.
S-400 có khả năng theo dõi 300 mục tiêu và cùng lúc bắn hạ 36 mục tiêu trong đó.
Thông số của S-400 quá ấn tượng dù nó chưa một lần thể hiện sức mạnh trong thực chiến.
Rõ ràng với thông số "sáng" cùng giá cả phải chăng hơn các hệ thống từ phương Tây, S-400 đang là đích ngắm của hàng loạt quốc gia.
Trung Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới nhập khẩu hệ thống tên lửa phòng không S-400. Mặc dù Trung Quốc đã có Hongqi-9, nhưng S-400 mạnh hơn, không chỉ có thể đánh chặn máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình mà còn tấn công các mục tiêu tàng hình và tên lửa đạn đạo.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng chính thức trở thành nước thứ hai sử dụng hệ thống phòng không S-400; mặc dù việc nhập khẩu hệ thống phòng không này của Thổ Nhĩ Kỳ gặp phải sự ngăn cản quyết liệt của Mỹ và các quốc gia trong khối NATO.
Đầu năm 2020, Ấn Độ cũng chính thức ký thỏa thuận với Nga để trang bị hệ thống phòng không S-400.
Chỉ riêng tổng số tiền của ba đơn hàng này đã lên tới gần 15 tỷ USD; mặt hàng tên lửa phòng không S-400 có thể được gọi là “Con gà đẻ trứng vàng” mới bên cạnh tiêm kích đa năng Su-35.
Belarus là quốc gia mới nhất đặt mua hệ thống phòng thủ tầm xa S-400.
Hiện nay một số quốc gia ở Trung Đông đang sẵn sàng mua hệ thống phòng không này như Ả Rập Saudi, Qatar và Iran.
Việt Hùng